Tuyên Quang áp dụng cảnh báo cháy rừng qua điện thoại của lãnh đạo kiểm lâm

BVR&MT – Tuyên Quang là một trong ba tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất trong cả nước với tỉ lệ che phủ của rừng đạt 64,9%. Để phát huy lợi thế về rừng, công tác bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh quan tâm thực hiện quyết liệt, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, giảm dần nạn phá rừng, mất rừng.

Bảo vệ rừng nghiêm ngặt 

Huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có diện tích rừng tương đối lớn với trên 65.000 ha, trong đó rừng đặc dụng trên 5.000 ha, rừng phòng hộ trên 8.000 ha và rừng sản xuất gần 43.000 ha. Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Yên phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp vi phạm; đôn đốc các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ tốt diện tích rừng trồng phòng hộ hiện có. Đồng thời tổ chức diễn tập phòng cháy chữa, cháy rừng cấp xã và không ngừng củng cố tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã cũng như xây dựng phương án phòng chống cháy rừng…

Chú thích ảnh
Rừng trồng ở thôn Bình Ca, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

 

Ông Đặng Hồng Phong, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Yên có 20 biên chế kiểm lâm, quản lý trên 90 nghìn ha, trong đó có trên 65 nghìn ha diện tích đất có rừng. Mặc dù nhân lực hạn chế nhưng Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Yên luôn bố trí, phân công cán bộ thường trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt kiểm lâm, theo dõi sát diễn biến của thời tiết, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Từ đầu năm 2019 đến nay, Hạt đã phát hiện và xử lý 4 vụ vi phạm trong đó có vận chuyển lâm sản trái pháp luật và vi phạm thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Năm 2018 gia đình anh Trần Văn Xuân, thôn Xít Xa, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang nhận quản lý, bảo vệ hơn 23 ha rừng tự nhiên với mức thù lao trên 10 triệu đồng mỗi năm. Số tiền từ nhận khoán bảo vệ rừng là nguồn thu nhập ổn định để anh trang trải cuộc sống, lo cho các con đi học. Anh Trần Văn Xuân cho biết, từ khi nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng, ngoài việc thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra rừng, anh còn tuyên truyền cho người dân trong thôn về trách nhiệm bảo vệ rừng, không vi phạm pháp Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Khi phát hiện trường hợp nào xâm phạm, lấn chiếm đất rừng hoặc khai thác lâm sản trái phép, người dân phải báo cáo cho UBND xã và cán bộ kiểm lâm biết để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Vào mùa nắng nóng, anh đi tuần rừng, chủ động phát hiện nguy cơ cháy rừng, kịp thời báo cáo lực lực kiểm lâm khu vực cũng như chính quyền địa phương để xử lý nhanh, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.

Ông Nguyên Văn Đạt – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khương chia sẻ, trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, UBND xã Minh Khương đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, các hộ được giao khoán thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng. Hàng năm UBND xã phối hợp với kiểm lâm tổ chức cho 100% các hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng. Xã Minh Khương hiện có tổng diện tích rừng trên 1.000 ha, trong những năm qua trên địa bàn xã không xảy ra vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Áp dụng hệ thống cảnh báo sớm cháy rừng trên điện thoại 

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang đã tăng cường lực lượng về công tác tại địa bàn, bám rừng để bảo vệ rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang bố trí 80 trạm, chốt bảo vệ rừng để thực hiện bảo vệ rừng tại gốc, trong vùng lõi các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ và các khu rừng giáp ranh với các tỉnh bạn. Để khắc phục tình trạng thiếu biên chế của lực lượng kiểm lâm, hàng năm, tỉnh Tuyên Quang cũng cấp kinh phí để lực lượng kiểm lâm hợp đồng thêm với gần 100 lao động hỗ trợ làm nhiệm vụ tuần rừng, bảo vệ rừng, do đó cũng giảm bớt được phần nào những khó khăn cho kiểm lâm.

Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hiện nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đã áp dụng hệ thống cảnh báo sớm cháy rừng trên điện thoại thông minh của các lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, lãnh đạo các Hạt, các Trạm kiểm lâm. Nhờ đó, khi có thông tin về điểm cháy, lực lượng kiểm lâm đều được cảnh báo sớm và chỉ đạo kiểm tra xác minh, xử lý đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Ngành chức năng thực hiện hệ thống bảng, biển cảnh báo cấp cháy rừng tại các khu trọng điểm về cháy rừng. Từ năm 2018 đến nay mặc dù thời tiết có diễn biến rất phức tạp, khô hanh, nắng nóng nhiều đợt kéo dài những trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang không xảy ra vụ cháy rừng nào.

Ông Nguyễn Bảo Anh, quyền Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết: Đối với các khu rừng có nguy cơ bị xâm hại, chúng tôi thực hiện giao rừng đến từng kiểm lâm và quản lý bảo vệ rừng đến từng lô, từng khoảnh rừng, đồng thời gắn với trách nhiệm của từng kiểm lâm. Ngoài ra, Chi cục kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ kiểm lâm buông lỏng quản lý địa bàn để địa bản xảy ra việc khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép mà không có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời…

Với những giải pháp như vậy thì số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã giảm mạnh cả 2 tiêu chí về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại đối với tài nguyên rừng. Trong 4 tháng đầu năm 2019, lực lượng kiểm lâm Tuyên Quang phát hiện và ngăn chặn 136 vụ vi phạm, giảm 35 vụ tương đương 20% số vụ so với năm 2018.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có gần 423.000 ha rừng (rừng tự nhiên trên 233.000 ha; rừng trồng hơn 189.000 ha). Để nâng cao giá trị từ rừng, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo đột phá vào khâu trồng rừng thâm canh, chuyển hóa những khu trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang trồng rừng kinh doanh gỗ lớn… Hiện nay Tuyên Quang cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC với diện tích gần 21 nghìn ha, từ đó đã nâng cao được giá trị rừng lên khoảng 15%. Việc phát triển rừng cũng là một trong những giải pháp bền vững để thực hiện bảo vệ rừng, nâng cao đời sống của nhân dân.