BVR&MT – Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, truyền thông khoa học càng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp những thông tin chính xác, đáng tin cậy đến với công chúng, từ đó giúp xây dựng nhận thức và định hướng hành động đúng đắn.
Bên cạnh đó, truyền thông khoa học cũng được đánh giá là chìa khóa cho các vấn đề phức tạp mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay, giúp các quốc gia quản lý tốt hiện tại và hướng tới 1 tương lai tốt đẹp hơn.
Đây là quan điểm của các nhà khoa học và chuyên gia truyền thông đưa ra tại hội thảo quốc tế “Truyền thông khoa học: Quản lý hiện tại và tương lai”, khai mạc chiều 20/11 tại Hà Nội.
Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Trung tâm Thông tin và Truyền thông châu Á (AMIC) tổ chức, là diễn đàn để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế trao đổi về truyền thông khoa học và vai trò của truyền thông khoa học trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay. Hội thảo được tổ chức trực tuyến trên nền tảng Zoom nhằm kết nối các chuyên gia trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong phiên khai mạc, Giáo sư Noam Chomsky, Viện Công nghệ Massachussetts đã có bài phát biểu quan trọng. Ông cho rằng các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 cùng với môi trường truyền thông xã hội hỗn loạn nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông khoa học. Các nhà báo và nhà khoa học cần hợp tác với nhau để cung cấp thông tin chính xác, đáng tin cậy cho công chúng.
Giáo sư Noam Chomsky cho rằng, hiện nay cả nhà báo và công chúng phải đối mặt với những thách thức lớn. Một trong số đó là sự xuất hiện của những thông tin khoa học mâu thuẫn, xung đột do sự chi phối bởi lợi ích kinh tế của các tập đoàn công nghệ, tập đoàn dược… Ông cũng cho rằng, mạng xã hội như Facebook đang tạo ra môi trường thông tin phân cực, trong đó người ta chỉ thích và muốn nghe ý kiến giống của mình.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Báo chí và truyền thông khoa học có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19. Chỉ khi chúng ta có tri thức khoa học đầy đủ về dịch bệnh và tri thức đó được phổ biến đến đông đảo mọi người, chúng ta mới có thể chiến thắng dịch bệnh. Hội thảo này là diễn đàn khoa học cho các chuyên gia quốc tế và Việt Nam thảo luận, đánh giá hoạt động truyền thông khoa học về dịch bệnh, đồng thời chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm để đưa thông tin khoa học về dịch bệnh đến đông đảo công chúng”.
Diễn ra trong 3 ngày 20/11, 27/11 và 4/12, hội thảo gồm 1 phiên khai mạc, 6 phiên toàn thể và các phiên song song với sự tham gia của các diễn giả từ nhiều quốc gia trên thế giới, tập trung vào các chủ đề chính như lý thuyết và mô hình truyền thông khoa học, vai trò của truyền thông khoa học trong đại dịch Covid-19, truyền thông khoa học và biến đổi khí hậu, đào tạo truyền thông khoa học…
Trong khuôn khổ hội thảo, phiên toàn thể “Truyền thông về đại dịch Covid-19: Câu chuyện Việt Nam” sẽ diễn ra vào ngày 27/11. Trong phiên toàn thể này, các diễn giả trong nước sẽ chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong truyền thông về tình hình dịch bệnh, các giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và đấu tranh chống thông tin sai lệch, tin giả về dịch bệnh.
Đây là chủ đề được giới nghiên cứu quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát thành công 3 đợt dịch đầu tiên và đang nỗ lực kiểm soát đợt dịch thứ tư.