Trung Quốc triệt phá băng đảng buôn bán ngà voi lớn nhất sau điều tra của EIA

BVR&MT – Từ nguồn thông tin do Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) cung cấp, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã bắt giữ ba thành viên thuộc tổ chức Thủy Đông – băng đảng buôn bán ngà voi được cho là lớn nhất Trung Quốc, thậm chí lớn nhất thế giới.

Trong báo cáo xuất bản năm 2017, EIA tiết lộ thị trấn Thủy Đông tuy ít được biết đến ở Trung Quốc nhưng lại là “trung tâm buôn bán lậu ngà voi lớn nhất thế giới”. Đây là kết quả sau ba năm điều tra bí mật, trong đó, EIA đã thâm nhập vào một trong các nhóm ở Thủy Đông và bóc trần mô thức hành xử của tổ chức này, từ các phương thức được chúng sử dụng để lấy ngà voi thô cho tới cách vận chuyển về bán ở Trung Quốc và quản lý lợi nhuận. Theo tổ chức Thủy Đông, 80% tổng số ngà voi săn trộm được đưa về Trung Quốc đều có nguồn từ châu Phi và điểm cập bến đầu tiên chính là Thủy Đông.

Tanzanialà điểm nóng về buôn bán ngà voi (Ảnh: Udayan Dasgupta).

Các điều tra viên của EIA đã xác định được chính xác ba người đàn ông thuộc một nhóm ở Thủy Đông gồm Âu Hải Cường, Tạ Hưng Bang và Vương Khang Văn, sau đó chia sẻ thông tin bí mật với các cơ quan chức năng của Trung Quốc trước khi xuất bản báo cáo. Cục Chống buôn lậu Trung Quốc sau đó đã khám xét nhiều nơi ở Thủy Đông và các khu vực lân cận.

Theo EIA, thành viên đầu tiên là Vương Khang Văn bị bắt trong cuộc khám xét và nhận án tù 15 năm, thành viên thứ hai – Tạ Hưng Bang khi bị truy nã đang ở Tanzania và đã tự nguyện quay về chịu án với mức phạt sáu năm tù.

“Theo hiểu biết của tôi, Tạ Hưng Bang có vai trò như một người trung gian cho các ông chủ của tổ chức lớn chứ không phải là một thành viên hàng đầu”, Julian Newman, Giám đốc chiến dịch EIA nói. “Chẳng hạn, anh ta được trả một khoản tiền để liên lạc với các nhà cung cấp ngà voi địa phương thay vì là một nhà đầu tư trong chính lô hàng như Vương Khang Văn”.

Riêng nhân vật thứ ba – Âu Hải Cường gần đây cũng đã bị bắt. Cường được đưa về từ Nigeria theo lệnh truy nã đỏ của Interpol và sẽ đối mặt với phiên tòa tại Trung Quốc. Phiên xét xử có thể bắt đầu trong tháng này hoặc muộn hơn.

Ngoài ba người này, tòa án địa phương cũng kết án từ 6 – 15 năm tù đối với 11 nghi phạm khác.

“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy hành động thực thi mạnh mẽ như vậy được thực hiện bởi chính quyền Trung Quốc để đáp lại thông tin do chúng tôi cung cấp”, Newman nói thêm.

Một đối tượng buôn bán ngà voi giới thiệu hàng cho thành viên nhóm điều tra của EIA (Ảnh lấy từ video của EIA).

Báo cáo của EIA cũng tiết lộ thành phố Phủ Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến là một trong những trung tâm chạm khắc ngà chính ở Trung Quốc và đây cũng là thị trường hàng đầu cho việc chế biến ngà voi thô được cung cấp bởi các tổ chức ở Thủy Đông.

Cùng với lệnh cấm buôn bán ngà voi trong nước của Trung Quốc và dự định đóng cửa tất cả các xưởng chạm khắc ngà và cửa hàng vào cuối năm 2017, những xưởng khắc ngà được ủy quyền ở Phủ Điền cũng bị đóng cửa vào đầu năm 2018. “Tuy nhiên, có thể vẫn tồn tại giao dịch ngà voi ngầm”, theo Newman.

Cuộc điều tra của EIA cũng tiết lộ một mạng lưới tham nhũng gồm “các kiểm lâm, nhân viên hải quan, đại lý vận chuyển, những người đổi tiền, luật sư và “cò” ở địa phương” hỗ trợ các tổ hợp Thủy Đông. Đặc biệt, EIA đã xác định được một số cá nhân nhưng họ đang ở các khu vực có quyền tài phán khác nhau như Tanzania, Mozambique, Hàn Quốc và Hồng Kông,và không bị chính quyền ở các quốc gia đó bắt giữ.

Băng đảng buôn lậu Thủy Đông đã theo đuổi ngà voi một cách gắt gao. “Với lợi nhuận của ngà voi từ Đông Phi giảm, băng đảng buôn lậu Thủy Đông đã chuyển sang những mặt hàng có lợi nhuận hơn như vảy tê tê và ngà voi rừng. Khi tình hình thực thi luật được cải thiện ở Tanzania, chúng chuyển hướng sang nước láng giềng Mozambique. Các hoạt động tội phạm không ngừng nghỉ của chúng tiếp tục là một yếu tố chính trong việc tàn sát voi và các động vật hoang dã khác trên khắp châu Phi”, EIA nhấn mạnh trong báo cáo.

Cả Tanzania và Mozambique đều bị tác động mạnh từ những kẻ săn trộm voi: Từ năm 2009 đến 2014, Tanzania đã mất 60% quần thể voi trong khi Mozambique mất 53%.

Nhật Anh (Theo Mongabay)