Trung Quốc cần mạnh tay hơn với ngành buôn bán động vật hoang dã

BVR&MT – Chợ đầu mối hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc (nơi khởi phát đại dịch) vẫn đóng cửa sau hơn một năm kể từ khi ca Covid-19 đầu tiên bị phát hiện. Trước khi khu chợ bị đóng cửa vào cuối năm 2019, khoảng 100 loại động vật và gia cầm sống được bày bán ở đây, bao gồm công, sói con và cầy vòi mốc. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mặc dù lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã được ca ngợi, song việc Trung Quốc không đưa các mục đích sử dụng khác vào lệnh cấm ngoại trừ mục đích sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm có thể làm suy yếu nỗ lực bảo vệ trong trung và dài hạn.

Các động vật từ dơi đến dúi, tê tê và chồn vizon được các nhà khoa học cho là có vai trò trong việc lây truyền virus corona mới, gây bệnh Covid-19 cho con người.

Động vật hoang dã bị loại khỏi Vũ Hán, không còn dấu vết của chúng ở các chợ khác của thành phố, trái ngược hoàn toàn với hoạt động buôn bán nhộn nhịp trước khi dịch bệnh bùng phát. Các nhà cung cấp nói rằng họ đã quen với việc thanh kiểm tra thường xuyên, sau lệnh cấm của chính phủ.

“Không còn động vật sống nữa. Bán là phải ngồi tù đấy”, một người bán cá chình tại chợ Qiy cho biết.

Giới chức Trung Quốc nặng tay đối với buôn bán động vật hoang dã vì bị sốc trước hậu quả của việc buôn bán và tiêu thụ động vật sau các hội chọi – một truyền thống văn hóa và ẩm thực có nguồn gốc sâu xa, thậm chí không bị lay chuyển ngay cả khi bùng phát SARS năm 2003.

Ảnh minh họa: TNN

Tại cuộc họp hồi tháng 2 với các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Từ lâu, chúng ta đã nhận ra rằng việc tiêu thụ động vật hoang dã là rất rủi ro nhưng ngành công nghiệp động vật hoang dã vẫn còn rất lớn và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng. Chúng ta không thể chỉ ngồi yên nữa”.

Cơ quan lập pháp của Trung Quốc (Nhân đại toàn quốc) nhanh chóng ban hành lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, đồng thời thúc đẩy sửa đổi luật bảo vệ các loài hoang dã. Tháng 10/2020, một dự thảo được công bố trực tuyến để lấy ý kiến cộng đồng đưa ra mức tiền phạt 300 đến 1.500 đô la Mỹ cho hành vi ăn thịt động vật hoang dã.

Ngày 20/12/2020, Tòa án tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Công an Trung Quốc ban hành một chỉ thị chung, cam kết sẽ trấn áp các hoạt động săn bắt, mua bán, vận chuyển và xuất nhập khẩu trái phép các loài hoang dã nhằm “cắt đứt chuỗi lợi ích của buôn bán động vật hoang dã”.

Các hành vi vi phạm sẽ bị trừng phạt theo luật hình sự (với các mức hình phạt tối đa hơn 10 năm tù, phạt tiền và tịch thu tài sản) và các cơ quan thực thi pháp luật dự kiến phạt nặng những hành vi liên quan đến hơn 300 động vật thuộc danh sách loài nguy cấp và được bảo vệ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ thị này khá chung chung và không đề cập đến các mục đích sử dụng khác của động vật hoang dã ngoài việc làm thực phẩm. Giới bảo vệ môi trường cho rằng việc Trung Quốc tiếp tục chấp nhận việc sử dụng động vật hoang dã không vì mục đích làm thực phẩm là điều đáng thất vọng và nguy hiểm.

Chuyên gia vận động về động vật hoang dã kiêm chuyên gia về Trung Quốc Aron White thuộc EIA cho biết: “Thật đáng thất vọng khi cách tiếp cận đầy tham vọng và mang tính phòng ngừa được áp dụng đầu năm nay không được mở rộng sang mục đích sử dụng ngoài thực phẩm. Điều này có nguy cơ làm suy yếu chính sách mới cả về sức khỏe cộng đồng và bảo vệ đa dạng sinh học”.

“Nếu các chính sách mới nhằm giảm thiểu khả năng xuất hiện bệnh từ động vật sang người thì việc cấm triệt để một hình thức tiêu thụ trong khi vẫn tiếp tục cho phép và khuyến khích các hình thức khác là vô nghĩa”, White chia sẻ.

White cho biết nhu cầu sử dụng cho y học cổ truyền Trung Quốc là yếu tố chính thúc đẩy các loài như báo hoa mai và gấu tuyệt chủng ở nhiều vùng phân bố, tuy nhiên việc sử dụng để làm thuốc vẫn được phép ở Trung Quốc, ngay cả khi sửa đổi chính sách trong bối cảnh đại dịch.

“Khi chính sách của chính phủ tiếp tục cho phép và hợp pháp hóa việc sử dụng những loài này làm thuốc thay vì khuyến khích thay thế chúng bằng các loại thảo dược bền vững thì rất khó để giảm nhu cầu”.

Nhật Anh (Theo SCMP)