BVR&MT – Tháng 11, trên khúc sông ở phía đông bắc Thái Lan, bờ sông nứt nẻ, những bụi cây từng xanh tươi giờ khô xác. Du khách đổ xô xuống lòng sông khô cằn dùng tay không bắt cá chép mắc cạn nhưng niềm vui của họ không làm vơi nỗi lo của người dân địa phương.
Ormbun Thipsuna, một người nuôi cá địa phương nhớ lại hình ảnh đó: “Những con cá đó là cá bố mẹ. Không còn sự sống ở đây nữa”.
Mê Kông nuôi nấng một vùng rộng lớn của châu Á, từ những ngọn núi đầy tuyết ở phía tây nam Trung Quốc đến khu vực thuộc Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam ở hạ lưu. Suốt quãng đường 4.500km, dòng sông nuôi sống và tưới tắm cho khoảng 66 triệu người.
Tuy nhiên, dòng sông đang ốm yếu. Năm ngoái, nước sông Mê Kông giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 60 năm. Nhiều tháng liền Campuchia thiếu điện vì có quá ít nước để vận hành một nhà máy thủy điện lớn và sản lượng đánh bắt cá giảm tới 80-90% trong khi 2/3 nguồn chất đạm của người dân nước này là từ cá.
Theo ngân hàng địa phương Krungsri, tình trạng khô hạn làm giảm 1,5 tỷ đô la GDP của Thái Lan. Ở Việt Nam, lượng nước về quá ít khiến xâm nhập mặn hoành hành mạnh hơn ở khu vực ĐBSCL, nhiều người thậm chí không có nước ngọt để uống.
“Tất cả các chỉ số môi trường đều chạm ngưỡng tệ hại”, Marc Goichot thuộc WWF chia sẻ.
Một đợt hạn hán ở hạ nguồn đóng vai trò lớn khiến dòng sông teo tóp. Nhưng những cơn mưa thoáng qua có thể không phải là toàn bộ câu chuyện.
Một nghiên cứu mới cho rằng 11 con đập được xây dựng trên phần sông Mê Kông ở Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước. Alan Basist và Claude Williams, thuộc công ty tư vấn môi trường Earth Inc, đã sử dụng dữ liệu về lượng mưa, tuyết và nước trước khi hầu hết các đập được xây dựng để phát triển mô hình lượng nước thường chảy vào Thái Lan trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Sau đó, họ so sánh mực nước tự nhiên với dòng chảy thực sau khi các đập được xây dựng.
Trong mùa mưa, hạ nguồn sông Mê Kông thường có lũ lụt; trong mùa khô, nước rút đi. Kể từ khi các đập lớn đầu tiên bắt đầu vận hành vào năm 2012, xung lũ hàng năm này đã bị “thuần hóa”: nước thường đổ xuống hạ nguồn nhiều hơn trong mùa khô và ít được xả trong mùa mưa.
Nghiên cứu cũng cho thấy vào năm 2019, phần lưu vực ở Trung Quốc nhận được nhiều mưa và tuyết hơn bình thường, mặc dù chính phủ tuyên bố rằng nước này cũng đang chịu hạn hán. Nếu tất cả lượng nước đó chảy xuống hạ du, dòng sông sẽ có độ sâu từ 7-8 m khi chảy vào Thái Lan – cao hơn bình thường vào thời gian đó trong năm. Trên thực tế, mực nước là dưới 3 m.
Chỉ 2 con đập Trung Quốc đã có thể chứa lượng nước gần bằng Vịnh Chesapeake – một cửa sông rộng hơn 11.000 km2 ở Mỹ. Trong mùa khô, vùng thượng lưu của lưu vực đóng góp khoảng 40% lượng nước chảy xuống hạ nguồn Mê Kông.
“Về cơ bản, người Trung Quốc đã tắt vòi nước. Mở ra thì chắc chắn sẽ giúp giảm bớt hạn hán”, Basist nói.
Maureen Harris thuộc International Rivers, nói: “Vấn đề là Trung Quốc nên và có thể làm nhiều hơn để giảm bớt thiệt hại ở hạ nguồn”.
Quả thật nước này đã từng làm thế.
Năm 2016, khi hạ nguồn sông Mê Kông bị ảnh hưởng do một đợt hạn hán nghiêm trọng khác, Trung Quốc xả nước từ các đập theo yêu cầu từ MRC. “Bạn bè nên giúp đỡ lẫn nhau khi cần”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói thế.
Tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã tăng dòng chảy trở lại, lần này theo yêu cầu của Thái Lan.
Thật không may, lượng nước ngoại ngạch này đến không đúng lúc. Một mùa khô ẩm ướt ngăn chim đẻ trứng trên các bờ sông lộ thiên, nông dân không thể trồng cấy trên diện tích trầm tích màu mỡ bồi đắp suốt mùa mưa.
Tại Thái Lan, những dòng nước bất thình lình đã cuốn trôi thuyền và toàn bộ bờ sông, theo Pianporn Deetes thuộc International Rivers.
Ormbun không còn bán cá ở các chợ thường mọc lên trên những bãi sông lộ ra trong mùa khô.
Brian Eyler, tác giả cuốn sách Những ngày cuối cùng của sông Mê Kông vĩ đại, chia sẻ: “Dòng sông vĩ đại nhất khi chảy theo quy luật tự nhiên”.
Trung Quốc đã không ký bất kỳ thỏa thuận nào về việc quản lý Mê Kông với các quốc gia sông chảy qua, do đó không bắt buộc phải chia sẻ một lượng nước cụ thể hay không cung cấp dữ liệu về dòng chảy hoặc bất kỳ cảnh báo nào về hoạt động của các con đập. Nước này cung cấp cho MRC một chút thông tin về mực nước và kế hoạch xả nước từ các đập để kiểm soát lũ ở hạ nguồn.
Eyler hy vọng các nghiên cứu như của Basist sẽ thúc đẩy Trung Quốc hợp tác hơn một chút. Một lần nữa, có những dấu hiệu đáng khích lệ. Tháng 11 năm ngoái, Cơ chế hợp tác Lan Thuơng – Mê Kông, một tổ chức do Trung Quốc thành lập năm 2016 nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước Mê Kông, đã đồng ý hợp tác với MRC để điều tra nguyên nhân gây ra hạn hán.
Nhưng hứa chỉ là hứa, minh bạch hơn không tạo ra nhiều nước hơn.
Sông Mê Kông đang ở “điểm tan vỡ”, Harris nói. Để cứu dòng sông, các quốc gia cần dẹp bỏ kế hoạch xây thêm đập: Trung Quốc dự định xây dựng thêm 8 đập và Lào 7 đập.
Campuchia đang đi đúng hướng. Tháng 3 năm nay, chính phủ nước này tuyên bố tạm ngưng tất cả các dự án thủy điện trên sông Mê Kông trong thập kỷ tiếp theo.
Trừ khi các quốc gia khác làm theo, bằng không bà Harris băn khoăn rằng “lưu vực sông Mê Kông như được biết đến trong hàng ngàn năm qua… trong tương lai sẽ không còn là chính nó”.
Thế Anh (Theo Economist)