Trung Quốc vẫn khuyến khích dùng vảy tê tê làm thuốc

BVR&MT – Trung Quốc được truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi khi tuyên bố loại vảy tê tê bỏ danh sách nguyên liệu trong y học cổ truyền nước này (TCM) nhưng trên thực tế vảy tê tê vẫn được buôn bán và sử dụng hợp pháp.

Dược điển 2020 của Trung Quốc vẫn liệt kê vảy tê tê là thành phần một số phương thuốc độc môn. (Ảnh: EIA)

Câu chuyện về việc loại tê tê khỏi dược điển TCM chính thức đã được hiểu một cách rộng rãi là “lệnh cấm” vảy tê tê. Nhưng Cơ quan Điều tra môi trường Quốc tế (EIA) phát hiện vảy tê không bị cấm hoàn toàn mà vẫn được sách tham khảo chính thức liệt kê là thành phần trong các phương thuốc độc môn.

Qua kiểm tra dược điển năm 2020, EIA xác nhận tê tê đã được loại bỏ khỏi phần liệt kê các thành phần chính của TCM nhưng vẫn được đưa vào như một thành phần trong thuốc độc môn – có nghĩa là chính phủ Trung Quốc tiếp tục hợp pháp hóa và thúc đẩy việc sử dụng vảy tê tê làm thuốc.

Các nhà nghiên cứu EIA tham khảo chéo các mục trong dược điển năm 2020 với phiên bản 2010 và 2015, qua đó xác định được 8 công thức độc môn vẫn có thành phần vảy tê tê, bao gồm loại thuốc viên hoạt huyết thông kinh mạch Tái Tạo Hoàn và thuốc chữa đau bụng A Ngụy Hóa Bĩ Cao.

Chris Hamley, Nhà vận động cao cấp về tê tê thuộc EIA cho biết: “Rõ ràng vảy tê tê vẫn được sử dụng trong dược điển. Điều cần thiết hiện nay là chính phủ Trung Quốc cần có hành động rõ ràng, đáng tin cậy và quyết đoán để cấm hoàn toàn việc sử dụng tê tê trong TCM, tức là phải loại bỏ hoàn toàn vảy tê tê khỏi dược điển, chấm dứt cấp phép sản xuất và bán các loại thuốc có chứa vảy tê tê, và phá hủy tất cả các kho dự trữ vảy. Nếu không có hành động toàn diện để loại bỏ nhu cầu sử dụng vảy tê tê trong TCM ở Trung Quốc, nạn buôn bán tê tê với quy mô lớn và sự suy giảm quần thể hoang dã vẫn sẽ tiếp tục”.

Ảnh: WCS

EIA cho rằng những bước đi gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường bảo vệ tê tê là một động thái tích cực, đồng thời hoan nghênh nỗ lực của những người vận động để đóng cửa thị trường thuốc tê tê nội địa ở Trung Quốc.

Nhu cầu sử dụng vảy tê tê đang làm thuốc rất cao và là động lực chính thúc đẩy nạn buôn lậu từ khắp châu Phi và châu Á vào Trung Quốc.

Dược điển năm 2020 cũng tiếp tục coi xương báo và mật gấu là thành phần được công nhận chính thức. Tháng 3 năm nay, EIA đã báo cáo về việc buôn bán các sản phẩm xương báo đang diễn ra ở Trung Quốc và rõ ràng việc quảng bá chính thức về sử dụng xương báo làm thuốc vẫn tiếp diễn.

Thế Anh (Theo EIA)