Trung Quốc phát triển robot sinh học bốn chân đồ sộ nhất thế giới

BVR&MT – Giới phân tích cho biết Trung Quốc đã phát triển robot sinh học bốn chân chạy bằng điện đồ sộ nhất thế giới, làm nhiệm vụ tại nhiều địa hình phức tạp mà con người khó tiếp cận.

Trước đó, hôm 14/1, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, đi bằng bốn chân và có vẻ ngoài giống loài bò yak Tây Tạng, con robot do Trung Quốc độc lập phát triển là loại lớn nhất, nặng nhất và có khả năng mạnh nhất thế giới trong hoạt động bất chấp địa hình.

Đánh giá từ các clip phóng sự, các chuyên gia cho hay cỗ máy này cao xấp xỉ một nửa chiều cao của người trưởng thành khi đi bộ và chiều dài gấp khoảng hai lần chiều cao.

“Bò máy” của Trung Quốc. Ảnh: CCTV

CCTV đưa tin nó có thể chở tới 160kg và mặc dù có kích thước lớn nhưng nó có thể chạy với tốc độ 10 km một giờ.

“Bò máy” được trang bị các cảm biến để nhận biết địa hình và môi trường xung quanh. Nó đã thể hiện khả năng thích ứng rất tốt với nhiều loại địa hình khác nhau như bậc thang, hào nước và vách đá, chưa kể đến những con đường lầy lội, đồng cỏ, sa mạc và tuyết.

Nhờ có 12 bộ mô-đun khớp nối, robot có thể di chuyển tiến và lùi, rẽ, đi theo đường chéo, chạy nước rút, lao và nhảy một cách ổn định.

Theo CCTV, robot sinh học bốn chân có thể được triển khai để chuyên chở bom, đạn và thực phẩm tại các môi trường như cao nguyên, núi non, sa mạc và rừng rậm nơi các phương tiện thông thường đi qua rất khó khăn.

Một ứng dụng tiềm năng khác của con robot này là trinh sát tầm gần. Nó có thể liên tục thu thập thông tin tình báo trên trận địa và theo dõi chuyển động của mục tiêu ngay cả trong những môi trường phức tạp đã được chứng minh là quá sức đối với con người.

Một chuyên gia quân sự Trung Quốc yêu cầu giấu tên nhận xét “bò máy” chính là một lựa chọn hoàn hảo cho các nhiệm vụ ở vùng biên giới xa xôi, nơi cần giám sát liên tục nhưng điều kiện không thuận lợi cho sự hiện diện thường xuyên của con người, ví dụ như ở các cao nguyên, vùng băng giá và rừng rậm.

Nó cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng tại các khu vực chiến đấu có rủi ro cao, vì có thể thay thế nhiệm vụ trinh sát và giao hàng cho con người, giúp tránh thương vong đáng tiếc.

Chuyên gia này cho biết, nếu cần, robot cũng có thể được trang bị vũ khí và tiến hành các nhiệm vụ trinh sát có vũ trang, giống như máy bay không người lái, nhưng chỉ trên mặt đất.

“Bò máy” không phải là robot sinh học bốn chân duy nhất mà Trung Quốc phát triển. CCTV đưa tin Trung Quốc còn có một chó robot sinh học tên là Geda.

Con chó máy có kích thước tương đương ngoài đời thực. Nó nặng 32kg, nhưng có thể chở đến 40kg hàng hóa.

Theo CCTV, Geda được lập trình để hiểu các lệnh thoại đơn giản và sử dụng nhận dạng khuôn mặt. Nó đã vượt qua các bài kiểm tra để đi xuyên rừng, đường đá, đường hẹp và cầu ván đơn.

Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc sẽ phát triển thêm nhiều loại robot sinh học và tận dụng lợi thế của chúng trong chiến đấu.