Tuyên Quang có thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

BVR&MT – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa Quyết định công bố 4 Di sản văn hóa phi vật thể của Tuyên Quang được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ban hành các Quyết định công bố 11 di sản được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong đó tỉnh Tuyên Quang có 4 di sản được ghi danh đợt này, gồm: Lễ Nhảy lửa của người Pả Then, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình); Lễ hội đình Hồng Thái, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương); Tri thức về Cọn Nước của người Tày các xã Trung Hà, Hà Lang (huyện Chiêm Hóa), xã Côn Lôn (huyện Na Hang), xã Phúc Yên (huyện Lâm Bình); Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày các xã Lăng Can, Hồng Quang, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Phúc Yên (huyện Lâm Bình).

Chiếc cọn nước của người Tày ở Tuyên Quang

Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giao cho Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Lễ hội Nhảy lửa là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Pà Thẻn tại xã Hồng Quang (Lâm Bình) thường được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn quan niệm có các vị thần che chở, giúp đỡ. Lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã trở thành một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tâm linh thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu vói khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.

Lễ hội Đình Hồng Thái mang đậm nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Tày, xã Tân Trào (Sơn Dương) được đồng bào tổ chức vào đầu năm mới nhằm cảm tạ trời đất đã giúp nhân dân có mùa màng bội thu, năm mới gặp nhiều may mắn. Phần lễ với các nội dung; Lễ thượng cờ, dâng cỗ, cúng tắc kè gọi mưa, gọi nắng, tổ chức hạ kiệu rước Ngọc Hoa công chúa tại bến lở sông Phó Đáy về Đình Hồng Thái dự hội. Phần hội được diễn ra với các trò chơi dân gian; thầy đồ dạy học, cày bừa, bắt tôm, bắt cá, múa rối, múa tràng….

Đình Hồng Thái không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, hội hè của nhân dân địa phương mà còn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cọn nước (guồng nước) của người Tày tại Tuyên Quang là hệ thống dùng sức nước để hoạt động, khi nước chảy qua guồng sẽ tạo ra một lực đẩy, nước sẽ tiếp xúc với bề mặt của phên gạt nước được đặt trên guồng quay. Nước theo các ống dẫn dồn về các thửa ruộng hay các hộ gia đình để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của đồng bào. Cọn nước là sản phẩm sáng tạo độc đáo của cư dân vùng cao Tuyên Quang, chiếm một vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào nơi đây. Trải qua bao thế hệ, nó cũng là thành quả của quá trình lũy, đúc rút kinh nghiệm trong lao động sản xuất của đồng bào nơi đây.

Người Tày ở huyện Lâm Bình là cư dân nông nghiệp có truyền thống làm ruộng nước, từ lâu đời đã biết thâm canh và áp dụng rộng rãi các biện pháp thuỷ lợi như đào mương, bắc máng, đắp phai, làm cọn lấy nước tưới ruộng. Họ có tập quán đập lúa ở ngoài đồng trên những máng gỗ mà họ gọi là loỏng rồi mới dùng dậu gánh thóc về nhà. Nước là quan trọng bậc nhất trong việc trồng lúa, cần quanh năm để trồng 2 vụ lúa, Tổ tiên của người Tày đã bao đời nay đã có nhiều sáng kiến để làm sao đủ nước cho ruộng lúa. Kỹ thuật dẫn thủy nhập điền của đồng bào khá đa dạng. Dựa vào địa hình tự nhiên và cải tạo thiên nhiên đồng bào, đào mương dẫn nước từ chân núi, đồi. Đắp đập ngăn suối chặn nước dâng cao dẫn vào ruộng, biết tìm nguồn nước trong các khe suối, dùng cây tre, nứa … để làm máng bắc nước qua các khe có đoạn dài nhiều cây số, vượt qua các thung lũng, chạy theo thế đất, dẫn nước về ruộng.

Như vậy, đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 16 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nhiều lễ hội được phục dựng và tổ chức thường niên, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự, tiêu biểu như Lễ hội Thành Tuyên – đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của Tuyên Quang.

Sơn Tinh

Tags: ,
CHIA SẺ