Tục thờ thần rừng của người Phù Lá ở Lùng Phình

BVR&MT – Lùng Phình là một xã thuộc vòm nhô sông Chảy, thuộc khu vực thượng huyện huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đó là một vùng đồi núi trùng điệp, có độ cao so với mặt nước biển tới trên 1300 m và là nơi quần tụ của 11 dân tộc anh em, trong đó có gần 150 hộ người Phù Lá, chiếm gần 50% số hộ cư trú trên địa bàn toàn xã.

Lùng Phình có địa hình núi cao hiểm trở không có thung lũng để làm ruộng nước nên ruộng bậc thang và nương rẫy là nguồn sinh sống cơ bản của đồng bào. Khí hậu khắc nghiệt, lạnh và hanh khô kéo dài, đất đai khô cằn, sương mù bao phủ dày đặc suốt mùa đông tháng giá, nguồn nước lại quá hiếm nên việc cấy trồng chủ yếu trông chờ vào thiên nhiên và chỉ trồng cấy được một vụ. Hơn nữa, đất đai phần nhiều là núi đá, tỷ lệ rừng che phủ chỉ chiếm chừng 10% diện tích nên rừng luôn là của quý trời ban mà mọi cư dân phải chăm sóc và bảo vệ. Trước đây, khi chưa có phong trào trồng rừng, hàng hóa đến được nơi đây còn ít ỏi thì phần lớn những thứ phục vụ cho sinh hoạt, như làm nhà ở, dụng cụ sản xuất, nhất là việc củi để sưởi đều trông vào rừng tự nhiên. Càng ngày con người ngày càng sinh sôi, nảy nở thì rừng ngày càng teo đi cho nên việc bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn nước là một vấn đề được cả cộng đồng quan tâm. Hơn nữa, trong điều kiện khắc nghiệt của đất đai, khí hậu, các hiện tượng tự nhiên có sức mạnh chi phối như mưa, gió, sấm chớp, nhất là mưa đá, lở núi, hạn hán thường được đồng bào quy tụ về sự ảnh hưởng của thần rừng, thần núi.

Núi non Lùng Phình trong nắng sớm.

Bởi vậy, bảo vệ rừng là tỏ lòng biết ơn của đồng bào với thiên nhiên. Con người, ngoài việc mỗi cá nhân, mỗi gia đình tự giác bảo vệ và gìn giữ rừng, ngăn chặn sự phá hoại rừng còn phải tạo nên ý thức tập thể của cả cộng đồng trong công việc này. Từ quan niệm trên đồng bào Phù Lá đã coi rừng là linh hồn của bản, là biểu tượng của đời sống tâm linh, đồng thời là nơi nuôi dưỡng nguồn nước. Việc thờ thần rừng là việc quan trọng, được cả bản tự giác thực hiện, mỗi chòm xóm đều có một khu rừng ngay phía bên trên những ngôi nhà. Mỗi bản thường có bốn đến năm khu rừng như vậy. Những khu rừng đó đồng bào liệt vào rừng cấm. Trong khu rừng cấm chính của bản có lập bàn thờ thờ thần rừng. Việc thờ thần rừng, quản lý rừng cấm nói riêng và rừng của bản nói chung vừa có tính chất bắt buộc, vừa có tính tự nguyện cao. Mỗi bản đều có một hội đồng quản lý rừng, Hội đồng này được bầu theo lý lối và được bầu mỗi năm một lần vào ngày lễ Cấm bang (cấm rừng) mồng hai tháng hai ta.

Lễ Cấm bang mồng hai tháng hai là ngày quan trọng của người Phù Lá ở Lùng Phình. Lễ có tính chất hội hè là chính, song cũng là nơi mỗi gia đình thể hiện trách nhiệm của mình với bản trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn. Vào ngày lễ Cấm bang, ngay từ sáng sớm các bộ phận cư dân trong bản được giao nhiệm vụ, như phát cây dọn cỏ hoang trên miếu thờ, bộ phận hậu cần, bộ phận giúp việc phục vụ cho thầy cúng đã tất bật lo công việc. Trước đó một ngày thầy cúng phải dọn mình, tức là tắm bằng nước cây thơm, giữ gìn trong sinh hoạt, không được mắng chửi con cái, cháu chắt… Trong ngày lễ, thầy phải rửa mặt nước lá thơm, mặc quần áo, trang phục thầy cúng theo nghi lễ. Các phụ lễ chuẩn bị sẵn các thứ, gồm: xôi, thịt, rượu, bánh dày, giấy bản, hương thơm… Vào giờ Thìn, thầy cúng bắt đầu cúng, những người đàn ông trong bản ngồi quây xung quanh.

Xuân về trên bản Mông

Sau bài cùng báo cáo thần rừng những người phụ bếp mang tới một con lợn đã mổ song còn đầy đủ các bộ phận, như lòng, gan, tim, lá lách, dạ dày đặt vào giữa. Đây là lúc rất hồi hộp, bốn cái chân lợn chỉ vào người nào thì người ấy được nhận trách nhiệm làm Hội đồng coi giữ rừng năm ấy. Đó là vinh dự và đồng thời là trách nhiệm nặng nề. Hội đồng bảo vệ rừng có quyền định ra hình thức phạt những người vi phạm rừng. Những gia đình cần phải tu bổ nhà cửa hoặc làm nhà mới, xin đúng lý, đúng lối thì bốn người trong Hội đồng bàn bạc và được phép cấp, nhưng khi đi chặt cây, phải có một trong bốn người dẫn đi, xác nhận và đánh dấu cẩn thận, kể cả những cây chết muốn chặt làm củi cũng phải được phép của Hội đồng.

Ngoài việc lễ Cấm bang bắt đầu của năm, người Phù Lá ở Lùng Phình còn có tổ chức lễ việc cúng rừng bảo vệ cho mùa màng. Do việc canh tác ruộng một vụ, nên vào cuối tháng sáu việc cấy hái dân làng mới làm xong. Lúc này mọi người có thể phủi tay ung dung nghỉ ngơi và cũng là lúc làm lễ cúng cầu thần rừng phù hộ cho mùa màng, phù hộ cho lúa không bị sâu phá hoại, không bị khô hạn, xây bông, mẩy hạt. Việc tổ chức lễ cúng rừng tháng sáu cũng giống như lễ cúng rừng mồng hai tháng hai, song không có việc bầu Hội đồng bảo vệ rừng. Lần này, sau khi tổ chức cúng rừng chung, mỗi nhà đều tổ chức lễ cúng ruộng theo từng nhà. Trên khoảnh ruộng cúng chủ nhà cắm một cái cây có chạc, đặt miếng gỗ làm bàn thờ ở ngay đầu ruộng, mâm cơm cúng được đặt trên bốn cái cọc cắm ngay xuống ruộng, thủ tục cúng ruộng đơn giản, song trang trọng, thành kính.

Lễ Cấm bang là một lễ quan trọng của người Phù Lá ở Lùng Phình, đó là nhu cầu tâm linh đồng thời cũng phản ánh nhu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ rừng của đồng bào, nó không chỉ là một phong tục tốt, mà còn có ảnh hưởng lớn tới toàn cộng đồng, việc mà chúng ta cần phải quan tâm, khuyến khích.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hảo