BVR&MT – Tây Nguyên là một trong những khu vực có độ che phủ rừng cao, đạt 45,97%. Tuy nhiên, đây cũng đồng thời cũng là điểm nóng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, với các vụ phá rừng, khai thác và mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép diễn ra thường xuyên. Điều này khiến diện tích và chất lượng rừng Tây Nguyên liên tục giảm, từ 2.836.083 ha năm 2010 xuống còn 2.553.819 ha năm 2017, trong khi diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang bị tranh chấp giữa cộng đồng và các chủ rừng lên tới 282.896 ha.
Đó là thực trạng đã được đặt ra tại Hội thảo Tham vấn Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, được tổ chức với mục tiêu nhìn từ thực tế bảo vệ và quản lý rừng tại Tây Nguyên để đưa ra những góp ý, khuyến nghị cho Ban soạn thảo và Tổng cục Lâm nghiệp hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Hội thảo đặc biệt tập trung thảo luận về giao đất giao rừng, tiếp cận quản lý, hưởng lợi từ rừng và bảo vệ, phục hồi rừng.
Từ thực trạng tranh chấp và giao đất giao rừng ở Tây Nguyên…
Theo TS. Cao Thị Lý, Đại học Tây Nguyên, mâu thuẫn và tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp là vấn đề “nóng” trong thời gian gần đây ở Tây Nguyên, có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên.
Nguyên nhân gây ra tranh chấp, mâu thuẫn ở tất cả các tỉnh Tây Nguyên là do một số diện tích canh tác nương rẫy của người dân các địa phương vùng đệm đã được canh tác từ trước khi thành lập khu bảo tồn. Khi quy hoạch, việc khoanh vẽ diện tích rừng đặc dụng theo tiểu khu đã bao gồm cả những diện tích này. Ngoài ra, rừng và đất lâm nghiệp sau khi được giao cho các đơn vị chủ quản lý tiếp tục bị lấn chiếm thêm bởi nhiều lý do, TS. Lý cho biết.
Điều đáng quan ngại là tình trạng phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp dẫn đến tranh chấp đã và đang diễn ra ở rừng và đất lâm nghiệp của tất cả các chủ thể quản lý, tất cả các loại rừng, đặc biệt phức tạp đối với rừng sản xuất. Hầu hết rừng đặc dụng ở các tỉnh đều có tình trạng này, tuy mức độ và phạm vi lấn chiếm cũng như tác động có khác nhau. Trong đó, các tỉnh “nóng” về tình trạng mâu thuẫn trong sử dụng đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên là Gia Lai, Đắk Lăk và Đắk Nông.
Theo TS. Lý, đa số các khu rừng đặc dụng đã giải quyết, tiến hành cắm mốc ranh giới, song một số khu đến nay vẫn chưa giải quyết được, vì chưa có sự thống nhất giữa các bên liên quan. Nhiều địa phương sau khi kiểm tra, cưỡng chế, thu hồi, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp có giảm, tuy nhiên nguy cơ tái diễn còn tiềm ẩn ở nhiều nơi. Trong khi đó, cưỡng chế, thu hồi đất lâm nghiệp lấn chiếm đối với người dân chưa phải là giải pháp tốt, thậm chí còn có thể khiến mâu thuẫn trở nên gay gắt như từng xảy ra ở Gia Lai, Đắk Nông.
Còn theo GS. Bảo Huy, vai trò của cộng đồng cần được xem trọng hơn, cần xem họ thực sự là chủ rừng, có quyền tự quyết định phát triển rừng như tự phát triển sản xuất dưới dạng doanh nghiệp lâm nghiệp cộng đồng. Đồng thời, rừng tự nhiên sản xuất cần được quản lý tập trung, gắn với quyền hưởng dụng truyền thống của cộng đồng.
Bên cạnh đó, để quản lý rừng bền vững và phát triển sinh kế thì đất lâm nghiệp để trồng rừng và sản xuất nông lâm kết hợp nên giao cho hộ gia đình, còn rừng tự nhiên thì giao cho nhóm hộ, cộng đồng. Trong đó, ưu tiên giao cho cộng đồng các rừng đầu nguồn, rừng thiêng, rừng quản lý truyền thống của cộng đồng và rừng hiện do UBND xã quản lý.
Lý do theo ông là tỷ lệ diện tích rừng giao cho hộ, cộng đồng rất thấp. Cộng đồng mới chiếm 0,8% và hộ gia đình mới chiếm 3,1% trong tỷ lệ chủ quản lý rừng ở Tây Nguyên. Hơn nữa, cộng đồng tham gia chủ yếu là làm thuê bảo vệ rừng, việc được nhà nước đầu tư và hưởng lợi từ tự nhiên hầu như không có.
TS. Bảo Huy đồng thời cũng đúc rút những bài học kinh nghiệm về sự thất bại và thành công của chương trình giao đất giao rừng. Theo ông rừng vẫn mất là do giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, trong khi ở một số nơi rừng được quản lý và bảo vệ khá tốt là do rừng được giao cho nhóm hộ, cộng đồng.
Bên cạnh đó, lâm nghiệp chưa tạo ra sinh kế bền vững cho người dân là do rừng được giao là rừng nghèo, trong khi nhà nước không có chính sách đầu tư cho bảo vệ, phục hồi. Ngược lại, ở một số khu vực, rừng vẫn tạo ra thu nhập từ gỗ thương mại vì khu vực được giao phù hợp với rừng truyền thống như Buôn Tul, Đắc Lắk hay Bu Nor, Đắk Nông.
… đến chính sách lâm nghiệp đối với cộng đồng
Ông Đoàn Diễm, Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: “theo số liệu hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, số rừng giao cho hộ gia đình là 2,93 triệu ha và giao cho cộng đồng dân cư là 1,13 triệu ha. Trong khi rừng tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư được quản lý bảo vệ có hiệu quả, nhiều khu rừng giao cho cộng đồng lại nảy sinh bất cập do chủ yếu được giao rừng tự nhiên nghèo, cơ chế hưởng lợi không hấp dẫn, giao xa khu dân cư… Chính vì thế, tình trạng mất rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi”.
Để giải quyết tình trạng này, theo ông Diễm, Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật lâm nghiệp ban hành sắp tới phải đảm bảo rằng việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng phải được thực hiện trên nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc tiểu số trong giao rừng với tinh thần tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của họ.
Ngoài ra, ông Diễm còn khuyến cáo, đồng quản lý rừng là một phương thức quản lý có hiệu quả, trong đó chủ rừng Nhà nước sẽ chia sẻ quyền, lợi ích và nghĩa vụ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng với cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương ở các mức độ khác nhau, mà không làm mất vai trò chủ đạo của chủ rừng Nhà nước. Chính vì vậy, Nghị định đang dự thảo cần có các quy định cụ thể để tổ chức thực hiện được mô hình này.
Còn theo GS. Bảo Huy, vai trò của cộng đồng cần được xem trọng hơn, cần xem họ thực sự là chủ rừng, có quyền tự quyết định phát triển rừng như tự phát triển sản xuất dưới dạng doanh nghiệp lâm nghiệp cộng đồng. Đồng thời, rừng tự nhiên sản xuất cần được quản lý tập trung, gắn với quyền hưởng dụng truyền thống của cộng đồng.
Bên cạnh đó, để quản lý rừng bền vững và phát triển sinh kế thì đất lâm nghiệp để trồng rừng và sản xuất nông lâm kết hợp nên giao cho hộ gia đình, còn rừng tự nhiên thì giao cho nhóm hộ, cộng đồng. Trong đó, ưu tiên giao cho cộng đồng các rừng đầu nguồn, rừng thiêng, rừng quản lý truyền thống của cộng đồng và rừng hiện do UBND xã quản lý.
Ngoài ra, để phát triển sinh kế, người dân nên phát triển nông lâm kết hợp với đa sản phẩm, đa chức năng bao gồm cả chức năng bảo vệ hệ sinh thái để có thể nhận thêm nguồn thu từ các chương trình REDD+, PES. Đặc biệt, GS. Huy đề xuất nên có chính sách chi trả dịch vụ quản lý bảo vệ rừng với rừng nghèo kiệt để những cộng đồng không nằm trong lưu vực thủy điện và không nhận được tiền từ chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng vẫn có thể có thu nhập ổn định từ rừng.
Hội thảo cũng tiếp nhận nhiều ý kiến của các đại biểu thống nhất rằng, cộng đồng dân cư giữ vai trò quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Chính vì vậy, các chính sách lâm nghiệp cần hỗ trợ cho mục tiêu là rừng sẽ mang lại sinh kế ổn định cho lâm nghiệp cộng đồng, để người dân có thể yên tâm giữ rừng một cách bền vững.
Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam), Liên minh Đất rừng (FORLAND), Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) và Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh Đắk – Lắk tổ chức ngày 8-6-2018 tại Đắk Lắk.
Bạch Dương