Truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét về APEC tại Việt Nam

BVR&MT – Sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 chính thức bắt đầu tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam từ đầu tuần này đã trở thành một chủ đề quốc tế quan trọng của báo chí quốc tế.

Sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 chính thức bắt đầu tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam từ đầu tuần này đã trở thành một chủ đề quốc tế quan trọng của báo chí quốc tế.

Tại Tokyo, hầu hết các cơ quan truyền thông lớn của Nhật Bản như Đài truyền hình NHK, các báo in và báo điện tử như Asahi, Sankei, Nikkei, Japan Times, Japan News, Japan Today… đều có tin bài cập nhật về sự kiện quốc tế quy mô này.

Với tiêu đề “Hội nghị Bộ trưởng APEC: Tập trung vào biện pháp tự do thương mại giữa các quốc gia”, trang tin điện tử của đài NHK ngày 8/11 cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tham dự Hội nghị Bộ trưởng APEC với phương châm nhấn mạnh vào tính chất cần thiết của việc thực hiện thể chế tự do thương mại giữa các nền kinh tế.

Bài báo cho biết hội nghị tập trung thảo luận việc phát triển các quy định tự do thương mại có tính minh bạch cao và xây dựng cơ cấu khung tự do thương mại trong APEC hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế của khu vực này. Trong bối cảnh những quan ngại đang lan rộng về việc trao đổi kinh tế giữa các nước bị đình trệ sau khi chính quyền Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia hội nghị lần này, Nhật Bản tập trung vào việc APEC có thể thực hiện những bước tiến ở mức độ nào với tư cách là khối liên kết 21 nền kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương.

Theo NHK, kết quả của Hội nghị Bộ trưởng APEC sẽ được tổng hợp và trình lên Hội nghị Cấp cao APEC bắt đầu từ ngày 10/11.

Tờ Financial Times của Anh ngày 8/11 đã đăng bài viết đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 của nước chủ nhà Việt Nam nói chung và của thành phố Đà Nẵng nói riêng. Theo tờ báo, để chuẩn bị cho sự kiện này, từ tháng 5 vừa qua, Đà Nẵng đã khánh thành nhà ga sân bay quốc tế mới, đầu tư nhiều triệu USD xây dựng, tu sửa đường sá, đường hầm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong thời gian diễn ra sự kiện.

Theo tờ Financial Times, đối với thế giới, cái tên Đà Nẵng gắn với một số chương đen tối nhất của cuộc chiến của Mỹ tại Đông Dương. Tuy nhiên, hiện chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đang hy vọng tạo nên hình ảnh Thành phố là một trung tâm khu vực có năng lực với cơ sở hạ tầng gọn gàng, đường phố sạch sẽ. Với việc kêu gọi thực hiện chương trình “5 có 3 không”, chính quyền thành phố Đà Nẵng đang cố gắng để không còn có cảnh người ăn xin, lang thang cơ nhỡ… Mỗi năm thành phố đón khoảng 6 triệu du khách trong đó 1,5 triệu người nước ngoài.

Nhìn từ góc độ kinh tế, tác giả Edmund Sim đã có bài đăng trên tạp chí The Diplomat về những thay đổi kinh tế của Việt Nam giữa 2 lần làm chủ nhà Hội nghị APEC.

Theo tác giả, Hội nghị Cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội được coi là dịp “Việt Nam ra mắt”, khởi đầu cho quá trình phát triển và hội nhập thế giới. Bài viết nhấn mạnh bất chấp vô vàn khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đã dần bứt phá, gặt hái được những thành tựu kinh tế đáng nể. Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tác giả cho biết GDP của Việt Nam đã tăng gấp đôi, từ 25 tỷ USD năm 1996 lên 66 tỷ USD năm 2006. Bài viết đề cập tới việc Chính phủ Việt Nam đã quan tâm tới hội nhập khu vực và thế giới để tận dụng cơ hội đầu tư và kinh doanh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tác giả Edmund Sim chỉ rõ kể từ sau APEC 2006, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những thay đổi đáng kể nhờ những chính sách thu hút đầu tư cùng các FTA song phương và đa phương, đối tác thương mại của Việt Nam không chỉ gói gọn trong khu vực Đông Nam Á mà mở rộng trên toàn thế giới với những hiệp định thương mại lớn với nhiều nước và nhiều khối nền kinh tế, trong đó phải kể đến TPP và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Cùng quan điểm, ông Kim Sang Yeol, Tổng Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Gwangju-Chonnam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hoban, Chủ tịch Đài truyền hình KBC đã có những nhận định tích cực về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng phát triển của kinh tế nước ta.

Theo ông Kim Sang Yeol, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu lớn trên lĩnh vực kinh tế, xã hội sau khi thực hiện những chính sách cải cách mở cửa suốt hơn 30 năm qua. Với nhiều chính sách đổi mới được thực hiện trong thời gian này, nền kinh tế Việt Nam đã có được động lực phát triển, giúp Việt Nam thoát khỏi vị thế một nước nghèo trên thế giới.

Mức tăng trưởng GDP bình quân trên 6%/năm đã giúp Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu khu vực ASEAN+3, đồng thời bày tỏ tin tưởng những nỗ lực cải cách mà Chính phủ Việt Nam theo đuổi sẽ tiếp tục thúc đẩy để kinh tế Việt Nam có những bước phát triển nhanh trong thời gian tới.

Về vai trò, vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại APEC 2017, ông Kim Sang Yeol nhận định Việt Nam là nền kinh tế thành viên tích cực và có nhiều sáng kiến cũng như đóng góp quan trọng tại nhiều cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực. Đặc biệt, tại các hội nghị trong khuôn khổ APEC 2017, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến được các thành viên ủng hộ và đánh giá cao, như việc thống nhất 4 ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017 gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm trên các lĩnh vực lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo hãng tin Nga Sputnik ngày 8/11, phát biểu tại hội thảo bàn tròn với chủ đề: “Diễn đàn APEC 2017 tại Việt Nam: Những cơ hội phát triển khu vực” tại Moskva, GS. TS. Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định Việt Nam đã cho thấy hiệu quả kinh tế tốt hơn so với kết quả của các nước công nghiệp thành công nhất trước đây. GDP của Việt Nam đã tăng gấp 20 lần từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, đặc biệt đã tăng gấp 2 lần chỉ riêng trong 6 năm qua. Chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam không thấp hơn 5-6% mỗi năm.

Theo GS. Mazyrin, việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC sẽ củng cố thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và vị trí của Việt Nam ở Đông Nam Á và toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị cấp cao này cũng là một cơ hội để Việt Nam tiếp tục hợp tác với 2 đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, cũng như với Nhật Bản nếu Việt Nam tham gia vào thỏa thuận phiên bản mới của Hiệp định TPP hoặc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hội nghị Cấp cao APEC 2017 được kỳ vọng sẽ phát đi một tín hiệu rõ ràng về cam kết của APEC đối với tự do thương mại và hội nhập khu vực, thực hiện Mục tiêu Bogor về thương mại tự do và mở cửa ở châu Á – Thái Bình Dương, được các nhà lãnh đạo APEC thông qua khi Indonesia tổ chức và chủ trì APEC 1994.

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã đăng tải bài báo giới thiệu về thành phố chủ nhà Đà Nẵng, nơi diễn ra các sự kiện, diễn đàn, hội nghị trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Theo Tân Hoa Xã, việc Đà Nẵng tổ chức một sự kiện mang tầm cỡ quốc tế đã khiến thành phố miền Trung Việt Nam trở thành “tâm điểm của toàn thế giới”.

“Việt Nam đang đóng góp vào tăng trưởng toàn diện trong khu vực”. Báo Independent Singapore đã có nhận định này trong bài viết đăng tải hôm 5/11, trong đó cho rằng thông điệp tại Diễn đàn APEC mà Việt Nam đưa ra mang tên: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” được toàn bộ các nền kinh tế thành viên đánh giá cao và ủng hộ.

Bài viết nhận định, Việt Nam – với cương vị chủ nhà APEC năm nay – đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các thành viên APEC cùng đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng như thiết lập cơ chế trao đổi và hợp tác lâu dài trong nội bộ khối.

Theo Independent Singapore, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra, đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, nhấn mạnh rằng tăng trưởng tổng thể là một yếu tố quan trọng trong Chương trình 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.

Trong khi đó, tờ Bangkok Post của Thái Lan cũng đăng bài bình luận về vai trò là nước chủ nhà APEC của Việt Nam. Bài viết nhận định Đà Nẵng sẽ được coi là điểm kết nối Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới trong tương lai. Năm 2015, Đà Nẵng được New York Times đưa vào danh sách “52 địa điểm đáng đến hàng đầu” thế giới.

NGUỒNbaochinhphu.vn
CHIA SẺ