Trồng cỏ Vetiver để bảo vệ các bãi thải

BVR&MT – Với công suất khai thác hàng ngày lên đến hàng trăm tấn than đá thì các lớp đất đá được đưa ra ngoài là rất nhiều, tích tụ thành những bãi thải cao lên đến 300m.  Giải pháp mà Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đưa ra là sử dụng cỏ Vetiver để bảo vệ các bãi thải tránh tình trạng trượt, lở đất đá đã được đưa ra tại triển lãm Quốc tế Công nghệ Môi trường và Năng lượng năm 2018.

Theo đó, các bãi thải của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hiện nay là rất nhiều. Để tránh tình trạng trượt, lở đất đá vào mùa mưa là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, rất nhiều giải pháp đưa ra nhằm khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan. Phương án đầu tiên chính là sử dụng trồng các loại cỏ lau, lách… nhưng chúng không phát triển được vì trong môi trường axit cao đã hạn chế khả năng phát triển của cỏ. Phương án tiếp theo là dựng các cột bê-tông chống trượt, lở nhưng do kinh phí quá cao và gây ra nhiều nguy hiểm nếu như có mưa lớn, sức chịu đựng của các cột không chịu được tải trọng lớn khi đất đá đổ xuống.

Cỏ Vetiver được gọi là “Bức tường bê tông sinh học” giải pháp hiệu quả chống sạt, lở ở các bãi thải.

Năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra chỉ thị cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là phải tìm cách giải quyết tình trạng trượt, lở đất đá trong mùa mưa sắp đến, đây là một nhiệm vụ khó khăn cho tập đoàn, các giải pháp đã được thực hiện nhưng không mang lại kết quả. Trong một lần tìm kiếm thông tin trên Internet ông Trần Miên – Cố vấn Giám đốc đã tìm ra loại cỏ Vetiver đã có mặt ở Việt Nam cách đây nhiều năm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao thành quả mà Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam làm được để bảo vệ các bãi thải.

Ông bắt đầu tìm hiểu các đặc tính của cỏ để có thể áp dụng vào các bãi thải được hay không, ông liên hệ với một công ty của Hà Nội chuyên về trồng cỏ Vetiver, tiến hành hợp tác trồng trên các bãi thải, nhưng do các bãi thải này có môi trường kiềm và axit cao nên rất khó thành công, nhưng sau 1 năm trồng thì bộ rễ của cỏ đã ăn sâu xuống đất dài hơn 2m. Đây là một thành công lớn của ông Trần Miên nói riêng và cả Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam nói chung vì đã tìm ra cách bảo vệ các bãi thải tránh tình trạng trượt, lở đất đá vào mùa mưa sắp đến.

Đây là lần thứ 3 mà tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đưa cỏ Vetiver đi triển lãm, tại triển lãm Quốc tế Công nghệ Môi trường và Năng lượng năm 2018 (ENTECH VIETNAM 2018) lần này, cỏ Vetiver nhận được sự quan tâm rất lớn từ khách tham quan vì những giá trị mà cỏ mang lại. Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đánh giá cao những nổ lực của tập đoàn trong việc bảo vệ các bãi thải vừa hạn chế khả năng trượt, lở đất đá vừa tạo mảng xanh cho đồi núi.

Giải pháp trồng cỏ Vetiver vừa bảo vệ bãi thải vừa góp phần tạo mảng xanh cho đồi núi.

Cỏ Vetiver là một loại thực vật có bộ rễ rất phát triển, mọc rất nhanh và ăn sâu trong đất, đá, cỏ có đặc tính chịu hạn tốt, đặc biệt chúng có thể sống trong môi trường ngập nước, môi trường bị ô nhiễm nặng.

Rễ có thể ăn sâu vào trong lòng đất tới 3,6m trên nền đất tốt. Bộ rễ rất lớn và dài chính là điều kiện tốt cho sự phát triển và sinh trưởng của các loài vi khuẩn và nấm, giúp cho quá trình phân hủy và hấp thụ các chất hữu cơ, Nitơ, phốt pho, kim loại nặng… Thân cỏ Vetiver mọc thẳng đứng, rất cứng, có thể đạt tới 3m chiều cao, nếu trồng dày thì chúng tạo thành hàng rào sống, kín nhưng vẫn thoáng, khiến nước chảy chậm lại và hoạt động như một màng lọc, giữ lại bùn đất.

Gian hàng của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tại Triển lãm Quốc tế Công nghệ Môi trường và Năng lượng 2018.

Hiện nay, cỏ Vetiver đã được áp dụng rộng rãi ở các bãi thải của tập đoàn. Ngoài ra cỏ còn được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào trồng số lượng lớn ở các taluy ở các trục giao thông đồi núi để tránh sạt, lở. Ngoài công dụng là bảo vệ sườn dốc, đê điều, ổn định đường cao tốc thì cỏ Vetiver còn có giá trị kinh tế rất cao, rễ của cỏ Vetiver là nguyên liệu chính để làm nước hoa Vetive, lá của cỏ có thể làm thức ăn cho trâu bò, thân của cỏ có thể làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Hữu Vũ