Trồng rừng gỗ lớn ở các tỉnh miền núi

BVR&MT – Ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng có hơn 200.000ha rừng trồng sản xuất. Tuy nhiên, trước đây, phần lớn những diện tích này trồng cây gỗ nhỏ, giá trị kinh tế thấp. Do đó, thời gian qua, các tỉnh này đang đẩy mạnh chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Người dân xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn khai thác gỗ rừng trồng. (Ảnh THANH TUYỀN)

Việc trồng rừng gỗ lớn bước đầu đã đạt những kết quả đáng khích lệ trong nâng cao thu nhập cho người trồng.

Hiệu quả từ cây gỗ lớn

Gia đình anh Triệu Phúc Phượng ở xóm Khe Cạn, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) trước đây trồng 15ha rừng keo, chu kỳ khai thác từ 6-7 năm, tuy mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng không cao. Từ năm 2019, được vận động, tư vấn, anh chuyển 10ha sang trồng rừng gỗ lớn với hai loại cây là dổi xanh và chò chỉ. Anh Phượng chia sẻ: “Chỉ vài năm nữa, khi cây dổi được sáu năm tuổi sẽ cho thu quả. Mỗi cây cho thu từ 4-5kg quả, giá bán khoảng 2 triệu đồng/kg có thể thu 10 triệu đồng/cây. Mỗi héc-ta trồng 1.000 cây sẽ mang lại khoản thu nhập không nhỏ”.

Ông Triệu Thanh Hải, ở phường Duyệt Trung, thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) đã đầu tư 100ha rừng, trong đó, có 20ha cây keo thành rừng gỗ lớn. Ông Hải chia sẻ: “Trồng rừng gỗ lớn mất nhiều thời gian và chi phí hơn, nhưng hiệu quả kinh tế có thể cao gấp 3 đến 4 lần trồng rừng gỗ nhỏ. Trên thị trường gỗ keo từ 5 đến 7 năm tuổi được tư thương thu mua giá 1,2 triệu đồng/m3. Trong khi đó, gỗ keo lớn có giá thu mua 4,5 triệu đồng/m3, gấp gần bốn lần gỗ keo nhỏ”.

Từ nguồn vốn Dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” (gọi tắt là KFW8), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì với sự tài trợ của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Ðức thông qua Ngân hàng Tái thiết Ðức (KFW), tỉnh Bắc Kạn đầu tư gần 3 triệu euro để giúp người dân cải tạo rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn.

Dự án hỗ trợ tỉa thưa, trồng xen cây bản địa đối với 2.100ha rừng keo tại huyện Chợ Mới và 1.300ha rừng thông tại huyện Ngân Sơn. Người dân được hướng dẫn tỉa những cây còi, xấu, cành sâu để giảm mật độ cây keo từ 2.500 cây/ha xuống 400 cây/ha, cây thông giảm từ 2.000 cây/ha xuống 600 cây/ha. Dự án hỗ trợ giống cây gỗ lớn bản địa gồm lim xanh, dổi, trám trắng…; đồng thời hỗ trợ phân bón để người dân trồng xen vào rừng tỉa thưa, góp phần nâng cao đa dạng sinh học, đến khi khai thác thông, keo người dân lại có tầng cây gỗ lớn bản địa mới.

Thực hiện theo dự án, mỗi héc-ta keo tăng giá trị kinh tế gấp từ 2,5 đến 3 lần; cây thông tăng giá trị gấp từ 2 đến 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ. Theo tính toán, nếu trồng cây gỗ nhỏ bình quân 1ha, sau 7-8 năm khai thác được 80m3 gỗ, thu được khoảng 50-60 triệu đồng/ha, trừ chi phí trồng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển khoảng 20 triệu đồng thì lợi nhuận thu được không đáng kể. Trong khi trồng rừng gỗ lớn dù có thời gian đến kỳ khai thác lâu hơn nhưng lại cho lợi nhuận trung bình hằng năm cao hơn từ 2-3 lần, chưa kể những lợi ích về môi sinh mà rừng gỗ lớn mang lại… Do đó, hầu hết các huyện, thành phố có lợi thế, tiềm năng trồng rừng ở ba tỉnh đã đề ra lộ trình rất cụ thể để phát triển rừng gỗ lớn.

Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Kạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết: “Bắc Kạn đã sớm xác định rừng gỗ lớn là trọng tâm trong phát triển rừng. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 15.000ha rừng gỗ lớn và đã hoàn thành mục tiêu này; đến năm 2022 đã nâng lên hơn 18.000ha. Vẫn có những khó khăn dẫn tới chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn chưa như kỳ vọng, tuy nhiên, đây vẫn là mục tiêu lâu dài của tỉnh”.

Đến nay, riêng đối với rừng gỗ lớn, ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng đã có khoảng 20.000ha, được quản lý chặt, hứa hẹn tạo vùng nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Nhiều nhà máy chế biến gỗ ở ba tỉnh đã có thị trường xuất khẩu ổn định tại Mỹ, Trung Quốc và các nước EU.

Mở rộng diện tích

Mặc dù hiệu quả kinh tế rừng gỗ lớn cao hơn hẳn rừng gỗ nhỏ, nhưng việc phát triển rừng gỗ lớn ở các tỉnh miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, bài toán khó giải nhất chính là người dân không có điều kiện “lấy ngắn nuôi dài” khi cây gỗ lớn cần thời gian dài để cho thu hoạch.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 300 cơ sở chế biến ván bóc, ván dăm, ván ép tiêu thụ đủ loại kích cỡ gỗ, kể cả gỗ keo non mới từ 3 đến 7 năm tuổi. Rừng keo 4-5 năm tuổi và rừng mỡ khoảng 6-7 năm tuổi là thời kỳ cho sinh khối lớn nhất, tốc độ phát triển nhanh nhất. Thời điểm này, rừng trong độ tuổi vừa khép tán, tạo mùn, giữ ẩm thì đã bị khai thác, dẫn đến tình trạng đất bị xói mòn.

Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân gặp khó khăn trong cuộc sống, cần tiền để mua sắm, chi tiêu… nên đã phải bán rừng non, dẫn tới sản lượng gỗ thấp, đất bị quay vòng nhanh, bạc màu. Tình trạng này diễn ra ở cả ba tỉnh với số lượng các cơ sở chế biến ván bóc, ván dăm, ván ép rất lớn. Ở cả ba tỉnh, nhiều hộ dân chưa nhận thức rõ về giá trị từ rừng gỗ lớn. Tại Cao Bằng, diện tích rừng gỗ lớn chưa đáng kể và chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hơn 16.000ha rừng đã trồng.

Theo Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng, nguyên nhân do chủ rừng muốn nhanh chóng hưởng lợi từ trồng rừng, chưa đầu tư thâm canh. Nhiều hộ không tuân thủ thiết kế, trồng rừng với mật độ cây quá dày, lên đến 2.000 cây/ha dẫn đến không gian sinh trưởng, phát triển của cây trồng bị hạn chế và khó tỉa thưa để chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Dự án KFW8 được coi là động lực phát triển rừng gỗ lớn thì chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Tại Bắc Kạn, nhiều hộ không thực hiện trồng cây do lo ngại trâu, bò phá hoại; các hộ gia đình tham gia dự án không có nguồn nhân lực, cây quá tuổi, cây chết do sâu bệnh hại… không bảo đảm tiêu chí để tham gia; các lô rừng xa đường vận chuyển, xa nhà nên đi lại và thực hiện tỉa thưa mất rất nhiều thời gian.

Trên địa bàn một số xã có các đội khai thác, các chủ xưởng thường cho người dân vay tiền để làm kinh tế, sau đó vận động người dân khai thác hết và bán cây cho họ với nhiều lý do, như: đến kỳ hạn phải trả tiền vay, giá trả cao hơn so với giá thị trường… Vì lẽ đó, nhiều hộ đã bỏ không tiếp tục tham gia dự án.

Trước những hạn chế này, các tỉnh đang tập trung tuyên truyền, vận động, ban hành các chính sách hỗ trợ hiệu quả để khắc phục, đề ra mục tiêu cụ thể. Chi cục trưởng Kiểm lâm Cao Bằng Hoàng Thị Duyên cho biết: “Chúng tôi đưa nội dung phát triển rừng gỗ lớn vào Nghị quyết Đại hội Chi bộ Cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2022-2025, coi đây là nhiệm vụ chính trị.

Đơn vị sẽ rà soát, khảo sát diện tích rừng trồng để hướng dẫn kỹ thuật và vận động người dân trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời, đưa các chủ rừng đi tham quan, học tập tại các mô hình trồng rừng gỗ lớn có hiệu quả”.

Tháng 5/2022, tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, riêng đối với phát triển rừng gỗ lớn, tỉnh hỗ trợ thiết kế trồng rừng, hỗ trợ 60% đơn giá cây giống, 40% phân bón, chi phí chăm sóc 4 triệu đồng/4 năm đối với chủ rừng trồng cây lâm nghiệp đa mục đích có diện tích từ 0,3 ha trở lên.

Tỉnh ủy Thái Nguyên quyết định trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha đối với cây bản địa (cây phát triển chậm); hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với cây keo, mỡ (cây phát triển nhanh); hỗ trợ 2,8 triệu đồng/ha để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Tỉnh cũng hỗ trợ 5 triệu đồng/ha quế, là loài cây dược liệu, có chu kỳ khai thác 20 năm.

Ba tỉnh phấn đấu từ nay tới năm 2025 sẽ mở rộng diện tích rừng gỗ lớn với nhiều diện tích rừng đạt tiêu chuẩn FSC về chứng nhận phát triển rừng bền vững.