Trung Quốc sẽ quyết định tương lai các dòng sông của Myanmar?

BVR&MT – Các công ty Trung Quốc đang ráo riết tái khởi động các dự án đập thủy điện tại Myanmar mà ngó lơ một đánh giá quan trọng.

Truyền thông Myanmar đang tập trung vào những nỗ lực rõ ràng của Trung Quốc nhằm hồi sinh con đập Myitsone vốn đã bị đình chỉ cũng như vai trò của nước này trong việc tư vấn cho chính phủ Myanmar phát triển Sách trắng về chiến lược thủy điện mới cùng hệ quả của các dự án khi tuân thủ đánh giá môi trường chiến lược ngành thủy điện Myanmar do Ngân hàng Thế giới lĩnh xướng, công bố cuối năm 2018.

Cuộc tranh luận xoay quanh giả định rằng Myanmar phải lựa chọn giữa hai bên tài trợ cho chiến lược phát triển thủy điện lớn: hoặc phương Tây và Ngân hàng Thế giới hoặc Trung Quốc. Mặc dù nội dung chưa được công bố nhưng có lo ngại rằng Sách trắng có thể thúc đẩy các dự án hủy hoại cao với môi trường và xã hội như đập Myitsone và chuỗi đập lớn được đề xuất trên dòng chính sông Salween (còn gọi là Thanlwin) mà dự án nào cũng liên quan đến các công ty và giới tài chính Trung Quốc. Nhưng giả định này liệu có đúng?

Đánh giá môi trường được chờ đợi từ lâu đã khuyến nghị không xây dựng đập trên dòng chính 5 lưu vực sông lớn, bao gồm Ayeyarwady và Salween. Như thế sẽ loại bỏ đập Myitsone gây tranh cãi và các đập trên dòng chính Salween khỏi các kế hoạch phát triển năng lượng của Myanmar – vốn cũng bị các nhóm xã hội dân sự phản đối quyết liệt. Việc chính phủ áp dụng khuyến nghị này sẽ phản ánh khoa học được đặt đúng chỗ về tác động sinh thái bất lợi của các đập thủy điện lớn trên các hệ thống sông chính và công nhận thích đáng nhiều giá trị về sinh thái, xã hội, kinh tế, văn hóa được các con sông cung cấp.

Chưa hết, đánh giá môi trường còn lường trước vai trò quan trọng của các đập thủy điện lớn trong tổng hòa năng lượng trong tương lai của Myanmar để giải quyết nhu cầu điện năng trong nước cũng như xuất khẩu sang các nước láng giềng.

Ảnh: International Rivers.

60% dân số Myanmar chưa tiếp cận được với điện và chính phủ có các mục tiêu đầy tham vọng để điện khí hóa 100% vào năm 2030. Nhưng để đạt được điều đó cần đến khả năng xây dựng các đập lớn ở cả những khu vực xưa nay vẫn xung đột vũ trang.

Hầu hết các đập lớn được dự định xây ở những bang thiểu số đang diễn ra giao tranh hoặc hòa bình ngưng trệ. Điều này có nghĩa là không có cách nào để xây dựng quyền tự chủ địa phương và ra quyết định có sự tham gia đối với việc quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Những lo ngại về tác động tiêu cực của các đập lớn cùng khả năng tiềm tàng làm trầm trọng thêm hoặc thậm chí gây ra xung đột khiến nhiều cộng đồng và các nhóm xã hội dân sự tẩy chay đánh giá môi trường.

“Chúng tôi sống ổn. Chúng tôi có thể nuôi gia đình. Có sông, rừng và tài nguyên thiên nhiên để đảm bảo tương lai. Nhưng chúng tôi trong tình trạng xung đột vũ trang đã hơn bảy thập kỷ. Các dự án đập, dù lớn hay nhỏ, sẽ tạo ra gánh nặng cho chúng tôi. Những gì chúng tôi cần là hòa bình, không phải các con đập”, theo lời Tha Tha Poe, một nhà bảo vệ môi trường người Karen từ sông Salween.

Bất chấp nỗ lực của những người đề xuất tô vẽ lợi ích kinh tế xã hội của các đập lớn là hơn hẳn cái giá phải trả, người dân địa phương ở Myanmar hiểu quá rõ hậu quả của các dự án này đối với cộng đồng và môi trường. Các con đập được xây dựng trong thời kỳ quân đội cầm quyền, chẳng hạn nhà máy thủy điện Lawpita trên một nhánh của Salween ở bang Karen đã đẩy hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa, thậm chí có liên quan đến lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền từ nhóm quân đội được triển khai để bảo vệ đập.

Năm 2011, một chiến dịch cấp cơ sở mạnh mẽ đã buộc đập Myitsone bị đình chỉ. Một đánh giá độc lập về đánh giá tác động môi trường của dự án, được hỗ trợ bởi International Rivers, đã nêu lại mối lo ngại của cộng đồng và chứng minh các cách mà nghiên cứu đã làm giảm đáng kể các tác động của đập đối với dòng chảy cũng như chế độ trầm tích tới hạ nguồn, thủy sản, đa dạng sinh học thủy sinh, và cả ý nghĩa đối với an ninh lương thực, sinh kế cùng sức khỏe cộng đồng.

Sau khi dự án bị đình chỉ, các cộng đồng tái định cư vẫn sống trong trong tình cảnh bấp bênh kéo dài. Người dân bị từ chối bồi thường thỏa đáng, không được cung cấp phương tiện để khôi phục và xây dựng lại sinh kế, họ tiếp tục chờ đợi với hy vọng được trở lại những ngôi làng và vùng đất mà họ bị cưỡng bức rời đi.

Điều đáng chú ý là việc công luận hiện nay quá tập trung vào đập Myitsone lại trở thành nguy cơ che khuất các dự án đập lớn có hại khác đang được âm thầm triển khai trong khi thiếu thông tin công khai minh bạch.

ĐTM đối với đập Kunlong 1.400 MW và đập Naopha 1.200 MW trên sông Salween ở bang Shan đã hoàn thành gần đây và đang được xem xét. Cả hai dự án đều nằm trong các địa điểm đang hoặc từng có xung đột vũ trang và đều khiến cộng đồng địa phương lo ngại về tình trạng hồ chứa gây ngập đất đai cũng như các tác động đến hạ nguồn trên hệ thống sông.

Các đánh giá đã không được công bố công khai mặc dù quy trình đánh giá tác động môi trường sửa đổi của Myanmar có yêu cầu cải thiện tính minh bạch thông tin.

Sách trắng thủy điện mới nhất cũng mơ hồ không kém với rất ít thông tin về nội dung hoặc quá trình soạn thảo được công khai.

ĐMC, trong khi nhấn mạnh sự tham gia sâu rộng của các bên liên quan, lại có những hạn chế đáng kể trong việc phản ánh quan điểm của địa phương. Lĩnh xướng bởi IFC, chi nhánh của Ngân hàng Thế giới chuyên cho khu vực tư nhân vay, nghiên cứu này phù hợp với nhiệm vụ hỗ trợ ngành thủy điện, gán cho các đập lớn vai trò quan trọng mà không hề đánh giá rộng hơn về nhu cầu năng lượng và xuất khẩu của đất nước cũng như các lựa chọn thích hợp khác.

Đánh giá cũng không huy động được nhiều bên liên quan tại địa phương hay sự tham gia rộng rãi. Hầu hết các tài liệu đều là tiếng Anh, nhiều người cho rằng họ không có đủ thời gian để cung cấp đầu vào cho quy trình đánh giá.

Những người khác tham dự các cuộc tham vấn phàn nàn rằng mối quan tâm của họ đã bị loại bỏ khỏi biên bản cuộc họp. Rất nhiều người ở các khu vực dự định xây đập nhưng đã phải di dời vì xung đột vũ trang thì lại không được tham gia vào đánh giá.

Người dân địa phương có nhu cầu riêng. Họ muốn có minh bạch, sự tham gia của công chúng và quyền quyết định có ý nghĩa trong quản trị tài nguyên. Nhiều người cũng có nhu cầu cấp bách về năng lượng.

Như đã đề cập, hiện chỉ khoảng 40% dân số Myanmar tiếp cận được với điện lưới nhưng hầu hết các đập lớn là để truyền tải điện cho xuất khẩu hoặc đến các trung tâm đô thị và công nghiệp chứ không phải đến với cộng đồng địa phương.

Các đập lớn trên sông Salween là để nhằm xuất khẩu điện sang Thái Lan và miền nam Trung Quốc – nơi hiện đang dư thừa đáng kể và ít nhu cầu nhập khẩu thêm điện. Ngoài ra, còn có hàng ngàn nhà máy điện rất nhỏ phi tập trung đang phục vụ nhu cầu địa phương, tuy nhiên, vai trò của của các nhà máy này cùng tiềm năng phát triển công nghệ mới, thích hợp, giá cả phải chăng lại bị bỏ qua trong các kế hoạch năng lượng quan trọng.

Có nhiều con đường để Myanmar phát triển và có được năng lượng nhưng chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống. Một con đường dẫn đến hòa bình và phát triển thân thiện với môi trường đòi hỏi các nhà hoạch định năng lượng của nước này trước hết phải lắng nghe và trân trọng người dân.

Nhật Anh (Theo chinadialogue.net)