Từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ hứng chịu bao nhiêu cơn bão?

BVR&MT – Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa và hạn dài (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) cho biết, từ nay đến cuối năm còn 6- 8 cơn bão trên biển Đông.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức ngày 3/8, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong tháng 7 vừa qua, đã có 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hình thành trên biển Đông, trong đó vừa qua có hiện tượng, trong vòng một tuần có đến 2 cơn bão là bão số 2 (Talas) và bão số 4 (Sơn Ca) đổ bộ vào các tỉnh bắc Trung bộ như Nghệ An, Quảng Trị. Diễn biến như vậy là điều bất thường.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa và hạn dài (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) trao đổi với phóng viên.
Theo ghi nhận, trung bình vừa bão và ATNĐ trên biển Đông trong tháng 7 xảy ra là 2 lần. Năm ít nhất là 1975, không có cơn nào, năm nhiều nhất là 1994 với 5 cơn bão và một ATNĐ vào tháng 7. Hiện tượng 4 cơn bão là đã từng gặp trong quá khứ. Tuy nhiên, năm nay, diễn biến thời tiết cũng có hiện tượng bất thường và đáng lo ngại vì đã xảy ra 4 cơn bão và 2 cơn đổ bộ vào nước ta trong tháng 7.
Nguyên nhân là do hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới trong tháng 7 hoạt động tương đối mạnh đi qua Trung Bộ, dải hội tụ nhiệt đới này là nguyên nhân gây ra các cơn bão, kéo dài hàng nghìn cây số, luôn luôn tồn tại xoáy thấp và hình thành bão vào bất cứ lúc nào. Do vậy, tháng 7 vừa qua hoạt động tượng đối mạnh nên liên tiếp xảy ra bão.
Theo dự báo, mùa mưa bão năm 2017 có khoảng 12-14 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) (khoảng 12 cơn). Trong số đó, dự báo sẽ có khoảng 3-5 cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ít hơn so với TBNN và tập trung ở khu vực Trung Bộ.
Như vậy, trong 5 tháng cuối của năm 2017 (từ tháng 8 đến tháng 12) vẫn còn 6 – 8 cơn bão hoạt động trên Biển Đông và trong số đó có 2 – 3 cơn đổ bộ vào nước ta và tiếp tục ảnh hưởng nhiều hơn đến khu vực Trung Bộ.
“Trong 2 cơn bão vừa qua ảnh hưởng đến Trung Bộ thì không quá mạnh nhưng vì không quá mạnh nên hướng di chuyển của nó khá phức tạp. Nếu mạnh thì bão sẽ đi thẳng và nhanh thì dễ dự đoán hơn. Những cơn bão yếu nằm trên dải hội tụ nhiệt đới nên còn bị tương tác với những cơn bão ở ngoài Tây Bắc Thái Bình Dương nên hướng di chuyển phức tạp, khó dự đoán”, ông Hòa cho biết.
Về dự báo thời tiết cực đoan thời gian tới, ông Hòa nhận định, hiện tại trạng thái ENSO vẫn ở trung tính và tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2018, theo diễn biến đó thì nền nhiệt độ toàn quốc có xu hướng cao hơn TBNN từ 0,5 – 1 độ C. Tình hình mưa ở Bắc Bộ tháng 8 và tháng 9 ở mức TBNN, trong tháng 8 thì có khả năng tỉnh miền núi có lượng mưa cao hơn TBNN, đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong tháng 8 miền Bắc đề phòng mưa nhiều hơn.
Khu vực Trung Bộ thì phổ biến lượng mưa theo TBNN, riêng tháng 10 thì các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ sẽ ở mức cao hơn TBNN về lượng mưa, đặc biệt tháng 10 ở Trung Trung Bộ có mưa cao hơn TBNN là hiện tượng cần đề phòng vì tháng 10 là tháng chính trong mùa mưa ở Trung Bộ, nếu lượng mưa lớn hơn thì sẽ gặp rất nhiều thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Tây Nguyên và Nam Bộ thì gió mùa Tây Nam vẫn hoạt động trung bình do vậy mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ xấp xỉ TBNN và khả năng tháng 10 hoặc tháng 11 lượng mưa khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều hơn do gió mùa Tây Nam suy yếu và hụt mưa những tháng cuối năm, đặc biệt tháng 11, 12.
“Để chủ động phòng tránh các hiện tượng thời tiết nguy hiểm bất thường, chúng tôi khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo và dự báo thời tiết được phát liên tục trên trên các phương tiện thông tin đại chúng, bởi vì những hiện tượng thời tiết nguy hiểm thường xuất hiện rất nhanh, từ lúc hình thành đến lúc kết thúc chỉ khoảng vài giờ và ở quy mô nhỏ, nếu không chủ động theo dõi và cập nhật thông tin thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn”, ông Hòa nhấn mạnh.