Tương Dương – Nghệ An: Nhà tranh, vách nứa vẫn “cán đích” xã Nông thôn mới?

BVR&MT – Là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Nghệ An về đích Nông thôn mới nhưng trên địa bàn xã Tam Quang (huyện Tương Dương) vẫn đang tồn tại thực trạng nhiều ngôi nhà mái tranh vách nứa rất tạm bợ.

Tháng 01/2018, xã Tam Quang, huyện Tương Dương được tỉnh Nghệ An trao bằng công nhận đạt chuẩn NTM.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương đến thời điểm hiện tại, ở các bản Tùng Hương, Liên Hương, Tân Hương của xã Tam Quang vẫn đang còn tồn tại nhiều ngôi nhà được lợp bằng lá cọ, vách bằng nứa rất tạm bợ.

Cuộc sống của bà con các bản biên giới xã Tam Quang phần lớn còn khó khăn.

Những ngày tháng 04/2018, Phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường có mặt tại những bản nói trên để nắm rõ thực hư. Qua đồn biên phòng Tam Quang, không khó khăn gì để phóng viên bắt gặp những căn nhà mái cọ, vách nứa nằm cạnh bên đường vào các bản này. Đi sâu hơn vào trong bản Liên Hương, không chỉ một mà nhiều ngôi nhà lợp cọ, tranh vách nứa tạm bợ xuất hiện như nhà của của ông Lô Anh Ngọc, Lô Văn Khương…

Và tiêu biểu nhất cho những ngôi nhà mái tranh, vách nứa tạm bợ ở xã Nông thôn mới phải kể đến căn nhà của vợ chồng anh La Văn Quang (SN 1979) và chị Viêng Thị Mằn (SN 1991), trú tại bản Tùng Hương, xã Tam Quang.

Cận cảnh căn nhà của vợ chồng anh Quang, chị Mằn được chính quyền đưa ra khỏi hộ nghèo.

Thấy người lạ vào thăm, chị Mằn không khỏi ngượng ngùng. Khi hỏi về gia cảnh, người phụ nữ ấy nhìn căn nhà tranh, vách nứa dột nát chỗ nào cũng thấy trời và nói giọng buồn rầu. “Các anh nhìn nhà của vợ chồng em thì biết rồi đó, có gì để nói đâu”. Qua quan sát của phóng viên, căn nhà tranh vách nứa, nền đất của vợ chồng anh Quang, chị Mằn chỉ rộng khoảng 20m2 nằm ngay bên trục đường liên bản từ Tùng Hương sang bản Liên Hương. Thoạt nhìn qua, đồ đạc trong căn nhà ấy chẳng có gì đáng giá ngoài mấy tấm gỗ kê sập hàng xóm gửi từ năm nào. Không có nổi tiền mua hay thuê thợ đóng một chiếc giường, anh Quang phải tận dụng những cây gỗ tạp để dựng nên một chiếc giường tạm bợ y hệt trong những lán, trại giữa rừng sâu.

Được biết, gia đình chị Mằn hiện có tất cả 04 miệng ăn nhưng chỉ có hơn 01 sào ruộng lúa nước và những chuyến đi rừng kiếm kế sinh nhai. Nhiều năm qua, cái nghèo vẫn đeo đẳng gia đình cặp vợ chồng trẻ. Năm 2017, gia đình chị Mằn được nhà nước hỗ trợ một con bê cái và có con bò này, gia đình chị bỗng nhiên được xã đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo (từ hộ nghèo thành hộ cận nghèo).

Trong nhà của anh Quang không có gì đáng giá, nhìn đâu cũng thấy trời.

Ông Lô Văn Thăm, Trưởng bản Tùng Hương, xã Tam Quang cho hay, tại bản có 24 hộ nghèo và cận nghèo, đời sống của người dân còn khá khó khăn. Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM thì hiện tại sau khi được nhà nước hỗ trợ xi măng, ban quản lý bản đang huy động người dân đóng góp cát, sỏi và ngày công để làm các tuyến đường liên bản, ngõ xóm.

Làm việc với phóng viên, Bà Kha Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang thừa nhận, tại các bản Liên Hương, Tân Hương, Tùng Hương còn một số ngôi nhà của người dân đang được lợp bằng lá cọ, vách nứa. Toàn xã hiện còn 124 hộ nghèo, hơn 500 hộ cận nghèo trong đó có 47 hộ bảo trợ diện tàn tật, hộ người cao tuổi…

Khi hỏi vì sao trên địa bàn các bản nói trên, nhiều hộ dân vẫn phải sống cảnh nhà tạm, mái tranh vách nứa nhưng không hiểu sao khi trong quá trình thẩm định, xã Tam Quang vẫn được về đích Nông thôn mới thì bà Hiền phân trần, về tiêu chí xóa nhà tạm thì theo cam kết là các hộ này xin nợ ra năm làm. Qua phản ánh của các anh thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại chứ thực tế họ thừa sức làm?

Từ năm 2015, bằng các nguồn vốn, xã đã có kế hoạch để hỗ trợ người dân thực hiện tiêu chí nhà ở, nhưng một bộ phận người dân vẫn đang trông chờ và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, Bà Kha Thị Hiền cho biết thêm.

Nhiều căn nhà tranh, vách nứa tạm bợ đang tồn tại ở các bản Liên Hương, Tùng Hương và Tân Hương nhưng Tam Quang vẫn về đích Nông thôn mới.

Trong khi đó, khi đề cập đến vấn đề trên, ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nói: “Để kiểm tra lại vì có cả hội đồng thẩm định cả rồi. Có thể một số hộ mới chuyển ra nhà mới. Cũng có trường hợp vận động làm nhà mới nhưng họ không chịu làm thì phải chịu thôi!”.

Theo quyết định số 2337/QĐ-UBND ngày 01/06/2017 về việc ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới áp dụng trên địa bàn các xã miền núi tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 – 2020 (thay thế Quyết định 1263 ngày 28/03/2016) quy định tạm thời Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới ngày 01/06/2017, gồm 15 tiêu chí.

Trong đó, về nhà ở dân cư: Không có nhà tạm, dột nát; trên 80% hộ có nhà ở đạt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đối với các xã khu vực I và trên 75% đối với các xã khu vực II và III; đồ đạc trong nhà được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, khoa học; có hàng rào đảm bảo mỹ quan; có vườn trồng rau sạch đảm bảo an toàn thực phẩm.

Duy Ngợi