Từ “một làng tiên tiến kiểu mẫu” đến Thọ Xuân làm theo lời Bác

BVR&MT – Cách đây gần 70 năm, ngày 12-8-1952, trên Báo Cứu quốc, Bác Hồ có bài viết về “Một làng tiên tiến kiểu mẫu” với nội dung: “Là làng Thọ Xuân (Thanh Hóa). Sau khi nghiên cứu kỹ và hiểu rõ kế hoạch sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ, đồng bào toàn xã cùng nhau kiểm điểm: mình đã tiết kiệm chưa? Kết quả là thấy rõ mỗi năm Nhân dân toàn xã đã lãng phí 12 vạn nhân công, nghĩa là ta có thể cày cấy thêm 1.000 mẫu ruộng. Thấy như vậy, đồng bào Thọ Xuân bèn cùng nhau tổ chức, làm việc tập đoàn đặt kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, lập chương trình nghề nghiệp phụ, như kéo sợi, làm vải, vân vân.

Nông dân xã Bắc Lương phát triển các mô hình trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao (ảnh chụp tháng 3-2021).

Rồi phân công cho mọi người từ các cụ già đến các em bé, ai cũng có việc làm. Thế là:

Phân công hợp lý cả làng

Sản xuất tiết kiệm rõ ràng thi đua.

Một mùa gặt bằng hai mùa

Dân no, nước mạnh tha hồ đánh Tây.

Chúng tôi chúc đồng bào Thọ Xuân thành công và mong đồng bào các nơi khác cố gắng thi đua với đồng bào Thọ Xuân”.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, từ những lời khen của Bác, đã trở thành động lực để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Thọ Xuân đoàn kết, đổi mới, nỗ lực vượt qua khó khăn, thi đua lao động, phát triển sản xuất. Năm 1964, Thọ Xuân đã được tỉnh công nhận là một huyện có nền nông nghiệp phát triển toàn diện. Trong 10 năm vừa sản xuất, vừa chiến đấu (1965-1975), Thọ Xuân đã phấn đấu lập nhiều thành tích xuất sắc và đóng góp đáng kể cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc với hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm; huy động 14.297 thanh niên gia nhập bộ đội, 10.000 thanh niên xung phong và hàng vạn dân công hỏa tuyến chiến đấu, phục vụ chiến đấu khắp mọi mặt trận và lập được nhiều chiến công xuất sắc; đã có 4.000 người hy sinh, 3.666 thương binh. Huyện đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 1974, huyện Thọ Xuân trở thành một huyện tiên tiến của tỉnh Thanh Hóa và miền Bắc…

Tự hào với những thành tích đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thọ Xuân đã và đang tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc gắn liền với thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết Đảng bộ huyện, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Về thôn 1, xã Xuân Giang hôm nay dễ dàng nhận thấy những đổi thay của một khu dân cư kiểu mẫu. Là 1 trong 3 thôn được tỉnh chọn làm thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, với sự nỗ lực, cố gắng, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và người dân xã Xuân Giang nói chung, thôn 1 nói riêng, năm 2017, thôn 1 được Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân công nhận thôn kiểu mẫu. Đây là minh chứng thuyết phục nhất đối với Nhân dân cũng như đội ngũ cán bộ địa phương về tinh thần, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để từ một thôn khó, xã khó bứt phá, vươn lên đi đầu trong xây dựng NTM. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, cho biết: “Năm 2013, xã Xuân Giang được công nhận xã đạt chuẩn NTM và là xã điểm thứ 5/11 xã NTM của tỉnh hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Năm đó cũng là ngày vui, ngày hội của cả xã và của đông đảo bà con Nhân dân. Bởi, thời điểm đó, xã không nghĩ sẽ sớm hoàn thành được chương trình xây dựng NTM trước kế hoạch vì khi bắt tay xây dựng NTM, so với bộ tiêu chí quốc gia, Xuân Giang mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí, trong đó có 2/5 tiêu chí đạt ở mức thấp. Hiện xã Xuân Giang đã về đích xã NTM nâng cao và đang tiếp tục nỗ lực để đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023”.

Đề cập đến việc huyện chọn xã Xuân Giang là xã điểm trong xây dựng NTM của tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Thức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, chia sẻ: Với tư tưởng nếu xã khó như Xuân Giang còn làm được, còn về đích và đạt chuẩn NTM, thì chắc chắn các xã khác trên địa bàn huyện cũng sẽ làm được và sớm về đích NTM. Đó cũng là lý do tại sao huyện Thọ Xuân lại chọn Xuân Giang làm xã điểm trong sự băn khoăn của rất nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh và các địa phương. Bởi, từ cách làm của Xuân Giang, huyện Thọ Xuân đã triển khai thực hiện và về đích NTM trong sự tự tin, chắc chắn và thành công. Năm 2019, huyện Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM; được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Cờ thi đua của Chính phủ.

Xác định xây dựng NTM là một cuộc “cách mạng” không có điểm kết, bởi những giá trị cốt lõi của nó nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, khơi dậy nội lực và phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, đưa mỗi vùng nông thôn trở thành những vùng đất thanh bình, phát triển; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thọ Xuân quyết tâm tạo nên những vùng quê đáng sống, kiểu mẫu gắn với việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2020-2025. Theo đó, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng NTM, huyện đã tập trung chỉ đạo quy hoạch hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn như: Vùng mía nguyên liệu với diện tích 1.500 – 2.000 ha; vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao 6.500 ha; vùng trồng cây ăn quả với diện tích 217 ha; vùng trồng cây xuất khẩu (ngô ngọt, ớt, dưa, măng tây…) trên 500 ha; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm như: bưởi Luận Văn, bưởi Bắc Lương, cam Xuân Thành… Đồng thời, thu hút được các dự án lớn đầu tư vào nông nghiệp áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại của châu Âu, Isarel và các nước phát triển, góp phần đưa giá trị sản xuất/1 ha đất canh tác từ 95 triệu đồng năm 2015 lên hơn 100 triệu đồng năm 2020, vượt mục tiêu của nghị quyết đại hội.

Là một trong những trung tâm kinh tế động lực thuộc tứ giác kinh tế của tỉnh, huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Thọ Xuân đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070. Theo quy hoạch này, huyện Thọ Xuân được tổ chức không gian phát triển với mô hình “Hai vành đai – ba vùng phát triển”. Trong đó, phân vùng Lam Sơn – Sao Vàng phát triển theo quy hoạch chung đô thị Lam Sơn – Sao Vàng. Đây là khu vực đô thị động lực với chức năng phát triển công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng như giao thông đường bộ, cảng hàng không.

Nông dân xã Xuân Trường thu hoạch bưởi.

Năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất của huyện Thọ Xuân ước đạt 16,5%, xếp thứ 2 trong số các huyện đồng bằng của tỉnh. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng ước đạt 13.641 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Dịch vụ, thương mại phát triển nhanh, chất lượng được nâng lên; giáo dục mũi nhọn đạt được thành tích cao. Các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng được quan tâm trùng tu, tôn tạo. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường. Đánh giá tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, đồng chí Lê Đình Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, nhấn mạnh: “Những kết quả nổi bật đạt được đã và đang tạo đột phá, góp phần xây dựng huyện Thọ Xuân phát triển nhanh, toàn diện”.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Thọ Xuân có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện đang nỗ lực phấn đấu về đích huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, trong đó, chính quyền có vai trò kiến tạo và tổ chức thực hiện, người dân là chủ thể. Với ý nghĩa đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thọ Xuân luôn phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế; phấn đấu xây dựng Thọ Xuân trở thành một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh vào năm 2025, đến năm 2030 trở thành thị xã Thọ Xuân.