BVR&MT – Truy xuất nguồn gốc đã trở thành vấn đề cấp thiết và xu thế bắt buộc trong xuất, nhập khẩu. Đối với lĩnh vực nông nghiệp truy xuất nguồn gốc trở nên đặc biệt quan trọng khi các sản phẩm này liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người.
Nhằm cung cấp thông tin tổng quan về truy xuất nguồn gốc, quy định và hoạt động truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản trong nước và xuất khẩu cũng như vai trò quản lý nhà nước đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu liên quan tới các sản phẩm nông sản, ngày 4/11/2021, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của hai bộ: Bộ khoa học và công nghệ nghệ và bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Hội thảo: “Truy xuất nguồn gốc – Nâng tầm nông sản việt”.
Đây là hội thảo giúp các doanh nghiệp, Hợp tác xã, đơn vị sản xuất phân phối và người tiêu dùng hiểu sâu hơn quy định, hoạt động truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản được phân phối trong nước và xuất khẩu, nắm bắt các ứng dụng công nghệ để quản lý và nâng cao hiệu quả truy xuất nguồn gốc cũng như minh bạch thông tin sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh: “Vấn đề truy xuất nguồn gốc đang trở nên cần thiết và là xu thế thị trường khi nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng được quan tâm, trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc đối với xuất khẩu. Nó thực sự trở thành công cụ hiệu quả phục vụ xuất khẩu và nâng cao giá trị niềm tin cho người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam”.
Có thể thấy, năm 2021 Việt Nam phải đối mặt với dịch covid – 19 và sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch. Trong bối cảnh đó việc xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các cam kết mở rộng thị trường, giảm thuế thì các nước nhập khẩu sẽ gia tăng các biện pháp kỹ thuật rào cản thương mại gây trở ngại cho việc xuất khẩu nông sản Việt. Vì vậy việc minh bạch đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc là yêu cầu đặt ra cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực – Uỷ viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, trước hết cần minh bạch dữ liệu, thông tin, bởi chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì nông nghiệp mới vươn xa, mới có trách nhiệm với người tiêu dùng. “Minh bạch thông tin là yêu cầu bắt buộc. Muốn nâng cao giá trị sản phẩm cần phải chủ động minh bạch thông tin, tránh việc ‘mù mờ’. Mọi người thường nghĩ truy xuất nguồn gốc là bị thanh tra, kiểm tra, bị bắt buộc phải làm, nên đại bộ phận làm chống đối, nhưng đây là sai lầm nghiêm trọng”, bà Nguyễn Thị Thành Thực nêu ý kiến.
Được biết vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai; trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.
Áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ với thị trường xuất khẩu, mà với cả thị trường tiêu thụ nội địa sẽ đem lại lợi ích vẹn toàn cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng nông sản; giúp người nông dân – chủ thể chính của tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao khả năng đưa sản phẩm ra ngoài thị trường và đặc biệt là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: “Truy xuất nguồn gốc hơn bao giờ hết là nội dung hết sức quan trọng, đòi hỏi sự cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Tới đây, việc truy xuất nguồn gốc phải được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, khả thi hơn, đáp ứng được đầy đủ và không để bị động trước bất cứ đòi hỏi, tiêu chuẩn của thị trường nào”.
Nhiều đại biểu, chuyển gia cho rằng thời gian tới cần sự vào cuộc quyết liệu hơn từ cơ quan quản lý, cần có khung chính sách sát thực, cụ thể, kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ về quy định truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên để phục để phục vụ cho việc mở rộng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; triển khai chương trình về xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao việc sử dụng công nghệ trong sản xuất đối với bà con.
Hà Linh