Trung Quốc ‘bật đèn xanh’ với cây trồng biến đổi gien

BVR&MT – Trung Quốc đã đưa ra các quy tắc thí điểm để phê duyệt cây trồng chỉnh sửa gien, mở đường cho việc cải thiện sản lượng mùa màng.

00Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã đăng tải các quy tắc mới vào ngày 24/1. Dự thảo quy tắc có nội dung rằng một khi cây trồng đã được chỉnh sửa gien và hoàn thành các thử nghiệm thí điểm, thì có thể xin giấy chứng nhận sản xuất, bỏ qua các cuộc thử nghiệm kéo dài trên đồng ruộng để được phê duyệt.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết những quy tắc này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh áp dụng các biện pháp nhằm cải tổ ngành công nghiệp hạt giống, vốn được coi là mắt xích yếu trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Chỉnh sửa gien được coi là một công nghệ mới ít rủi ro hơn công nghệ biến đổi gien bởi nó không liên quan đến việc bổ sung thêm gene ngoại lai vào cây trồng. Thay vào đó, các nhà khoa học chỉnh sửa hoặc thay đổi gien vốn có sẵn trong cây trồng để cải thiện năng suất hoặc tăng dinh dưỡng.

Độ chính xác của công nghệ chỉnh sửa gien khiến nó có tốc độ nhanh hơn nhiều so với việc nhân giống thông thường và cũng làm giảm chi phí. Các quy tắc liên quan đến công nghệ này cũng được đánh giá là ít rườm rà hơn ở một số quốc gia.

Chủ tịch công ty hạt giống Origin Agritech (Trung Quốc), ông Han Gengchen đánh giá: “Điều này thực sự mở cửa cho việc nhân giống cây trồng. Đây cũng là cơ hội lớn để cải thiện cây trồng chính xác và hiệu quả hơn”.

Giới lãnh đạo Trung Quốc vào cuối năm 2020 nhận định rằng nước này cần sử dụng khoa học và công nghệ để thay đổi công nghiệp hạt giống vốn chật vật vì ít đổi mới. Có nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh có thể cho phép trồng ngô biến đổi gien vào đầu năm nay.

Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) đánh giá các viện nghiên cứu của Trung Quốc đã công bố số nghiên cứu về cây trồng chỉnh sửa gien nhiều hơn hẳn những nước khác.

Rabobank nhận định: “Với đầu tư mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc trong biến đổi gien, chúng tôi dự đoán Bắc Kinh sẽ có nhiều chính sách cởi mở hơn với công nghệ này trong những năm tới”.