Triệu phú vườn rừng

BVRMT – Năm 1990, với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, ông Đào Văn Lưu, 80 tuổi, ở thôn Cam Phú 1, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tìm lên vùng đồi núi hoang vu để khai hoang lập nghiệp với ước mơ đổi đời. Sau 12 năm vất vả, ông Lưu đã trở thành triệu phú của huyện Cam Lộ với mô hình vườn- ao- chuồng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đào Văn Lưu chăm sóc vườn cây nhãn

Năm 1986- 1990 ông Đào Văn Lưu là Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) 3 thôn Cam Phú (Cam Phú 1, Cam Phú 2, Cam Phú 3). Sau khi thôi làm Chủ nhiệm HTX ông Lưu quyết tâm thực hiện ước mơ lập một trang trại mà mình đã ấp ủ bấy lâu.

Năm 1990 ông Lưu đi khảo sát và gặp mảnh đất vùng sườn đồi, sát bên mép đồi là con suối. Ông thấy đây là nơi rất thuận lợi cho việc chăn nuôi nên quyết định chọn đây làm nơi lập nghiệp. Từ đây ông bắt tay vào khai hoang, rồi dựng lán trại tạm làm nơi che mưa, che nắng. “Lúc trước ở đây thiếu thốn đủ đường, một mình đau ốm không biết kêu ai. Tôi lên đây đến 5- 7 năm sau mới có người lên sống. Cũng may nhờ có sức khỏe nên cũng ít đau ốm. Còn thức ăn một tuần tôi đạp xe về nhà một lần (nhà cách trại 5 cây số) gói ghém rau củ rồi đem lên”, ông Lưu chia sẻ.

Năm 1992, ông Lưu thế chấp sổ đỏ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ mua 40 con dê, 30 con bò và trồng 5,6 ha cao su. Sau 8 năm, dồn hết tâm huyết cho công việc, số dê lên tới 60 con, bò 50 con. Cao su sau 6 năm đã cho mủ, giai đoạn này mủ cao su được giá, trung bình mỗi năm ông thu 170 triệu đồng từ cao su. Năm 2000 ông quyết bán gần hết số bò và dê, chỉ để lại 10 con bò để lấy phân phục vụ cho việc chăm bón, rồi ông vay ngân hàng thêm 250 triệu đồng để đầu tư trồng 300 gốc nhãn. Nhờ nguồn nước thuận lợi, ông xây dựng một hệ thống nước tự chảy dài 1.000 mét, lấy nước từ sông lên tưới cho cây.

Với kinh nghiệm mấy chục năm làm vườn cộng thêm nghị lực phấn đấu không ngừng, hai năm đầu cây cho quả bói, quả chưa to và chưa nhiều, đến năm thứ ba cây nào cũng nặng trĩu quả, đến mùa nhãn chín vàng rực cả một góc đồi. Lúc này ông mới yên tâm rằng mình đã thực sự thành công. Đến nay, mỗi năm sau khi trừ chi phí ông thu được 250 triệu đồng từ nhãn. Cũng thời điểm năm 2000, ông khai hoang thêm diện tích đất trống, đầu tư trồng thêm 5 ha tràm, đến nay đã thu hoạch được 2 đợt, mỗi đợt ông thu 300 triệu đồng. Năm 2002 ông trồng thêm 200 gốc hồ tiêu, sau 3 năm cho thu hoạch mỗi mùa vườn tiêu cho từ 1,5 đến 2 tạ tiêu khô, tính theo giá hiện nay, mỗi mùa ông Lưu thu khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, ông trồng thêm 70 gốc thanh long ruột trắng, sau 1 năm thanh long bắt đầu cho quả, mỗi năm cho từ 3 đến 3,5 tạ quả, giá bán trung bình 20 ngàn đồng/kg. Năm 2008 ông xây hồ nuôi 4.000 con cá với 3 loại hỗn hợp là cá rô, cá trắm và cá trê. Ông dựng nhà trên mặt hồ, cách mặt hồ chừng 2 mét. Điều thú vị là ai có nhu cầu vừa mua cá vừa giải trí thì ông cho khách tự câu cá trong hồ, câu được bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Hai năm ông thu hoạch cá một lần, trung bình mỗi lần cũng thu được 30 triệu đồng.

Ngoài cây trái cho thu nhập chính, ông còn trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như bưởi, táo, dừa, chuối, xoài và một số cây hoa màu. Trong vườn cây ông thả thêm 5 con lợn rừng và nuôi một số ngan, gà. Đến nay, tổng diện tích dành cho chăn nuôi của gia đình ông lên tới 13,6 ha. Bình quân mỗi năm thu nhập của gia đình ông lên tới 500 triệu đồng.

Điều hiếm có là nay tuy tuổi đã cao nhưng ông Lưu vẫn chưa nghỉ ngơi. Qua lời chia sẻ của ông, mọi người đều cảm nhận được trong ông tình yêu đất đai, lao động và sự cần kiệm của một nông dân luôn vượt lên khó khăn để làm giàu trên quê hương mình.