Trồng cà chua bi sạch vẫn là hướng đi ổn định cho nông dân Đà Lạt

BVR&MT – Bước vào năm 2020 thế giới bị biến động mạnh do dịch Covid-19 gây ra, trong đó Việt Nam vừa bị ảnh hưởng của dịch vừa bị hạn mặn tại các tỉnh miền Tây làm cho diện tích sản xuất nông nghiệp thu hẹp lại. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, trong đó có cả mặt hàng nông sản do đầu ra bị hạn chế, các hàng quán đóng cửa, vận chuyển khó khăn. Tuy nhiên, riêng mặt hàng cà chua bi Đà Lạt vẫn đang bán chạy và không đủ cung cấp cho thị trường.

Nông sản Đà Lạt luôn thu hút người tiêu dùng do sản xuất theo hướng hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học nên giá thành luôn ở mức cao. Từ khi người Nhật bắt đầu công trình sản xuất nông sản sạch thì nền nông nghiệp của Đà Lạt và các tỉnh lân cận đã thay đổi tích cực. Các nông trại dần chuyển sang hướng hữu cơ vì thấy được giá trị thật của nông nghiệp sạch. Các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… luôn là đầu ra ổn định cho người nông dân tại đây.

Do được ứng dụng phương pháp và kỹ thuật của người Nhật nên nhiều nông dân ở đây dần tránh xa được cảnh “được mùa mất giá”. Trong rất cả các loại nông sản thì cà chua bi trở nên nổi tiếng tại Đà Lạt, chất lượng trái cà chua được nhiều khách hàng đánh giá cao, nguồn hàng tại đây luôn trong tình trạng đặt trước, các hệ thống siêu thị đều ký hợp đồng để nhập cà chua bi sạch bán cho người dân. Đầu năm 2020 giá cà chua bi hữu cơ luôn ổn định từ 25.000 đến 35.000 ngàn/kg cao gấp 1,5 lần so với cà chua thông thường, với giá thành này người nông dân có lãi và có vốn để tiếp tục sản xuất.

Nông nghiệp là thế mạnh của nước ta, tuy nhiên những năm trước người dân chỉ biết đến phân bón hóa học và thuốc trừ sâu làm cho trái nhanh lớn, tuy nhiên mặt trái của việc sử dụng phân bón hóa học là chất lượng bên trong không cao, không thể xuất đi các thị trường lớn như Mỹ, Úc, Châu Âu…Vài năm trở lại đây nông nghiệp Việt đang dần chuyển mình từ hóa học sang hữu cơ, sản lượng xuất đi các thị trường khó tính tăng cao thu nhập của người nông dân cũng ổn định.

Hữu Vũ