BVR&MT – Tất cả các cuộc điều tra đã chỉ ra rằng nguồn gốc virus corona đang bùng phát ở Trung Quốc và trên toàn cầu đến từ thị trường động vật hoang dã bất hợp pháp ở Vũ Hán. Tuy nhiên, ngay cả khi dịch bệnh đang lây lan khó kiểm soát thì giới buôn lậu động vật hoang dã vẫn cố gắng kiếm tiền.
Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) cho hay giới buôn bán động vật hoang dã hiện đang chào hàng thuốc chữa coronavirus, bao gồm sừng tê giác và bộ phận một số loài quý hiếm khác.
Giới buôn lậu động vật hoang dã ở Trung Quốc và Lào sử dụng các trang web truyền thông xã hội trực tuyến để bán các mặt hàng như An cung ngưu hoàng hoàn vốn được sử dụng để hạ sốt và điều trị đột quỵ. Hiện tại, loại thuốc này đang được một số người bán tâng bốc thành một loại thuốc hữu hiệu chữa trị virus corona.
“Nực cười là những người bán quảng cáo một mặt hàng động vật hoang dã bất hợp pháp để điều trị một loại bệnh truyền nhiễm xuất phát từ thịt động vật hoang dã. Điều này một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của các chính phủ, đặc biệt là Trung Quốc trong việc xử lý hành vi mua bán và sử dụng động vật hoang dã để làm thuốc”, EIA cho biết .
Trung Quốc lâu nay bị các nhà bảo tồn quy kết là ngầm dung dưỡng việc buôn bán động vật nguy cấp để sử dụng trong y học cổ truyền hoặc làm thực phẩm đặc sản.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất các bộ phận tê giác, mèo lớn, tê tê và một số loại động vật khác để làm thuốc. Để dẹp bỏ vấn nạn này, Trung Quốc cần thực thi những chiến lược như việc cấm vĩnh viễn việc buôn bán và sử dụng các bộ phận và sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, kể cả từ nguồn nuôi nhốt.
Tê giác, một trong những loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên hành tinh là mặt hàng được ưa chuộng nhất ở chợ đen Trung Quốc. Mặc dù dược điển Trung Quốc khẳng định sừng tê giác có một vài dược tính trị liệu, tuy nhiên, khoa học ngày nay đã bác bỏ điều đó. Sừng tê giác được cấu thành từ keratin, một loại protein tương tự thành phần tạo nên tóc và móng tay.
Đáng buồn là thông tin này vẫn không ngăn được tê giác bị giết để lấy sừng ở cả ở châu Phi và châu Á.
Nhật Anh (Theo ARI)