Tuyên Quang: Thoát nghèo từ chăn nuôi và bảo vệ rừng

BVR&MT- Anh Ma Công Tuấn, dân tộc Tày, thôn Bản Phú, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là tấm gương điển hình về làm giàu từ nuôi dê và kinh doanh vật tư nông nghiệp, đồ điện dân dụng.

Trước đây, anh Tuấn từng làm ruộng, nuôi trâu, bò, vịt, gà… nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đạt hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương vẫn thôi thúc anh tiếp tục đi khắp nơi học hỏi các mô hình chăn nuôi. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng đi mới, anh quyết định chọn nuôi dê để phát triển kinh tế, vì nuôi dê ít tốn vốn đầu tư, quay vòng nhanh, giá bán khá cao so với các loại vật nuôi khác, đặc biệt điều kiện địa hình tại địa phương là núi đá và nguồn thức ăn dồi dào rất phù hợp để nuôi dê.

Ma Công Tuấn, người thoát nghèo từ chăn nuôi và bảo vệ rừng.

Năm 2007, anh mua 04 con dê giống về nuôi. Chỉ trong vòng 10 năm tích cực nhân giống và chăm sóc, đàn dê của anh đã tăng lên 45 con và anh đã phát triển thành trang trại nuôi dê để cung cấp nguồn dê thịt và dê giống ra thị trường với giá dao động từ 110.000 đồng đến 130.000 đồng/kg. Mỗi tháng anh xuất bán ra thị trường từ 12 đến 15 con cho các tỉnh như Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Ninh…

Theo anh Tuấn, để nuôi dê đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi dê rất quan trọng, từ khâu làm chăm sóc cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh; chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê.

Ngoài mô hình nuôi dê, anh Tuấn còn kinh doanh vật tư nông nghiệp, đồ điện dân dụng phục vụ bà con trong xã và nhận giao khoán bảo vệ 16 ha rừng phòng hộ. Ước tính mỗi năm, trừ chi phí sản xuất, chăn nuôi, gia đình anh Tuấn thu lãi trên 150 triệu đồng/ năm.

Hoàng Việt