BVR&MT – Tại Hội thảo tham vấn Kế hoạch truyền thông và công bố thông tin về VPA/FLEGT sáng nay, có một ý kiến đặc biệt nhấn mạnh đến chìa khóa để làm nên thành công của Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản. Theo vị đại biểu này, truyền thông chính là chiếc chìa khóa cuối cùng và quan trọng nhất để Hiệp định VPA/FLEGT có thể được thực hiện thành công. Tuy nhiên, truyền thông không chỉ là công bố thông tin mà điều quan trọng là phải nêu được thông điệp truyền thông đến từng nhóm đối tượng và cần thành lập bộ phận giải đáp về VPA/FLEGT.
Về thông điệp truyền thông, cần đánh giá xem điều quan tâm lớn nhất của các nhóm đối tượng là gì, họ đang hiểu sai cái gì và họ chưa biết đến nội dung gì trong VPA/FLEGT, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào hai nội dung đầu, tức cái mà họ quan tâm và họ đang hiểu sai. Ngoài 4 nhóm đối tượng nằm trong phạm vi đánh giá gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng (hộ gia đình), doanh nghiệp, các bên liên quan khác (hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội), cần bổ sung nhóm đối tượng người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Truyền thông tốt sẽ giúp người tiêu dùng nội địa ủng hộ cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp và “chúng ta sẽ không cần phải chiến đấu với nạn phá rừng nữa”. Giới trẻ là tương lai của đất nước, các cặp vợ chồng từ 30 tuổi trở lên không còn sẵn sàng mua các sản phẩm từ gỗ quý để dùng trong gia đình, do đó, họ sẽ là đối tượng quan trọng thúc đẩy VPA thành công trong nước.
VPA là một phạm trù rộng lớn, các đối tượng quan tâm cũng rất đa dạng, vì vậy Tổng cục Lâm nghiệp cần chủ trì xây dựng tổng đài giải đáp về VPA/FLEGT, có thể dưới dạng chat app hoặc hotline. Nếu làm được điều này thì truyền thông về VPA/FLEGT chắc chắn thành công.
Được biết, Hội thảo sáng nay là hoạt động tiếp theo của Dự án Kế hoạch về công bố thông tin để thực hiện VPA/FLEGT, do Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, được khởi động từ tháng 4/2019, dưới sự tài trợ của Chương trình FAO – EU FLEGT.
Dự án đề xuất 8 hoạt động chính gồm: Đánh giá nhu cầu thông tin của các bên liên quan về Hiệp định; đánh giá tính sẵn có của các thông tin được công bố tại quy định tại Phục lục VIII; xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông và công bố thông tin về Hiệp định; xây dựng và phát hành bộ tài liệu chuẩn về Hiệp định và Hệ thống VNTLAS; cung cấp và phổ biến thông tin cho lãnh đạo chính quyền địa phương; cung cấp và phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trong nước; cung cấp và phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp FDI; cung cấp và phổ biến thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông. Trong đó, Hội thảo sáng nay bàn về hai báo cáo “Đánh giá nhu cầu thông tin của các bên liên quan về Hiệp định và các khuyến nghị” và “Đánh giá tính sẵn có của các thông tin về Hiệp định và các khuyến nghị”.
Theo yêu cầu của phụ lục VIII Hiệp định VPA/FLEGT, Việt Nam sẽ phải công bố 9 nhóm thông tin về luật pháp; quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và giao đất lâm nghiệp; quản lý rừng; sản xuất gỗ trong nước; cơ sở dữ liệu vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và vi phạm trong thương mại gỗ; thông tin về chế biến; thông tin về đầu tư và doanh thu; thông tin về thương mại; thông tin về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS). Tuy nhiên, việc công bố thông tin đối mặt với rất nhiều thách thức do các thông tin khá tản mạn, thiếu đầy đủ, thiếu cập nhật. Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho hay thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ đặc biệt lưu ý tới vấn đề thống kê, tổng hợp và thúc đẩy công bố thông tin cũng như truyền thông về VPA/FLEGT.
Hồng Ngọc