Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong phát triển năng lượng sạch

BVR&MT – Theo báo cáo vừa xuất bản của Viện Kinh tế Năng Lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), tổng vốn đầu tư ra nước ngoài dành cho các dự án năng lượng tái tạo của Trung Quốc vào năm 2016 đã tăng khoảng 60%, đạt mức kỉ lục 32 tỷ USD. Điều này khẳng định vị trí tiên phong của Trung Quốc trong thị trường năng lượng sạch toàn cầu.
Năm 2016, Trung Quốc đã thông qua 11 thỏa thuận đầu tư nước ngoài với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD. Con số này được mong đợi sẽ tiếp tục tăng trong năm nay khi mới đây Trung Quốc tuyên bố đầu tư ít nhất 361 tỷ USD vào năng lượng tái tại cho tới năm 2020 nhằm mục đích cứu quốc gia khỏi tình trạng ô nhiễm do than đá.
Cũng trong năm vừa qua, Trung Quốc đã đầu tư vào một loạt thị trường nước ngoài, từ thị trường sản xuất pin lithium tại Australia và Chile cho tới dự án phân phối điện tại Brazil, hay xây dựng các nhà máy pin mặt trời tại Việt Nam. Ở thị trường nội địa, nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới đã nổi lên như một cường quốc về năng lượng tái tạo, vượt trên cả Mỹ.
Đối với thị trường trong nước, theo tổ chức nghiên cứu về thị trường năng lượng Bloomberg New Energy Finance, Trung Quốc đã đầu tư hơn 100 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện, cùng các ngành có liên quan trong năm 2015, gấp đôi so với tổng đầu tư của Mỹ.
Tim Buckley, Giám đốc điều hành của IEEFA nhận định, Mỹ đang tụt lại phía sau Trung Quốc trong cuộc đua phát triển thị trường năng lượng sạch. Với chính sách ưu tiên sử dụng than đá và khí đốt của chính quyền mới, khả năng thay đổi chính sách hướng tới năng lượng tái tạo của Mỹ là không khả quan.
Ảnh: Breaking Energy
Những lợi thế cạnh tranh
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ khôi phục nền công nghiệp than đá đang suy giảm tại nước này, đồng thời bổ nhiệm nhiều giám đốc điều hành năng lượng hóa thạch và các nhà vận động hành lang trong nội các.
Trong khi đó, sự thống trị của Trung Quốc trong ngành năng lượng sạch đã mở ra nhiều cơ hội việc làm. Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, lao động Trung Quốc chiếm 3,5 triệu trong tổng số 8,1 triệu việc làm liên quan tới năng lượng tái tạo trên toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm chưa đến 800.000 việc làm. Cơ quan quản lí năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) khẳng định, ngành năng lượng tái tạo sẽ cung cấp ít nhất 13 triệu việc làm tại quốc gia này cho tới năm 2020.
Theo GS. Ulf Moslener (Frankfurt School of Finance and Management), Trung Quốc có những lợi thế vượt trội so với các nước giàu khác như Mỹ, Đức, đặc biệt là lợi thế cạnh tranh về chi phí. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ và Châu Âu vẫn giữ lợi thế về mặt công nghệ, ví dụ như những tấm pin mặt trời mỏng hay các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến.
Năm 2016, Trung Quốc đã đẩy mạnh tầm ảnh hưởng ra nước ngoài thông qua việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (Asia Infrastructure Investment Bank). Đồng thời, Trung Quốc cũng đang chuyển hàng tỷ USD vào Ngân hàng Phát triển mới (New Development Bank), được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, gọi tắt là BRICS. Tất cả các khoản vay ban đầu của ngân hàng đều dành cho các dự án năng lượng tái tạo.
Có thể thấy, Trung Quốc đang thể hiện rõ khả năng tài chính trong việc thúc đẩy mua bán và sát nhập thị trường trên toàn cầu. Năm 2015, Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xe điện lớn nhất, còn hiện tại, 2 tập đoàn Trung Quốc là BYD Auto và công ty sản xuất pin CATL đang cạnh tranh vị trí đứng đầu với công ty Tesla của Mỹ.
Đức Anh/ Theo World Bulletin