Trung Quốc nhân rộng vải thiều không hạt nhờ đột phá về công nghệ

BVR&MT – Các nhà khoa học của Viện Khoa học nông nghiệp nhiệt đới Trung Quốc vừa nghiên cứu thành công đề tài về vải thiều không hạt, khiến loại trái cây chất lượng cao này được kỳ vọng sớm đến tay đông đảo người tiêu dùng.

Các nhà khoa học Trung Quốc đánh giá chất lượng quả vải thiều không hạt. (Ảnh: catas.cn)

Quả vải thiều không hạt rất được ưa chuộng ở thị trường Trung Quốc do có màu sắc đẹp, cùi trong và giòn, vị ngọt thanh. Nhưng do khó trồng, sản lượng thấp nên mỗi hộp với 48 quả có giá cao tới 550 nhân dân tệ (khoảng gần 2 triệu đồng), cung không đủ cầu.

Đại diện nhóm nghiên cứu vải thiều và nhãn thuộc Viện Khoa học nông nghiệp nhiệt đới Trung Quốc cho biết, vải thiều không hạt được nhân giống thành công từ năm 1997 và đã được trồng hơn 20 năm, tỷ lệ quả không hạt đạt hơn 95%. Do độ thơm ngon và giá thành cao nên đã từng phát triển nhanh chóng vào năm 2000.

Tuy nhiên, canh tác vải thiều không hạt gặp nhiều trở ngại như: ra hoa không ổn định và rất khó khăn vào những năm có mùa đông ấm; dễ xảy ra hiện tượng nứt quả, rụng quả, thiệt hại trên 40%, có năm lên tới 90%, ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế của người trồng.

Do vậy, 10 năm trở lại đây, diện tích canh tác giống vải này bị thu hẹp nhanh chóng, nhiều vườn vải thiều không hạt bị bỏ hoang hoặc trồng lại bằng các giống khác, hiện nay chỉ còn vùng trồng vải thiều không hạt chính ở huyện Trừng Mại, tỉnh Hải Nam với diện tích chỉ hơn 7.000 mẫu (1 mẫu Trung Quốc bằng 666,67m2).

Qua nhiều năm nỗ lực giải bài toán khó này, các nhà khoa học Trung Quốc đã tập trung nghiên cứu về quy luật sinh trưởng và phát triển, tích lũy dinh dưỡng và chuyển hóa hormone của cây vải thiều không hạt, thông qua các biện pháp như: kiểm soát sớm chồi để thúc đẩy quá trình tích lũy dinh dưỡng và trưởng thành của chồi, kích thích nở hoa vào thời điểm thích hợp bằng thuốc…, từ đó giải quyết bài toán ra hoa khó và không ổn định; nghiên cứu quy luật phát triển của thân và vỏ quả vải, xác định rõ cơ chế nứt và rụng quả, từ đó đưa ra công nghệ phòng ngừa hiện tượng này qua điều tiết sinh trưởng vỏ và cuống.

Nhờ những đột phá về công nghệ trên, tại cơ sở thí điểm trồng vải thiều không hạt có diện tích 200 mẫu ở thị trấn Lão Thành, huyện Trừng Mại, sản lượng bình quân ước đạt 1.139,6 kg/mẫu, trong đó 96,1% quả không bị nứt, tỷ lệ quả rụng chỉ 4,6%, tỷ lệ quả thương phẩm đạt 86,1%, đem lại giá trị kinh tế rất cao, tương đương 40.000 đến 80.000 nhân dân tệ (khoảng 140 đến 280 triệu đồng)/mẫu.

Theo dự báo, việc giải thành công bài toán khó trong canh tác vải thiều không hạt sẽ thúc đẩy diện tích canh tác tại Trung Quốc mở rộng nhanh chóng trong 3 đến 5 năm tới, tiến tới duy trì ổn định khoảng 40.000 đến 50.000 mẫu. Với thời gian thu hoạch sớm, giá trị cao, vải thiều không hạt có thể đem lại tổng giá trị kinh tế từ 800 triệu đến 2 tỷ nhân dân tệ.