Trung Quốc giành vị thế trong cuộc đua an ninh nguồn nước ở châu Á

BVR&MT – Cuộc cạnh tranh quyền lực ở châu Á không chỉ nhắm đến việc thâu tóm các tuyến đường thủy quan trọng ở Biển Đông mà còn là kiểm soát nguồn nước ngọt với khoảng bốn tỷ người đang phụ thuộc. Trong cuộc đua này, Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong khi kiểm soát đầu nguồn của 10/11 con sông lớn của châu Á, bắt nguồn từ Tây Tạng.

Ảnh: Reuters

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn có cách tiếp cận tương đối hợp tác trong việc chia sẻ nước với các nước láng giềng và điều này được xem là một phần của việc củng cố hệ thống “quyền lực mềm” của Trung Quốc đối với các quốc gia hạ lưu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đang đe dọa giải pháp cân bằng ngoại giao tinh tế này. Điều gì sẽ xảy ra khi cơn khát của chính Trung Quốc vượt xa nguồn nước sẵn có? Và các lựa chọn của Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích của Mỹ trong khu vực chiến lược châu Á-Thái Bình Dương? Bài viết dưới đây của chuyên gia Sherri Goodman thuộc Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách An ninh môi trường sẽ làm rõ hơn những vấn đề này.

Trung Quốc tự đặt mình vào vị trí dẫn đầu thế giới về biến đổi khí hậu và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và việc thực thi quy định kiểm soát ô nhiễm còn lỏng lẻo, quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn tiêu thụ than đá bằng với tất cả các nước cộng lại. Để đối phó với biến đổi khí hậu và tình trạng thiếu thốn tài nguyên, cách tiếp cận của Bắc Kinh đang ngả theo các giải pháp kỹ thuật với hàng loạt các dự án hạ tầng quy mô được xây dựng, trong đó phải kể đến các con đập lớn nhằm kiểm soát chặt hơn các con sông của châu lục cũng như giải quyết nạn thiếu nước trầm trọng và phát điện.

Các dự án này chính là “quân bài” giúp Trung Quốc có thể ban phát hoặc giữ nước lại tùy theo tình hình, đẩy các nước ở hạ lưu vào tình thế dễ bị tổn thương trước các quyết định của Bắc Kinh. Ví dụ, các đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Brahmaputra là căn nguyên xích mích với Ấn Độ, làm trầm trọng thêm các tranh chấp biên giới kéo dài bấy lâu giữa hai quốc gia.

Ngoài ra, các nhà phê bình cũng “chỉ mặt đặt tên” Dự án chuyển nước Bắc-Nam của Trung Quốc với mục tiêu chuyển nước từ Brahmaputra sang phục vụ ngành công nghiệp và các thành phố ở phía bắc Trung Quốc. Mặc dù giới lãnh đạo Bắc Kinh phủ nhận, song dự án vẫn tiến triển.

Trung Quốc hiện cũng đã xây đập và kiểm soát dòng chảy của sông Mê Công. Tuy nhiên, những phàn nàn về sông Mê Công bị dập vùi tức khắc, trái ngược so với sự phản đối kịch liệt của Ấn Độ đối với trường hợp Brahmaputra, một phần vì Trung Quốc không mấy e dè các nước nhỏ hơn như Lào, Thái Lan và Campuchia.

Cho đến nay, lợi ích của Trung Quốc là duy trì các điều khoản thân thiện với các nước láng giềng và hợp tác nhất quán với chiến lược của chính phủ nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực thông qua một “cuộc tấn công quyến rũ” (charm offensive). Đơn cử năm 2016, khi Việt Nam trải qua cơn hạn hán tệ nhất trong vòng một thế kỷ, Trung Quốc đã xả nước ở sông Mê Công để trợ giúp.

Bên cạnh đó, Trung Quốc luôn từ chối tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nước xuyên biên giới nào, có nghĩa là thái độ hợp tác của Bắc Kinh sẽ chỉ tồn tại với điều kiện phù hợp với lợi ích chính trị. Trong cuộc đối đầu quân sự Trung-Ấn tại Doklam mùa hè 2017, Trung Quốc dường như đã ngừng chia sẻ dữ liệu thủy văn mà Ấn Độ sử dụng để nâng cao chất lượng dự báo lũ lụt. Ấn Độ cáo buộc việc cắt nguồn dữ liệu đã “góp phần” vào một loạt các trận lũ lụt ở miền đông bắc nước này khiến 75 người chết và 400.000 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Các quan chức địa phương quy thảm họa cho việc Trung Quốc từ chối chia sẻ dữ liệu mực nước, lập luận rằng lượng mưa ở Ấn Độ thấp hơn mức dự kiến ​​và do đó họ không thể chịu trách nhiệm về lũ lụt. Sự cố này là một chỉ báo đáng lo ngại về việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng nước như phương tiện vũ trang trong các tranh chấp khu vực.

Hơn nữa, trong khi nước là một nguồn sức mạnh mềm và có lẽ còn là quyền lực cứng của Trung Quốc thì nó cũng là một mối quan ngại sống còn đối với đất nước này. Trung Quốc hiện phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp nước cũng như chất lượng nước đi xuống. Lượng nước tái tạo bình quân đầu người hàng năm chỉ vào khoảng 2.140 m3, kém xa mức trên 10.000 m3 của Mỹ. Đặc biệt, kể từ những năm 1990, thiệt hại từ hạn hán tại Trung Quốc đã cỡ khoảng 41 tỷ đô la – tương đương 1,1% GDP hàng năm.

Hiện nước đã là một trong những công cụ của Trung Quốc để củng cố quyền lực trong khu vực và trong mười năm tới, khi nước trở nên khan hiếm hơn với nhu cầu cao hơn, việc tính toán sẽ ít phức tạp và thậm chí còn đáng ngại hơn. Mặc dù nước đang là lợi ích chiến lược của Trung Quốc để duy trì tình hữu hảo với các nước láng giềng, song cơn khát của công dân trong nước sẽ luôn luôn đến đầu tiên.

Dự báo thời tiết xác thực những lo ngại này. Biến đổi khí hậu về cơ bản sẽ thay đổi các mô hình thời tiết trên khắp châu Á, bắt đầu với sự gia tăng nhiệt độ đáng kể. Đến những năm 2030, một nửa các mùa hè sẽ ấm hơn so với mùa hè nóng kỷ lục trong bốn mươi năm qua. Các khu vực cao như dãy Himalaya – nơi hầu hết nguồn nước cung cấp cho các con sông của châu Á được lưu trữ trong các sông băng – sẽ ấm hơn nữa. Nước ngọt có sẵn ở hầu hết các vùng của châu Á, đặc biệt là ở các lưu vực sông lớn sẽ giảm.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên suy giảm sẽ có tác động nghiêm trọng đối với châu Á. Lợi thế thượng nguồn của Trung Quốc kết hợp với việc xây dựng cơ sở hạ tầng về nước liên tục vẫn đảm bảo cho nước này vị thế của kẻ thắng. Đối với các cộng đồng ở hạ lưu được các con sông cung cấp nguồn dinh dưỡng quan trọng cho nông nghiệp, con người và các hệ sinh thái, tác động sẽ rất sâu sắc.

Các chuyên gia phát triển tiếp tục thúc đẩy các khung hợp tác xuyên biên giới như là giải pháp cho các tranh chấp về nước của châu Á. Điều này rất cần thiết nhưng Trung Quốc dường như không bao giờ sẵn lòng bị trói buộc bởi bất cứ loại thỏa thuận chính thức nào. Điều này khiến các nước hạ nguồn có ít sự lựa chọn nhưng phải nắm lấy hiện trạng và tiếp tục chiến lược hiện tại về đầu tư Trung Quốc và tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia.

Riêng đối với Hoa Kỳ, vấn đề an ninh nguồn nước ở châu Á làm cho việc quản lý quan hệ Trung-Mỹ trở nên cấp thiết hơn. Giám đốc tình báo quốc gia đã xác định khu vực Nam Á là đặc biệt dễ bị tổn thương do không đảm bảo được an ninh nguồn nước nhưng Mỹ không hành động gì đáng kể để giảm thiểu những mối đe dọa này.

Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á, đã nhiều lần bày tỏ quan ngại trước tình trạng vị thế lãnh đạo về biến đổi khí hậu của Hoa Kỳ đang suy giảm. Tại một cuộc họp gần đây do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức, một mối lo lắng được nhận diện là Nhật không tin chắc về sự hỗ trợ của Mỹ và việc Mỹ rút khỏi vị thế lãnh đạo về khí hậu có thể làm xói mòn ảnh hưởng của nước này ở châu Á.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với an ninh nguồn nước ở châu Á có thể khiến các nước láng giềng của Trung Quốc phải gắn bó chặt chẽ hơn với nước đang nắm thế chủ động. Sự liên kết này có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ và thúc đẩy khu vực hướng tới một cơ cấu lãnh đạo đa cực ủng hộ Trung Quốc. Đáng tiếc là những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách quốc phòng và an ninh để đối trọng với một nước Trung Quốc đang tăng lên lại phớt lờ chính những tác động nguy hiểm của an ninh nguồn nước đối với khu vực.

Nhật Anh (Theo Nationalinterest.org)

Tags: , ,
CHIA SẺ