Trung Quốc đang mất nước trong cuộc thương chiến với Mỹ

BVR&MT – Nước ẩn trong mọi thứ chúng ta sử dụng, ăn và mặc. Cây trồng phải được tưới, quần áo phải được giặt, và nguồn nhiên liệu phải được khai thác và xử lý bằng nước. Rất giống carbon, tiêu thụ nước cũng có dấu chân, không chỉ bao gồm nước chúng ta dùng trong nhu cầu hàng ngày như uống, giặt giũ mà còn là nước ẩn trong các sản phẩm.

Nước “ảo” này đóng vai trò quan trọng trong thương mại hóa toàn cầu. Hàng hóa được vận chuyển và giao dịch trên toàn thế giới cũng có nghĩa là nước được sử dụng để sản xuất hoặc trồng cấy ra hàng hóa đó được giao dịch. Khi hiện trạng thương mại có những thay đổi đáng kể thì việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu nước của một quốc gia – cũng như nguồn cung cấp nước nói chung – thay đổi theo.

Ảnh: Kay Ledbetter.

Cuộc thương chiến Mỹ – Trung Quốc đang thay đổi cách chi tiêu nước giữa hai quốc gia. Năm 2017, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Trước khi bị áp thuế, Trung Quốc đã xuất khẩu nhiều sản phẩm thâm dụng nước sang Mỹ, biến nước này thành quốc gia xuất khẩu nước ẩn lớn nhất thế giới, còn Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất.

Khi giao thương Mỹ -Trung Quốc gặp nút thắt, “cân bằng nước” cũng thay đổi. Ví dụ tháng 11/2018, Trung Quốc không nhập khẩu đậu nành từ Mỹ, trong khi một năm trước đó quốc gia này nhập tới 4,7 triệu tấn – con số không chỉ phản ánh 1,8 tỷ USD người nông dân Mỹ bị mất mà còn minh chứng cho 5,08 tỷ mét khối nước ảo không được Trung Quốc tiếp nhận.

Mỹ và Trung Quốc đều cần phải điều chỉnh ngân sách nước hoặc sẽ sa vào nguy cơ thiếu hụt. Đặc biệt, nguồn cung cấp nước ngọt có sẵn trên đầu người của Trung Quốc chỉ bằng ¼ của Hoa Kỳ khiến nguy cơ thiếu nước của nước này đặc biệt cao.

Dù Mỹ có nguồn nước lớn hơn hẳn, song chỉ trong năm 2012, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Mỹ 2,4 tỷ tấn nước ảo – đủ để hỗ trợ 6,3 triệu hộ gia đình trong một năm. Gần một nửa (46%) sự mất cân bằng này được tính bằng nước dùng để sản xuất máy móc và thiết bị ở Trung Quốc rồi được chuyển đến Mỹ, 19% khác là hàng dệt may, và chiếm tỷ trọng lớn tiếp theo nữa là nông nghiệp. Máy móc, quần áo và nông sản là những mặt hàng thâm dụng nước nhất được giao dịch giữa hai nước cho đến nay.

Cả hai nước đã áp thuế nhiều hàng hóa như vậy. Khi thương mại giảm tốc, cân bằng nước cũng thay đổi. Danh sách hàng hóa bị áp thuế từ ba ngành nói trên cùng hàm lượng nước ảo (tính bằng lít/kg) cho thấy sự khác biệt rõ ràng về nước ảo bị áp thuế bởi mỗi quốc gia.

Hàng hóa bị đánh thuế của Trung Quốc có hàm lượng nước ảo xấp xỉ gấp đôi của Mỹ. Khi hàng hóa bị áp thuế được giao dịch ít hơn, đồng nghĩa với Trung Quốc nhận được lượng nước ảo ít hơn từ Mỹ và sự mất cân bằng thương mại nước ảo đang gia tăng.

Ngoài ra, hàng hóa giao dịch tổng thể giữa Mỹ và Trung Quốc, tính cả hàng hóa không bị ảnh hưởng bởi áp thuế, đã thay đổi. Từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào tháng 7/2018, Mỹ thực sự đã nhập khẩu nhiều hàng hóa Trung Quốc hơn trước đây. Trong ba tháng sau khi lệnh áp thuế được thực thi, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc giảm trung bình 18% so với ba tháng trước đó. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng 7% cùng kỳ.

Đáng ngạc nhiên là tổng thể mất cân bằng thương mại hàng hóa đã tăng 17% kể từ khi bắt đầu cuộc thương chiến – mức cao nhất trong 10 năm. Khi Trung Quốc xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang Mỹ và nhập khẩu hơn, sự mất cân bằng nước giữa hai quốc gia sẽ còn cao hơn nữa.

Chẳng hạn, ngành dệt may Trung Quốc sản xuất 65% tổng số quần áo trên thế giới, mỗi kg sản phẩm không chỉ tiêu tốn tới 40.000 lít nước mà còn tạo ra 600 lít nước thải. Nước chứa hóa chất này thường chảy trực tiếp vào sông suối.

Khi Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu thêm quần áo, mặt trái là đe dọa nguồn cung cấp nước – trước tiên sẽ hy sinh hàng ngàn lít nước ngọt rồi lại gây ô nhiễm các dòng sông. Sử dụng tới hơn 10 triệu công nhân, tương lai của ngành dệt may Trung Quốc là bấp bênh trừ khi việc sử dụng nước ảo được quản lý đúng cách.

Khi các cuộc đàm phán thương mại nối lại, Mỹ và Trung Quốc nên cân nhắc thương thảo cả nguồn lực quý giá nhất thế giới này.

Trung Quốc ngày càng gửi nhiều nước ra nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu nên khả năng sản xuất hàng hóa của quốc gia này càng dễ gặp rủi ro.

Nếu không xem xét tác động của nước ảo trong hàng hóa giao dịch, cả Mỹ và Trung Quốc đều có nguy cơ đe dọa các ngành công nghiệp được định hướng xuất khẩu vốn dựa nhiều vào nguồn cung cấp nước dồi dào.

Nhật Anh (Theo chinadialogue.net)

https://baovemoitruong.org.vn/

CHIA SẺ