Tuyên bố bảo vệ rừng và đất tại COP26 có khả thi?

BVR&MT – Tính đến ngày 3/11/2021, 127 quốc gia đã ký tuyên bố về rừng và sử dụng đất tại COP26, cam kết xóa bỏ tình trạng mất rừng vào năm 2030 như một phần trong nỗ lực tập thể chống lại biến đổi khí hậu. Đi kèm với cam kết là khoản tài trợ 19,2 tỷ USD mà các nhà lãnh đạo thống nhất đóng góp nhằm đạt được mục tiêu chung. Tuy nhiên, ngược trở lại 7 năm về trước, tại New York, 39 quốc gia cũng ký tuyên bố về rừng, cam kết giảm một nửa tình trạng mất rừng tự nhiên vào năm 2020 và chấm dứt vào năm 2030. Cuối cùng, tuyên bố này đã thất bại dù đặt mục tiêu rất cụ thể. Vì vậy, không ít ý kiến hoài nghi tuyên bố tại Glasgow cũng khó có thể vượt qua một cam kết chính trị, nhất là khi mục tiêu mà nó đặt ra khá mơ hồ.

Theo dữ liệu từ Global Forest Watch và Matthew Hansen thuộc Đại học Maryland, 127 quốc gia ký cam kết chiếm khoảng 90% diện tích cây che phủ toàn cầu năm 2010, tương đương 3,5 tỷ ha cây che phủ và khoảng 85% độ che phủ rừng nhiệt đới nguyên sinh năm 2010, tương đương 858 triệu ha rừng. Trong khi theo tuyên bố New York, 39 quốc gia ký kết đại diện cho 39% độ che phủ cây toàn cầu và độ che phủ rừng nhiệt đới nguyên sinh năm 2010, tương ứng 1,5 tỷ ha độ che phủ cây và 391 triệu ha rừng. Nếu tính cả cam kết từ một số đơn vị hành chính cấp địa phương (bang, tỉnh) thì tỷ lệ che phủ cây toàn cầu của các đại diện ký tuyên bố tăng lên 44%, tương đương 1,7 tỷ ha và độ che phủ rừng nhiệt đới nguyên sinh tăng lên 55%, tương đương 558 triệu ha (cũng ước tính dựa trên số liệu năm 2010).

Phá rừng ở Borneo. Ảnh: Rhett A. Butler

Xét về phạm vi, tuyên bố New York được ký trong tuần lễ khí hậu của Liên hợp quốc chứ không phải tại COP cùng năm 2014 với số lượng quốc gia ký kết ít hơn 1/3 tuyên bố Glasgow. Tuy nhiên, một số quốc gia tán thành tuyên bố cũ nhưng không ủng hộ tuyên bố mới, chẳng hạn như Thái Lan, Ethiopia và El Salvador. Tín hiệu tích cực từ tuyên bố Glasgow là nhận được sự ủng hộ của các nước lớn như Nga (đứng đầu về độ che phủ cây toàn cầu), Brazil (xếp thứ hai, nhờ rừng nhiệt đới Amazon) và Trung Quốc (thứ 6), tổng cộng chiếm 1,4 tỷ ha độ che phủ cây. Trong số các quốc gia nhiệt đới, sau Brazil còn có Papua New Guinea (bao phủ 32 triệu ha rừng nhiệt đới nguyên sinh), Gabon (23 triệu ha) và Cộng hòa Congo (21 triệu ha).

Về mục tiêu cam kết, cả hai đều hướng tới loại bỏ nạn phá rừng ra khỏi chuỗi cung ứng hàng hóa, thúc đẩy quản lý rừng bền vững cùng các ngành công nghiệp hỗ trợ sinh kế địa phương, tạo động lực tài chính để bảo tồn rừng, phục hồi hệ sinh thái và hạn chế sự nóng lên dưới 2 độ C. Tuy nhiên, tuyên bố Glasgow mơ hồ hơn so với tuyên bố New York ở một số khía cạnh, ví như tuyên bố New York đặt ra các mục tiêu cụ thể về phục hồi hệ sinh thái (150 triệu ha vào năm 2020; 350 triệu ha vào năm 2030) và chỉ rõ dầu cọ, đậu nành, giấy và thịt bò là những mặt hàng nên được tách biệt khỏi nạn phá rừng. Trong khi đó, tuyên bố Glasgow đặt mục tiêu đến năm 2030 “ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng và suy thoái đất” – đây là một cụm từ lỏng lẻo và ẩn chứa lỗ hổng bởi một quốc gia có thể tuyên bố “không mất rừng thuần” bằng cách chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng trồng độc canh.

Quang cảnh từ máy bay không người lái ở khu rừng Chiquitano, Bolivia – nơi vừa bị dọn sạch để sản xuất đậu nành. Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay.

Về tính hiệu quả, rõ ràng tuyên bố New York đã thất bại, nó không thể hoàn thành mục tiêu giảm 50% tình trạng mất rừng tự nhiên vào năm 2020. Mất rừng nguyên sinh nhiệt đới ở các nước ký kết – một đại diện công bằng cho “mất rừng tự nhiên” – đã tăng 12,9%, từ 6,3 triệu ha trong giai đoạn 2010 – 2014 lên 7,1 triệu ha trong giai đoạn 2016 – 2020. Nếu tính cả cam kết từ các đơn vị địa phương thì kết quả còn tệ hơn với tỷ lệ mất rừng tăng 19,3% giữa hai giai đoạn. Trong khi đó, tham vọng giảm một nửa nạn phá rừng từ các bên ký kết đặt ra yêu cầu giảm lượng mất rừng nguyên sinh từ 4 triệu đến 5,5 triệu ha so với những gì xảy ra trên thực tế. Nói cách khác, mục tiêu năm 2020 bị chệch 63-75% nếu lấy mất rừng nguyên sinh làm đại lượng cho mất rừng tự nhiên thay vì dựa vào tỷ lệ mất cây che phủ – vốn là đại diện kém chính xác hơn.

Ở tuyên bố Glasgow, 127 quốc gia ký kết cũng đã làm mất 91,7 triệu ha cây che phủ và 12,5 triệu ha rừng nguyên sinh nhiệt đới từ năm 2010 – 2014 (tương đương 28,8% và 50,2%) lên 118,1 triệu ha cây che phủ và 18,8 triệu ha rừng trong giai đoạn 2016 – 2020. Vì vậy, để không mất rừng, các bên ký kết cần giảm lượng mất rừng ít nhất 3,1 triệu ha mỗi năm nếu lấy mất rừng nguyên sinh làm đại lượng ước tính và con số này có thể cao hơn gấp bội nếu tính theo mất rừng thứ sinh. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải nỗ lực bảo vệ rừng trên toàn thế giới, nhất là trước xu hướng chuyển đổi rừng ngày càng tăng và cháy rừng ngày càng nghiêm trọng, Rhett Butler, người sáng lập Mongabay nhấn mạnh.

Thùy Dung (Theo Mongabay)

Tags:
CHIA SẺ