Trồng sen lấy sợi và triển vọng sản xuất sợi sen ở Việt Nam

BVR&MT – Hiện nay, ngành công nghiệp dệt may có vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm dệt may càng bắt mắt thì chất thải từ ngành công nghiệp này càng nguy hại và tác động tới môi trường. Chính vì thế việc nghiên cứu, triển khai mô hình sản xuất sợi sen trong nghề dệt không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tăng thêm thu nhập của người dân ở nông thôn.

 

Nghệ nhân Phan Thị Thuận – người đầu tiên dệt lụa tơ sen ở Việt Nam.

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂY SEN

1. Phân loại

Sen là một họ thực vật thuộc Ngành Angiospermae; Bộ Nelumbonales, Họ Nelumbonaceae và Chi Nelumbo. Phân loại này được A. Rich định loại từ 1827. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn tồn tại ý kiến khác nhau trong phân loại đối với Sen:

Hệ phân loại Cronquist năm 1984 dựa trên sự tương tự về hình thái thừa nhận họ Nelumbonaceae nhưng xếp vào bộ Nymphaeales (Súng) thuộclớp Magnoliopsida, Phân lớp Magnolidae.

Hệ phân loại Dahlgren và Thorne (1992) cũng thừa nhận họ Nelumbonaceae nhưng xếp vào bộ Nelumbonales thuộc siêu bộ (superorder) Magnolianae, Phân lớp Magnolidae.

Các loài trong chi Nelumbo có hoa rất giống với các loài hoa Súng trong họ Nymphaeaceae (họ Súng). Tuy nhiên có thể phân biệt được căn cứ vào hình thái của lá: lá Sen có hình lọng (lá tròn), lá của các loài thuộc họ Súng có vết khía hình V đặc trưng từ mép lá vào tâm của lá. Quả ở trung tâm chứa hạt của các loài Súng cũng có đặc điểm khác với các loài Sen.

Hệ phân loại thực vật mới nhất APG III năm 2009 công nhận họ Nelumbonaceae và xếp vào bộ Proteales (Quần hoa) thuộc Nhánh Eudicos, có 1 Chi Nelumbo Adans với 2loài được chấp nhận:

– Sen Vàng (N. Lutea Willd) hoa có cánh mầu vàng phân bố ở Bắc Mỹ. Loài này có thứ (varietas) gọi là Sen sẻ ( N.nanum Hort), cây thấp, lá và hoa nhỏ được trồng trong chậu, ở bể nước non bộ và Sen Trắng (Nelumbo Alba Hort.) cho hoa có màu hoàn toàn trắng (bạch liên).

– Sen Hồng (Nelumbo nucifera Gaertn) có tên khác là Nelumbium speciosum (Willd), Nelumbium nelumbo (L.) Druce hay Nymphaea nelumbo. Về tên thông dụng phổ biến là Sen Hồng, có tên khác là sen đỏ, sen Ấn độ; trong các tài liệu Hán tự có tên là Hà hoa, Liên hoa, Phù cừ, Thủy chi.

– Có rất nhiều giống Sen, Viện Thực vật học Vũ Hán Trung Hoa (1987) đã thống kê được 125 giống sen ở Trung Quốc (Ni Zueming và cộng sự-1987), phân thành 3 nhóm theo sản phẩm, mục đích:

– Sen củ: sản sinh củ năng suất cao chất lượng tốt rất ít hoặc không ra hoa.

-Sen hoa : Không sản sinh củ nhưng nhiều hoa và hoa đẹp. Hoa có nhiều loại màu sắc khác nhau: hồng, vàng , trắng , đỏ hoặc hai màu (trắng ở đài, hồng ở cánh). Sen hoa cũng sản sinh hạt (liên tử) song năng suất hạt thấp và chất lượng kém.

– Sen hạt: Sản sinh nhiều hạt, hạt to và chất lượng cao. Hoa cánh đơn, màu đỏ, rễ nhẵn không củ.

Chi sen Nelumbo Adans ở Viêt Nam chỉ có một loài sen Hồng (nelumbo nucifera Gaertn) mọc hoang ở Đồng Tháp Mười, thuộc hai tỉnh An giang và Đồng tháp. Cây sen cũng là cây trồng quen thuộc ở các tỉnh đồng bằng và trung du từ Bắc tới Nam, ở vùng đầm lầy, ao hồ. Đó là loài Sen hoa,các bộ phận hình thái của sen gồm rễ, lá, hoa, đài hoa và hạt.

2. Công dụng của Sen

Các bộ phận của cây sen đều có công dụng, dùng làm thực phẩm hoặc vị thuốc trong y học dân gian.

– Hoa Sen có vị trí trong tâm thức của người Việt, là biểu tượng cho đức tính thanh cao thoát tục “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đạo Phật tôn vinh hoa sen gắn hình tượng hoa sen với sự tôn kính, uy nghiêm của Phật Tổ, và để trang trí cho kiến trúc thiền tự. Việt Nam cũng như Ấn độ chọn Hoa sen là Quốc hoa. Trong đời sống không có thứ cây nào được sử dụng triệt để như cây sen.

Lá sen chứa một hàm lượng khá cao các chất thơm, 40% các chất đó là cis-3-hexenol (Omata &al, 1992 – RIRDC), và nhiều chất có dược tính khác được được dùng trong Đông y với tên là hà diệp làm thực phẩm chức năng chống xuất huyết, mất ngủ. Hạt sen chứa nhiều loại acid amin (leucin, methionin..), acid béo (myristic,palmitic, oleic) các dẫn xuất của sterol là thực phẩm bổ dưỡng. Hạt sen là thực phẩm của thổ dân châu Mỹ. Ở Việt Nam hạt sen được dùng chế biến mứt sen và cũng dùng làm một vị thuốc vừa có tác dụng bổ và an thần, chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược. Việt nam hàng năm cung cấp từ vài trăm đến 1000 tấn hạt sen cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các bộ phận hoa và lá của sen đều đã được sử dụng, tuy nhiên cho đến nay ở các vùng khai thác các sản phẩm từ cây sen, cọng hoa và cọng lá chưa được sử dụng, gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù sự tồn tại của tơ trong ngó sen đã được biết từ lâu và đã thể hiện trong thi ca: (“Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” (Truyện Kiều). Ở Myanmar từ lâu đã có nghề dệt vải lụa từ tơ cọng sen,và sản phẩm dệt từ tơ sen đã được nhiều nước trên Thế giới biết đến. Việt Nam chưa có một cá nhân hay tổ chức nào nghiên cứu, tìm hướng phát triển lụa từ tơ sen.

II. NGHIÊN CỨU SỢI TƠ SEN

1. Sợi tơ sen

Sen là thực vật có mạch (tracheophyte), cây tự điều chỉnh nước (plant homoiohydric), hàm lượng nước trong nguyên sinh chất tương đối ổn định, quá trình thoát nước bị kiềm chế khi nguồn cung cấp nước bên ngoài giảm. Hệ mạch rất phát triển được cấu tạo với tế bào có xyloglucan trong vách thứ cấp hình thành các mô có chức năng chống chịu cơ học… Liên bào được hình thành trên cơ sở liên kết các tế bào tracheids cả ở gỗ sơ cấp (protoxylem) và gỗ thứ cấp (metaxylem). (Các tracheid ở gỗ sơ cấp có đặc trưng là sớm thành thục trong khi cơ quan thực vật đang tiếp tục phát triển, có các quản bào hẹp dạng vòng hoặc xoắn làm dầy thêm khi cơ phát triển theo chiều dài, cơ quan càng dài ra thì gỗ sơ cấp càng bị căng ra và nén chặt lai, những tế bào mô gỗ thứ cấp có vách tế bào dầy. Các tế bào tracheid có dạng G hoặc S (H.1) có vách lưới dầy ở lớp trong của ống mạch của cọng được sắp xếp theo kiểu xoắn với mật độ phân bố gân khá dầy. Các mạch dẫn tạo thành sợi và sợi liên kết làm tăng sức chống chịu cơ học cho cọng sen. Những quản bào của sợi hầu như thích ứng với chức năng dẫn nước đồng thời đảm nhiệm chức năng cơ học, nhờ hình dạng đặc thù của chúng. Sợi tơ tạo thành mạch gỗ trong các bó gỗ vì vậy phần cọng nào nhiều mạch gỗ, nơi đó nhiều tơ.

Mô hình trồng sen lấy sợi ở Phùng Xá – Hà Nội.

Cấu trúc của vách tế bào trong mô gỗ cọng sen còn có những đặc điểm thể hiện trong vách tế bào. Chất cơ bản tạo khung vách tế bào là cellulose. Trong những tế bào trưởng thành, cellulose kết tụ lại thành những đơn vị cấu trúc lớn hơn gọi là sợi sơ đẳng (elementary fibril) và những sợi sơ đẳng đó kết tụ lại thành thực thể giống như sợi chỉ gọi là vi sợi (microfibril). Những vi sợi có thể quan sát được bằng hiển vi điện tử và những vi sợi lại kết thành sợi (macrofibril) (H.5). Sự tồn tại và cấu trúc của sợi là thực thể dễ nhận biết.Vi sợi và sợi liên kết thành màng của vách tế bào và cuối cùng các màng đó hình thành những lớp vách. Sự khác biệt dễ nhận thấy sợi tơ sen là mức độ mộc hóa (lignification) cao. Trong vùng này các vi sợi sắp xếp lộn xộn không trật tự và không đều, đan xen nhau thành mạng luới giãn ra được trong quá trình phát triển của sợi cellulose. Ngoài cellulose, thành sơ cấp còn chứa hemicellulose gồm nhiều carbohydrat khác nhau, đặc biệt ở thực vật thủy sinh là xyloglucan. Chất này cùng với lignin tham gia vào gắn kết hai lớp màng của vách tế bào được gọi là hợp chất màng giữa (compound middle lamella). Bằng kính hiển vi sẽ không phân biệt được chất tạo thành vách và chất liên kết màng vách nhưng có thể suy đoán là thành phần lignin khá cao. Đây là những vấn đề tồn tại cần được nghiên cứu.

Lignin là cao phân tử vô định hình có khối lượng phân tử lớn không xác định. Vì Lignin không hòa tan trong các dung môi thông thường và cũng là chất dễ bị biến đổi trong những điều kiện bình thường nên một trong những vấn đề khó trong nghiên cứu là việc phân lập lignin trong mô thực vật nói chung và trong cọng sen nói riêng, với mong muốn bảo toàn nguyên vẹn cấu trúc hóa học và các tính chất thiên nhiên. Bằng nhiều thực nghiệm người ta đã tách được từ lignin của nhiều loài cây trong quá trình phân giải sản phẩm được hình thành bởi các đơn vị phenylpropane: propylcyclohexane, Guaiacyl; Syringyl,v,v…Trong các loài thực vật khác nhau thành tố của lignin có khác nhau ít nhiều nhưng cơ bản giống nhau, có thể phân thành 3 loại: lignin của cây lá kim; lignin cây lá rộng và lignin các loài thảo. Lignin của cọng sen chắc chắn thuộc loại thứ 3 này. Lignin ít háo nước giữ vai trò bao bọc hydrat cacbon, làm giảm thiểu tác động của nước bảo toàn sức bền cơ học của mô gỗ khi bị nước thấm vào.

Tính chất cơ học của sợi tơ phụ thuộc chủ yếu vào cellulose, cấu tử có độ bền cao do có cấu trúc mạch phân tử dài. Tuy nhiên, các cấu tử hóa học khác của sợi cũng có những vai trò nhất định đối với sức bền cơ học và tính chất vật lý của sợi. Vai trò của thành phần hóa học đối với tính chất cơ học có thể xem xét về mặt lý thuyết trên 3 cấp độ: cấp thô đại (macroscopic) tế bào (cellular); cấp vi mô (microscopic) vách tế bào (cell wall) và cấp phân tử (molecular) polyme. Trong nghiên cứu này điều kiện thực nghiệm chỉ cho phép xem xét ở cấp thô đại.

Cấp thô đại: Sợi với sức bền vốn có là sản phẩm của cây tạo ra trong quá trình sinh trưởng. Trong cấu tạo của thân cây có những dải tế bào sắp xếp thành những vòng đồng tâm với những chức năng riêng biệt.. Những tế bào sớm trong vách mỏng tạo thành mô dẫn truyền với những tế bào.

Thành vách dầy có chức năng tạo sức chống đỡ. Sợi cây của cọng sen có chiều dài của cọng sen giống như các loài cây có vỏ cho sợi, thường dài khoảng 0,5m và có đường kính khoảng 0,015mm. Những sợi đó kết hợp thành “tấm” kết dính bởi lignin. Những tấm sợi đó vốn sắp xếp dị hướng nhưng được gia cố trong hai hoặc 3 hướng trục bởi các tế bào nhu mô dọc và nhu mô tia. Những tế bào nhu mô đó vận hành như một phương tiện dẫn truyền chất dinh dưỡng dọc hay ngang và đồng thời phân bố lực chống đỡ giống như beton trong xây dựng.

Tơ sen là sợi thực vật mới được khai thác ở một vài khu vực ở Đông Nam Á, chủ yếu là Myanmar và Campuchia, Việt Nam đang nghiên cứu thăm dò, mới có kết quả bước đầu. Tài liệu về tơ sen chưa nhiều. Ở Trung Quốc có “Trung tâm Đổi mới công nghệ dệt may” nghiên cứu về cấu trúc hình thái, vật lý và hóa học của sợi sen. Ở Việt Nam, Viện Kinh tế Sinh thái cộng tác với Viện Dệt may nghiên cứu về giải phẫu và tính chất cơ vật lý của sợi tơ sen, trồng và sử dụng tổng hợp cây sen (trong y học truyền thống kết hợp với dùng sợi tơ sen).

Sợi tơ sen là sợi thực vật có bản chất là cellulose, nhưng có cấu trúc đặc biệt của thực vật thủy sinh. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dệt may Việt Nam, “Cellulose sen có cấu trúc xoắn ốc, sắp xếp cạnh nhau theo chiều dài. Hàm lượng cellulose trong sợi tới 62,5% khối lượng. Hemicellulose với hàm lượng xyloglucan cao cùng với lignin tạo thành chất liên kết của bó sợi nhưng rất dễ chuội khỏi vi sợi cellulose để thu được tơ sợi sạch. Sợi có đường kính từ 3,9 đến 4,5 micro met (phần triệu mét) và chiều dài hầu hết từ 14 đến 40mm, tương đương với chiều dài của sợi bông trồng trên đảo (Sea land coton). Như vậy, sợi của tơ sen thuộc loại siêu mịn có bề mặt sợi nhẵn, tương đương với kích thước của sợi tổng hợp. Tỷ lệ L/D (chiều dài/đường kính)= 104 phù hợp với tiêu chí của sợi dệt. Tơ sợi sen bền, độ bóng cao, nhuộm nhanh, mau khô, mềm, không nhàu và thoáng khí”. Với các đặc tính đó, vải tơ sen có thể dùng cho những trường hợp đặc biệt như khăn quấn cổ, áo cho các vận động viên thể thao…

2 Giá trị của sản phẩm sen

Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Myanmar là nước đầu tiên có nghề dệt vải lụa từ tơ thân Sen gắn với tín ngưỡng Phật giáo. Ra đời khoảng từ năm 1910, nghề dệt vải lụa từ tơ thân Sen của Myanmar được hình thành một cách tự phát, sản xuất mang tính thủ công với khởi nguồn từ ngôi làng KyaingKan (Chaing Kham) – cực nam của Hồ Inlay với sản phẩm ban đầu là tấm áo cà sa dâng lên các nhà sư trụ trì trong vùng. Hiện đã có thêm làng nghề dệt vải từ thân cây Sen InPawKhon.

Hiện nay ngành này chưa được Chính phủ Myanmar đầu tư, phát triển, nên một số doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, gắn với du lịch trên vùng hồ Inlay. Sản phẩm chủ yếu hiện nay là khăn quàng, ví, mũ, áo choàng, áo cà sa… với chất liệu từ thân cây Sen; có sự hợp tác với các doanh nghiệp thời trang quốc tế nên giá trị kinh tế của các sản phẩm được tăng cao (giá cả từ vài chục USD đến vài ngàn USD/sản phẩm). Điều đó mang đến những lợi ích kinh tế và tiềm năng phát triển cho ngành này, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân ở nông thôn.

Gần đây, nhiều hãng thời trang quốc tế phối hợp với các doanh nghiệp của Myanmar và Campuchia để đầu tư, phát triển các sản phẩm dệt từ thân cây Sen:

Ví dụ: Năm 2009, tập đoàn thời trang nổi tiếng từ Ý là Loro Piana Group đã đầu tư sản xuất vải và thời trang từ lụa tơ Sen tại Campuchia theo truyền thống của Myanmar. Loro Piana đã thành công trong việc đăng ký thương hiệu “Loro Piana vải hoa Sen”, xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ và chào bán sản phẩm thời trang từ sợi, vải từ thân cây Sen với giá hàng từ vài trăm đến vài ngàn USD.

Năm 2012, Công ty Samatoa (từ Loro Piana) với sản phẩm vải lụa từ tơ cọng Sen, đã được trao “Giải thưởng Xuất sắc của UNESCO” vì đã góp phần cải thiện điều kiện sống cho phụ nữ Campuchia thông qua các chương trình đào tạo chất lượng và chuyên nghiệp mang tính bền vững.

Cũng theo nhận định của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, vải lụa từ tơ Sen là sản phẩm mới, được quốc tế biết đến chỉ trong hơn 10 năm qua, nhưng đã có chỗ đứng trên thị trường thời trang cao cấp thế giới. Sản phẩm vải lụa từ tơ Sen đã và đang được xuất khẩu đi các nước Nhật, Ý, Đức, Áo, Mỹ… hiện vẫn chỉ do Myanmar và Campuchia cung cấp. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào về dệt lụa tơ Sen của tập thể hay cá nhân nhà khoa học nào của Myanmar được thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp. …). Cọng thân cây Sen là nguyên liệu tơ sợi đã được dùng ở Myanmar, Campuchia… nhưng ở Việt Nam chưa được khai thác, bị thải bỏ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nghề dệt tơ sợi Sen hình thành và phát triển từ hơn 100 năm ở Myanmar, đến nay đã xuất hiện ở một số nước châu Á. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất từ sợi của thân cây Sen có giá trị kinh tế cao do những giá trị gắn với tín ngưỡng Phật giáo. Bên cạnh đó, việc tổ chức các loại hình du lịch tham quan làng nghề dệt vải từ sợi cây Sen đã làm gia tăng giá trị kinh tế sản phẩm và cải thiện đời sống của người dân vùng sản xuất.

3. Điều kiện sinh thái của Sen

Hiện chưa có tài liệu về sinh thái của Sen, chỉ có thể thấy một số đặc điểm của nơi trồng sen được ghi nhận qua kinh nghiệm canh tác. Môi trường phân bố của sen rất khác nhau tùy thuộc giống và sự thích nghi của các giống ở các địa phương.

Nói chung, Sen thích hợp với khí hậu ấm, từ ôn đới tới nhiệt đới với nhiệt độ ban ngày trung bình 25ºC. Sen không chịu được băng giá, tuy nhiên sen có chu kì nghỉ đông, nên ở những vùng có thời kì nhiệt độ thấp, sen tàn qua mùa đông mọc lại (ở miền Bắc nước ta, vùng chịu ảnh hưởng gió mùa đông bắc, hoa bị tàn lụi mùa Đông nhưng phục hồi khi xuân sang và lại nở hoa vào mùa Hạ). Trong kinh doanh sen ở các vùng lạnh người ta rất coi trọng kĩ thuật giữ giữ giống qua đông. Từ Đà Nẵng tới Cà Mau Sen phát triển quanh năm, nhưng trong các vùng đất ngập nước Miền Trung không thấy sen phát triển như ở Nam Bộ.

Bùn có vai trò neo rễ và là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, điều tiết pH cho cây trồng, do đo kết cấu của lớp bùn phải đủ nhuyễn và hấp thụ được các chất hữu cơ, vô cơ để nuôi cây. Ở những nơi bùn quá nhiều chất hữu cơ có nguồn gốc khác lạ với nhu cầu dinh dưỡng của sen đều gây hại, vì vậy việc xả chất thải xuống nơi trồng sen phải được kiểm soát.Phân bón vô cơ có cỡ hạt lớn hơn hạt cát có trong bùn đất lòng hồ cũng cần được xử lí trước khi bón cho sen.

Nước trồng sen phải có độ sạch cần thiết để cây sinh trưởng. Trong ao hồ trồng sen không thể nuôi các giống động vật, thực vật thủy sinh hại cây trồng. Do đó, thiết kế hồ, ao trồng sen, ngoài việc thiết lập lớp đất nền phải có hệ thống bơm để duy trì chế độ nước. Độ pH thích hợp với sen nằm trong khoảng 6, 0 đến 6, 5. Tuy nhiên tùy giống sen chỉ số này có thể thay đổi trong phạm vi từ 5,5 đến 8,0. Cần chú ý đến việc duy trì ổn định pH, tránh bị tác động từ môi trường lân cận hồ nước.

Sen có thể chịu được độ mặn nhất định. Thực tế cho thấy ở Đồng bằng sông Cửu Long đất phèn chiếm 45,8%, đất phù sa chỉ chiếm 35,4% nhưng thảm thực vật sống ở trên mặt nước chủ yếu là sen và súng; Sen mọc hoang xanh quanh năm, hầu như hoàn toàn thích nghi với môi trường nước và điều kiện khí hậu nơi đây.

Hiện nay, chưa có mô hình trồng sen lấy tơ sợi ở nước ta. Việc quy hoạch cho kinh doanh cũng chưa có. Chọn lập địa, giống cây, kĩ thuật canh tác… còn tạm thời dựa vào tự nhiên và kinh nghiệm của nông dân được tổng hợp như sau:

4. Các vùng có thể thích hợp trồng sen lấy sợi

– Đồng bằng Sông Cửu Long

Đồng Tháp Mười là “đồng ngập lụt kín” của sông Cửu Long, có diện tích 630.000 ha bị ngập nước vào mùa mưa với độ sâu 1 – 3m trong 4-5 tháng trên diện tích 500.000 ha. Khí hậu gió mùa ở mức độ cao với lượng mưa hàng năm thường dao động khoảng 1.500 – 2.000mm. Trong mùa mưa, bắt đầu từ tháng 5 tập trung vào tháng 9 tháng 10, lượng mưa phân bố khá đều. Nhiệt độ trung bình thấp nhất 20-23ºC (tháng1) và cao nhất 32-34ºC (tháng 4).. Hiện nay, có hàng trăm ha Sen Hồng (Nelumbo nucifera.) mọc tập trung; Tại Vườn quốc gia Tràm chim (Đồng tháp mười) nhóm thực vật sen là những thực vật chính, chiếm vai trò quan trọng trong đất ngập nước nội địa vùng Đồng Tháp Mười (Phan Quốc Khánh, 1996). Nhóm thực vật này được xem là nhóm thực vật thủy sinh có chức năng sinh thái tạo ra một sinh cảnh hài hòa với nhiều loài động vật (cá, chim, bò sát), vừa có vai trò cung cấp thực phẩm cho con người, vừa góp phần tạo sự đa dạng về loài (Thái Văn Vinh) chính vì vậy nhóm thực vật sen cần dược bảo vệ và phát triển. Ngoài Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang và Trà Vinh cũng có điều kiện phát triển Sen

-Đồng bằng Bắc bộ

Vùng ngập nước Xuân Thủy Nam Định thuộc đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Xuân Thủy gồm đồng bằng trong đê (đồng bằng ven biển) và ngoài đê (bãi triều). Đất ngập nước được cung cấp nước và phù sa Sông Hồng. Tại cửa Ba Lạt có hai con sông thoát nước chảy qua Vườn Quốc gia Xuân Thủy là sông Trà và sông Vọp, ngoài ra còn có lạch thoát nước (H.Q. Quỳnh và V.T. Hương – Viện KH&CNVN – 2011). Xuân Thủy có đất phù sa được bồi hàng năm, có đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm nhưng có mùa lạnh từ tháng 11 đến Tháng 4 năm sau.

Vùng đất ngập này có dòng chảy môi trường và đất phù sa bồi lắng có thể được coi là phù hợp với phát triển sen. Tuy nhiên, vùng này có mùa lạnh kéo dài với nhiệt độ trung bình dưới 18ºC.

Ngoài vùng đất ngập tập trung, nơi thích hợp với trồng sen là những vùng lầy rải rác ở các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình…

5. Giống cây trồng.

Việc chọn giống cây trồng để lấy tơ sợi chưa được tiến hành, dưới đây là một số loài sen đã được trồng trong dân gian để lấy hoa: đất ngập , ao, hồ, đầm… Theo Nguyễn Huy Thắng và Nguyễn Thị Tâm, ở Miền Bắc hiện có 15 nguồn gen cây sen tại 4 tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội.Tên gọi các giống cây sen rất đa dạng và cũng phản ánh sự đa dạng của vùng trồng. Có 11 giống cây sen được trồng tại các ruộng trũng đất ngập gồm các giống sen được thu thập tại: Mão Điền – Thuận Thành – Bắc Ninh, Sơn Đà – Ba Vì – Hà Nội, Mộc Bắc và Mộc Nam – Duy Tiên – Hà Nam. Đồng thời 4 giống hoa sen còn lại được trồng tại ao đầm của các địa phương như Chuyên Ngoại – Duy Tiên – Hà Nam, Ninh Giang – Hải Dương và Trạm Lộ – Thuận Thành – Bắc Ninh. Như vậy tại mỗi một địa điểm trồng sen khác nhau thì phương thức canh tác cũng không giống nhau có thể trồng tại các ao, đầm hoặc ruộng trũng, đất ngập cho phù hợp. Ngoài những giống sen trồng phổ biến, còn những giống đặc biệt, được trồng làm cảnh như: Sen Quan Âm , Sen Cung Đình, Sen Đỏ Huyết, Sen Nghìn cánh,v.v.. Tên dân gian được gọi theo công dụng của giống như sen ướp chè hoặc theo kích thước hình dạng hạt sen như sen lai hạt dài, sen dé hạt tròn hoặc theo màu sắc của gương sen, cánh hoa sen như sen bát xanh, sen bát tía, sen cánh hồng…

Cách gọi tên gắn liền với đặc điểm của giống sen vừa nêu được đặc tính đặc trưng của giống, vừa thân thuộc dễ nhớ để phân biệt các giống sen với nhau. 15 giống sen nói trên đều là các giống đã được trồng tại địa phương trên 10 năm với mức độ phổ biến thấp (<5% các hộ trồng).. Bởi vậy công tác thu thập, bảo tồn giống hoa sen ngày càng trở nên bức thiết.

6.Thời vụ trồng sen

Ở miền Bắc sen được trồng vào mùa xuân; ở miền Nam và Tây Nguyên trồng vào mùa mưa. Ở miền Bắc sen tàn lụi hết vào mùa đông; mùa hạ năm sau có hoa.

Khi mới trồng chỉ cho nước tới 2/3 thân rễ, sau 3-4 tháng, khi có chồi dài mới cho nước ngập. Ở cùng độ sâu của nước từ 60-70cm, sen Tây Hồ sinh trưởng khác biệt giữa năm thứ nhất và năm thứ hai. Chiều cao cây ở năm thứ hai đạt được cao hơn năm thứ nhất tới 46cm. Điều này có thể là do năm thứ 2 cây được phát triển từ gốc của các cây năm thứ nhất nên phát triển tốt hơn. Thông thường trong năm thứ nhất chiều cao của hoa tương đương hoặc cao hơn chiều cao của lá chút ít nhưng năm thứ hai chiều cao của hoa hơn lá so đến 45cm.

Thời gian trồng đến khi ra lá thật (cuống lá đứng) ở năm thứ nhất là 40 ngày, năm thứ hai là 30 ngày. Như vậy ở năm thứ nhất thời gian hình thành lá thật kéo dài hơn năm thứ 2 tới 10 ngày. Đây có thể là thời gian cây mới hồi phục sau khi trồng để hình thành một quá trình sinh trưởng trong điều kiện trồng mới.

7. Thu hoạch cọng sen

Trồng sen lấy sợi và sản xuất tơ sen ở Việt Nam còn đang được nghiên cứu. Theo kinh nghiệm của Myanmar, nguyên liệu để lấy tơ có thể là cọng lá hoặc cọng hoa. Song hoa còn được dùng cho mục đích khác nên hầu hết nguyên liệu là cọng lá sen.

Cọng sen trồng ở hồ nước cho tơ sen nhiều hơn cọng sen trồng ruộng do khả năng cho cọng dài và to hơn.

Cọng của sen có lá non, còn khum chưa mở rộng hết cho tơ sen tốt và nhiều hơn. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất người ta thu hoạch gom tất cả cọng lá non, lá già, lá ở vùng nước cạn và nước sâu. Mùa thu hoạch nguyên liệu ở hồ Inlay là từ tháng 6 cho đến tháng 11 hàng năm, Trong mùa mưa mực nước hồ dâng cao, cây sen phát triển mạnh, cọng lá dài. Cọng lá sen thu hoạch thời điểm này trung bình dài từ 1,5-2m. Ở hồ Inlay, có sen hồng, sen trắng, sen vàng. Theo kinh nghiệm, sen hồng được đánh giá cao nhất vì có chất lượng và số lượng tơ cao hơn các loại sen khác.

Sản xuất vải từ sợi sen là một quá trình thủ công năng suất thấp, cần kĩ năng dự vào kinh nghiệm của người thợ.Cần khoảng 32.000 cọng để dệt được 1,09 mét vải; khoảng 120.000 cọng cho một bộ trang phục. Thông thường cần khoảng 25-30 lao động cho công đoạn chuẩn bị sợi cho một khung cửi dệt.

Vải từ sợi sen là sản phẩm thủ công truyền thống, tự phát, có tính khác biệt của người dân trên hồ inle ở Myanmar. Sản xuất vải từ sợi sen chỉ có công đoạn tách sợi sen từ cọng sen là khác biệt, kỹ thuật sản xuất ở các công đoạn khác tương tự như sản xuất vải thổ cẩm ở Việt Nam.

Sản xuất vải từ sợi sen tốn nhiều lao động do sản xuất theo phương pháp thủ công, chất lượng sợi không đều, chủ yếu là nguyên liệu sợi thô như sợi đũi tơ tằm nhưng mềm hơn.

III. Triển vọng phát triển công nghệ sản xuất sợi Sen ở Việt Nam

1. Thuận lợi

Dệt thủ công với tơ sợi thiên nhiên như tơ tằm, sợi gai, sợi bông… vốn là nghề cổ truyền ở Việt Nam. Hiện nay, có nhiều làng nghề dệt truyền thống, đội ngũ lao động thủ công đông đảo, tay nghề cao vẫn đang tồn tại và phát triển. Nghề dệt lụa ở đồng bằng và dệt thổ cẩm ở Miền núi sản xuất nhiều loại sản phẩm thủ công xuất khẩu. Tuy nhiên, ở Việt Nam công nghệ sản xuất sợi tơ Sen chưa có truyền thống như ở Mayanmar và Campuchia, không có các công trình nghiên cứu về tơ sen chỉ tiến hành các công trình nghiên cứu các sản phẩm từ cây sen làm thực phẩm và dược liệu.

Làng nghề dệt truyền thống ở Việt Nam có thể tiếp thu kinh nghiệm truyền thống từ Myanmar, Campuchia, kết hợp với sự sáng tạo kỹ thuật và công nghệ hiện đại để khai thác sợi từ cọng Sen và phát triển nghề dệt.

Khai thác cọng sen lấy sợi sẽ bổ sung cho nghề dệt một nguồn sợi thiên nhiên tái tạo được đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa và xuất khẩu, trước hết là nhu cầu của du lịch. Những sản phẩm dệt thủ công như thổ cẩm, lụa, gấm… dệt bằng tơ sợi tự nhiên bằng bàn tay của thợ thủ công Việt Nam rất được khách du lịch nước ngoài và trong nước ưa chuộng. Lụa dệt từ thân cây Sen khi được sử dụng để may những sản phẩm thời trang, văn hóa tâm linh có giá trị kinh tế cao hơn so với sản phẩm tương tự làm từ sợi, hay tơ lụa khác.

Trồng sen lấy sợi và dệt lụa từ sợi sen sẽ tạo ra công việc cho phụ nữ nông thôn và làng nghề dệt thủ công, là một nguồn thu nhập cho địa phương có đất ngập nước thích hợp với trồng Sen.

Khai thác sợi sen không chỉ vì lợi ích kinh tế mà vì môi trường. Thân cây sen vốn là rác thải của quá trình thu hoạch, chế biến xem làm được liệu, thực phẩm…, Sản xuất sợi từ thân sen góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường ở nông thôn.

– Khai thác và dệt tơ sen không đòi hỏi vốn đầu tư lớn; các làng nghề dệt truyền thống ở Việt Nam có thể không cần đầu tư mới trang thiết bị.

2. Khó khăn

Trồng sen và phát triển nghề dệt tơ sen có tiềm năng rất lớn đối với Việt Nam… Tuy nhiên, việc khai thác và sản xuất sợi từ thân cây Sen để tạo ra các sản phẩm như của Myanmar và Campuchia lại chưa có kinh nghiệm, chưa có bí quyết công nghệ và kỹ thuật chăm sóc, trồng và khai thác sợi từ thân cây Sen.

Nguồn nguyên liệu Sen ở Việt Nam dồi dào, có sen mọc tự nhiên và sen trồng nhưng giống cây trồng để khai thác sợi chưa được tuyển chọn. Chưa có kĩ thuật thâm canh để đảm bảo năng suất và chất lượng sợi. Giải quyết vấn đề này cần thời gian và đầu tư và đào tạo chuyên gia, công nhân kĩ thuật.

Phát triển nghề trồng sen lấy sợi và sản phẩm dệt từ tơ sen có triển vọng phát triển ở Việt Nam. Có cơ hội học tập kinh nghiệm từ Mayanmar là một thuận lợi rất lớn để rút ngắn được thời gian nghiên cứu Dự án chuyển giao công nghệ với sự hợp tác của nước ban Mayanmar cần được thực hiện nghiêm túc với sự cố gắng rất nhiều từ phía Việt Nam.

Để hình thành được một ngành nghề mới, cần có quy hoạch vùng nguyên liệu, xác định tiềm năng phát triển, dự báo xu hướng thị hiếu của khách hàng. Vì vậy, nội dung nghiên cứu của đề tài là nhằm giải quyết những vấn đề sau đây:

– Điều tra hiện trạng phân bố sen, tình hình sử dụng đất ngập nước, xác định quy hoạch vùng đất ngập nước có thể trồng sen.

– Nghiên cứu sợi từ các giống sen khác nhau làm cơ sở cho việc lựa chọn giống để trồng phát triển, xây dựng mô hình khai thác và sản xuất sợi sen.

– Dự báo hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường, những thách thức của việc tổ chức sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.

– Chuyển giao được kỹ thuật dệt sợi từ tơ sen để phát triển sản xuất ở Việt nam.

Hà Chu
Viện Kinh tế Sinh thái