Trong hoạt động KH&CN, “tài chính là nhất thời, phối hợp là mãi mãi”

BVR&MT – Tọa đàm do Câu lạc bộ nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức lần thứ 16 (VSL-TALK 16) diễn ra ngày 12/01/2022 với chủ đề “Cơ chế phối hợp thực hiện các đề án chiến lược quốc gia” đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học, những người quan tâm tham gia cả bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Diễn giả tại Tọa đàm cho rằng, trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), “tài chính là nhất thời, phối hợp là mãi mãi”.

Cơ chế phối hợp có vai trò quan trọng

Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Ái Việt – Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN cho biết, cơ chế phối hợp có vai trò quan trọng trong hoạt động KH&CN. Cơ chế phối hợp ở đây được các nhà khoa học đề cập tới sự hợp tác doanh nghiệp – trường – viện, kết hợp dân sự – quốc phòng; phối hợp nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Các nguồn đầu tư tài chính thông qua việc xác lập sở hữu trí tuệ minh bạch cũng được xác định là quan trọng trong bản kế hoạch. Để phối hợp tốt, cần có người đứng đầu đủ tầm, là người tập hợp, phát huy sức mạnh của đội ngũ những người làm khoa học. Theo ông, cơ chế phối hợp trong KH&CN có thể hiểu: trong bóng đá chúng ta hay nói “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi” thì trong phát triển KH&CN, chúng ta có thể nói “tài chính là nhất thời, phối hợp là mãi mãi”. Có 3 cơ chế phối hợp chủ thể là cần phải có ngay hành lang pháp lý bắt buộc về: i) phối hợp viện – trường – doanh nghiệp; ii) phối hợp quân sự – dân sự; iii) chia sẻ tài nguyên và nguồn lực. Nếu nói chính sách thì đều có cả, nhưng thực tế chỉ ở mức khẩu hiệu. Quan trọng nhất là cơ chế và phải bắt buộc.

Phối hợp chủ thể vẫn chưa đủ, phải có cơ chế phối hợp cho các dự án, chương trình. Ngày nay không có sản phẩm nào thuần túy của một ngành cả. Nếu chúng ta xây dựng các sản phẩm bằng cách tích hợp các kết quả từ các đề tài, ngành riêng rẽ, chi phí, giá trị nỗ lực sẽ vượt quá việc mua chính sản phẩm đó. Các chương trình chiến lược, dự án phải đủ lớn và có mục tiêu cũng như danh mục sát với các bài toán kinh tế xã hội.

Không để hệ thống bị vô hiệu hóa bởi “một hạt bụi”

TS Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN đề xuất: các chương trình quốc gia cần có tổng công trình sư là người uy tín cao để tập hợp các nhà khoa học giải bài toán thực tiễn. Ông cho biết, khi còn làm quản lý, ông cũng trăn trở rất nhiều về vấn đề này. Theo Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN thì cơ chế phối hợp trong các chương trình, dự án giống như đồng hồ có nhiều bánh răng, cơ cấu để đưa ra kết quả thông báo giờ. Đồng hồ nào cũng rất chính xác, nhờ sự phối hợp tốt của hệ thống chuyển động. Nhưng nó có thể bị vô hiệu hóa chỉ bởi một hạt bụi.

“Cơ chế phối hợp hiện có quá nhiều hạt bụi li ti. Một nhân viên kế toán, một chuyên viên… có thể làm cho cỗ máy dừng hoặc hoạt động không hiệu quả. Cần làm sao để hạt bụi đừng rơi vào bộ máy, làm hỏng quy trình” – ông Quân nói và cho rằng, cần có chức danh tổng công trình sư tập hợp các nhà khoa học uy tín để làm ra các sản phẩm theo yêu cầu của nhà nước, xã hội.

Theo ông Quân, ở các nước có nền khoa học phát triển, chức danh tổng công trình sư được vận dụng tạo ra hiệu quả khá cao. Nếu không có tổng công trình sư để thu hút, tập hợp sức mạnh của đội ngũ các nhà khoa học thì không có sản phẩm tầm cỡ quốc gia. Tổng công trình sư phải là nhà khoa học có trình độ, uy tín để thực hiện các dự án lớn.

Hiện Việt Nam đang có các chương trình phát triển công nghệ cao, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ… TS. Quân cho biết, các chương trình đều có ban chỉ đạo, nhưng không có tổng công trình sư. Việc triển khai thực hiện nếu chỉ làm theo quy định hành chính thì rất khó tạo ra những thành tựu đột phá.

NGUỒNvjst.vn
Tags:
CHIA SẺ