Tương lai nào cho rác thải Thủ đô?

BVR&MT – Trong thời gian qua, mặc dù chính quyền thành phố Hà Nội đã nhiều lần “ra tay” để tìm “đầu ra” cho vấn đề rác thải nhưng đến nay, mọi việc có vẻ như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Người dân và chính quyền chưa tìm được tiếng nói chung, vì vậy, việc “giải bài toán” cho vấn này vẫn chưa hẹn ngày “về đích”.

Hằng ngày, tại Hà Nội, khoảng hơn 5.000 tấn rác sinh hoạt được thải ra môi trường. (Ảnh:TA)

Hằng ngày, tại Hà Nội, khoảng hơn 5.000 tấn rác sinh hoạt được thải ra môi trường. Đó là chưa kể rác thải công nghiệp, rác thải rắn, rác thải độc hại. Theo tính toán, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 5% khối lượng rác thải. Với tỷ lệ thu gom đạt 100%, đến năm 2025, khối lượng rác cần xử lý ở Thủ đô là khoảng 8.500 tấn/ngày đêm.

Khối lượng rác thải không ngừng tăng lên theo tốc độ đô thị hóa nhưng nghịch lý là Hà Nội chỉ có hai khu xử lý rác thải chính là Nam Sơn và Xuân Sơn đều đang trong tình trạng quá tải nên Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều áp lực và hệ lụy từ rác.

Cụ thể, theo quy hoạch, đến năm 2020, Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn có quy mô 157 ha, đến năm 2030 là 257 ha và đến năm 2050 là 280 ha. Diện tích bãi rác trên thuộc các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ (Sóc Sơn). Bãi có nhiệm vụ xử lý rác của 12 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành Hà Nội. Quy hoạch là vậy nhưng từ nhiều năm nay, việc di dời giải phóng mặt bằng để mở rộng bãi rác lại rất khó khăn. Vì vậy, đến nay bãi rác Nam Sơn vẫn chỉ có diện tích khoảng 150 ha và dường như chưa mở rộng được thêm một mét vuông nào nữa kể từ năm 2020 đến nay để dành cho việc chôn lấp và xử lý rác.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra tại Khu liên hiệp xử lý rác thải Xuân Sơn. Điều này dẫn tới tháng 10 vừa qua bãi rác này phải dừng tiếp nhận rác, khiến một số quận, huyện bị ùn ứ rác thải.

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên người dân Hà Thành phải chứng kiến điều này. Trước đó, người dân đã nhiều phen hú hồn, nín thở với việc rác thải ứ đọng khối lượng lớn, ô nhiễm nồng nặc ở nhiều con phố khi bãi rác lớn của thành phố gặp sự cố, không thể tiếp nhận rác. Áp lực đó khiến cho nguy cơ “vỡ trận” về đầu ra của rác thải đang hiện hữu.

Thực trạng trên đã hối thúc các đồng chí lãnh đạo không thể đứng yên. Tại các buổi làm việc gần đây với các đơn vị đầu tư nhà máy rác, cùng các cơ quan chức năng của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, đã nhiều lần chỉ đạo các sở, ngành liên quan, tập trung ưu tiên hàng đầu để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục nhằm “nổi lửa” và khởi công các nhà máy đốt rác phát điện theo cam kết.

Trước các động thái này, người dân Hà Thành có phần yên tâm, nhất là khi được đón nhận thông tin việc thành phố chấp nhận chủ trương đầu tư đối với nhiều dự án đốt rác phát điện tầm cỡ trên địa bàn. Có thể kể đến như Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm; nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày đêm của liên danh T&T và Hitachizonshen; Nhà máy xử lý rác của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Indovin Power 500 tấn/ngày đêm; Nhà máy điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin…

Tuy nhiên, trong các dự án trên, hiện chỉ có Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý là đang trong quá trình thi công nhưng cũng đã chậm so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến trong năm nay, nhà máy trên sẽ tiếp nhận rác để vận hành. Các dự án còn lại đều đang trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện thủ tục đầu tư, bàn giao mặt bằng… nên chưa biết đến lúc nào mới “về đích”…

Trước thực trạng trên, mới đây, UBND thành phố Hà Nội phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đi kèm giải pháp trước mắt là đầu tư 170 tỷ đồng để xây dựng một số hạng mục nhằm nâng công suất của bãi rác Nam Sơn.

Cũng theo UBND thành phố, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tới 17 khu xử lý chất thải, chia làm 3 khu vực: Bắc, Nam và Tây. Một số khu xử lý đang được UBND thành phố thực hiện dự án cải tạo hạ tầng, triển khai giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư như: Châu Can (Phú Xuyên); Phù Đổng (Gia Lâm); Đồng Ké, Núi Thoong (Chương Mỹ); Đông Lỗ (Ứng Hòa); Lại Thượng (Thạch Thất); Hợp Thanh (Mỹ Đức)… Quy mô mỗi khu xử lý từ 4 ha đến khoảng 20 ha, công suất xử lý từ 500 tấn đến 1.200 tấn rác/ngày đêm.

Có thể nói, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác cũng như chống quá tải cho các ô chôn lấp, Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có cả cấp bách và lâu dài như nêu trên để từng bước giảm áp lực cho đầu ra của rác thải, hướng tới môi trường Thủ đô xanh, sạch, đẹp.

Nhưng hiện việc giải phóng mặt bằng để xây dựng bãi rác theo quy hoạch đang diễn ra chậm như hiện nay thì không ai dám chắc được điều gì. Nhiều người cho rằng, thực tế này là do Hà Nội lại đang thiếu sự kiên quyết và rốt ráo trong triển khai thực hiện khiến nhiều dự án vẫn trong tình trạng ì ạch, chưa có hồi kết khiến “số phận” rác thải sinh hoạt nội đô của Hà Nội luôn trong tình trạng bấp bênh.

Vì thế, người dân đang hy vọng và mong muốn các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cần quyết liệt, “mạnh tay” hơn để việc tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ chút nào này cần được giải quyết căn cơ, bài bản để rác thải, môi trường và cuộc sống của người dân không bị loay hoay trước mỗi lần cuộc “khủng hoảng” rác xảy ra./.