BVR&MT – Một nghiên cứu mới cho thấy việc tái trồng rừng không chỉ đơn thuần là che chắn trái đất bằng những chiếc lá xanh mà nó còn tạo ra những đám mây giúp bảo vệ hành tinh khỏi tia nắng mặt trời. Điều này có vẻ như thiếu logic nhưng nếu chúng ta trồng rừng, nó có thể làm mát bầu khí quyển hơn những gì chúng ta nghĩ trước đây.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton phát hiện ra rằng nhiều mô hình khí hậu không tính đến các đám mây do các khu vực có rừng tạo ra trong khi đây là yếu tố chính giúp nhiệt độ ở các khu vực này mát hơn.
Đồng tác giả Amilcare Porporato, kỹ sư dân dụng và môi trường tại Princeton cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nếu người ta cho rằng mây có xu hướng hình thành thường xuyên hơn trên các khu vực có rừng thì việc trồng cây trên các khu vực rộng lớn là có lợi và nên được thực hiện vì mục đích khí hậu.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học đặt câu hỏi về lợi ích của việc trồng lại rừng ở những vùng có độ cao trung bình – khu vực ôn hòa giữa vùng nhiệt đới và vùng cực – vì khả năng phản xạ ánh sáng mặt trời của bề mặt trái đất (còn được gọi là albedo) sẽ khá thấp khi những cây rụng lá trong mùa lạnh và điều này sẽ không hiệu quả trong việc kiểm soát khí hậu.
Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu của Princeton chỉ ra rằng lý thuyết đã bỏ qua một yếu tố quan trọng.
Nghiên cứu cho thấy lượng albedo giảm đi nhiều hơn được bù đắp bởi những đám mây đáng kể do những khu rừng này tạo ra khi những cây lá thải hơi ẩm vào khí quyển. Khi các đám mây đi qua giữa mặt trời và trái đất, chúng tạo ra hiệu ứng làm mát nhiệt độ.
Cũng theo nghiên cứu, các đám mây có albedo cao – tương tự như tuyết và băng – nhưng phần lớn đã bị giảm giá trị trong nhiều nghiên cứu kiểm tra việc giảm thiểu tự nhiên của biến đổi khí hậu.
Porporato và các đồng nghiệp đã kết hợp dữ liệu vệ tinh của các đám mây với các mô hình ước tính sự tương tác giữa thực vật và khí quyển. Nhóm tác giả biết được rằng việc làm mát các đám mây và tăng cường hấp thụ carbon dioxide có lợi hơn bức xạ mặt trời mà các khu vực có rừng hấp thụ.
Dù vậy, các tác giả khuyến cáo cần thận trọng khi xem xét việc tái trồng rừng ở một khu vực cụ thể và cần nghiên cứu sâu hơn để xác định cách thức cũng như những gì cần được thực hiện đối với một khu vực trước khi bắt đầu trồng cây.
Cerasoli, một nghiên cứu sinh tại Đại học Princeton cho biết: “Chúng ta không thể chỉ xem xét biến đổi khí hậu mà còn phải lưu ý đến các yếu tố khác, chẳng hạn như đa dạng sinh học và thực tế là đất đai cũng cần thiết để sản xuất lương thực. Các nghiên cứu trong tương lai nên tiếp tục xem xét vai trò của các đám mây nhưng nên tập trung vào các khu vực cụ thể hơn và tính đến cả yếu tố kinh tế ở khu vực đó”.
“Rất nhiều thứ được kết nối trong hệ thống trái đất. Bản chất của sự tương tác giữa các yếu tố (ví dụ chu kỳ nước và khí hậu) có nghĩa là nếu bạn thay đổi một thứ, rất khó dự đoán các phần khác của hệ thống sẽ bị ảnh hưởng như thế nào”, Porporato nhấn mạnh.
Thảo Vy (Theo smithsonianmag.com)