Triệt phá bãi gỗ lậu gần Đồn biên phòng

BVR&MT – Rất dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng Đắk Lắk, xe chở gỗ cho  Phan Hữu Phượng (tức Phượng “Râu”) sinh năm 1968 trú tại thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông nhiều năm nay vẫn ngang nhiên vận chuyển trót lọt mà không “vướng” bất cứ sự kiểm soát nào.

Ngày 30/4/2018, phóng viên Bảo Vệ Rừng và Môi Trường đã theo con đường hiện trường vận chuyển gỗ cho Phượng “Râu” để nắm bắt thông tin. Được biết ông trùm chở gỗ lậu Phượng “Râu” này để chở gỗ theo con đường này đã được 10 năm. Trước đó Phượng “Râu” tạo mối quan hệ với một số kiểm lâm vườn quốc gia Yok Đôn để tạo “hành lang” cho hoạt động trái phép của y.

Sau khi Phượng khai thác gỗ ở khu vực gần biên giới, xe chở gỗ của đối tượng này ra khỏi rừng và qua chốt kiểm soát đầu tiên là Đồn Biên phòng 747 Bo Heng, ở xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Xe chở gỗ tiếp tục chạy theo con đường 14C đi ngang qua các đồn biên phòng 749 (huyện Buôn Đôn) và 751 đồn biên phòng Nậm Na (huyện Cư Jút, Đắk Nông). Qua đồn biên phòng Nậm Na xe chở gỗ có đường rẽ trái vào con đường đất xuyên qua vườn quốc gia Yok Đôn. Trên quãng đường này có đến 3-4 chốt kiểm lâm vườn quốc gia Yok Đôn kiểm soát. Ra khỏi lâm phần vườn quốc gia Yok Đôn các loại xe phải đi một quãng đường rừng rất dài qua địa phận công ty lâm nghiệp Đăk Wil huyện Cư Jút và Đồn công an huyện Ea Pô thuộc công an Cư Jút. Cuối cùng những phương tiện này rẽ phải đi về hướng Nam Dong thị trấn Ea Tling (huyện Cư Jút, Đắk Nông) để tập kết và đưa đi tiêu thụ.

Đối tượng Phượng “Râu” tại cơ quan điều tra. Ảnh: Báo Lao động

Theo tìm hiểu, một số phần gỗ mà hiện nay Phượng “Râu” đã khai thác từ vườn quốc gia Yok Đôn, tập kết thành bãi, sau đó đưa sang Campuchia để hợp thức hóa giấy tờ thủ tục rồi tiếp tục đưa trở lại nước Việt Nam để vận chuyển số gỗ này cho dễ dàng. Tuy nhiên, lãnh đạo đồn biên phòng 747 và vườn quốc gia Yok Đôn đều phủ nhận là không có thông tin trên, và số gỗ không có ở vườn quốc gia và cho biết báo cáo số gỗ trên của Phượng “Râu” đều được trục vớt ở suối Đăk Đam.

Đồn biên phòng 747 cho biết số gỗ Phượng Râu trục vớt là gỗ tròn bị cháy sém đã mục và đang tập kết dọc quốc lộ 14C với tổng khối lượng là 300m3. Nhưng vào ngày 27/04/2017, khi hai xe gỗ lậu của Phượng Râu bị bộ công an bắt giữ tại thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông thì đó là gỗ tròn còn tươi với khối lượng khoảng 40 m3. Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn khẳng định với phóng viên từ ngày 10 đến ngày 27/04/2017, đơn vị không xác nhận bất cứ hồ sơ lâm sản nào cho công ty của Phượng để vận chuyển.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn thừa nhận, nếu các xe gỗ từ rừng ra ngoài được thì phải qua các trạm kiểm soát của đơn vị này. Tuy nhiên từ trước đến nay các đơn vị chưa phát hiện xe gỗ của Phượng “Râu” và “có biết cũng không tự xử lý được”.

Theo vị giám đốc này, hiện nay các trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia Yok Đôn gần các đồn biên phòng 747, 749 và 751 nhưng chức năng bảo vệ rừng thuộc lâm phần của VQG còn việc kiểm soát trên các tuyến đường không phải trách nhiệm và chức năng của đơn vị vườn quốc gia Yok Đôn.

“Nếu gỗ của vườn bị cắt, chặt phá, đốn hạ là trách nhiệm của chúng tôi. Còn việc ông Phượng ra trung tâm huyện Cư Jút, các trạm không phát hiện được thì đơn vị vườn quốc gia Yok Đôn cũng chỉ phối hợp chứ không tự ý chặn xe được. Chúng tôi là kiểm lâm của rừng đặc dụng, không phải kiểm lâm của hạt huyện nên không được phép chặn xe gỗ để kiểm tra trên đường”,  ông Linh nhấn mạnh.

Về phía lực lượng công an, thiếu tá Nguyễn Hồng Quang, đồn trưởng đồn công an Ea Pô cho biết, thời gian qua đơn vị này không phát hiện xe chở gỗ lậu nào đi qua khu vực biên giới, còn việc để mà ngăn chặc các xe chở gỗ lậu cũng không phải là việc chính của cơ quan.

“Khu vực này có nhiều xe tải vận chuyển phần lớn người ta đã có giấy phép khai thác lâm sản phụ như tre, nứa…, vì vậy chúng tôi phải có thông tin chính xác các xe chở lâm sản vi phạm chúng tôi mới tổ chức chặn xe để kiểm tra xử lý. Trước đây đồn có tổ chức chặn 01 xe của ông Phượng, nhưng ông này có giấy tờ mua bán gỗ trục vớt nên đồn cho đi, còn trên thực tế xe có vào ban đêm hay rạng sáng hay không chúng tôi cũng không kiểm soát hết được, vì chức năng này thuộc chốt kiểm lâm”, ông Quang khẳng định.

Cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm

Để làm rõ trách nhiệm này phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục lâm nghiệp (Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn). Ông Tùng cho biết, Tổng cục đã cử cán bộ lãnh đạo vào để chỉ đạo VQG Yok Đôn, Kiểm lâm vùng 4 và kiểm lâm địa phương để rà soát xem có thực sự phá rừng tại vườn quốc gia Yok Đôn hay không và cũng sẽ đôn đốc chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp các cơ quan điều tra để xác minh làm rõ vụ việc.

Yêu cầu các kiểm lâm địa phương báo cáo về vụ việc, ngoài ra cục kiểm lâm trực tiếp tham gia kiểm tra, đo đếm số lượng gỗ tại xưởng cưa của ông Phượng “Râu” tại huyện Cư Jút. Ông Tùng quả quyết rằng: “Với tính chất vụ việc này, đối tượng hoạt động như vậy mà lực lượng kiểm lâm không biết gì thì cũng phải xem xét trách nhiệm trong quản lý địa bàn. Nếu có sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm không bao che, nếu sai phạm nghiêm trọng thì sẽ đề nghị cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật”.

Còn về việc bãi gỗ của ông Phượng được hiện diện trong khu vực VQG Yok Đôn quản lý, ông Tùng trao đổi với chúng tôi, từ năm 2013 UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho ông Phượng “Râu” trục vớt gỗ dưới lòng suối Đăk Đam, sau đó làm thủ tục để đấu giá tài sản số gỗ trục vớt trên. Đến năm 2015 vườn quốc gia Yok Đôn không đồng ý cho công ty Phượng “Râu” trục vớt gỗ nữa. Tỉnh Đăk Lăk sau đó đã làm thủ tục để đấu giá tài sản số gỗ trục vớt này.

Đình chỉ 4 sỹ quan biên phòng

Chiều ngày 2/5/2018, Đại tá Tống Anh Tuấn phó chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Đăk Lăk xác nhận, lãnh đạo cao nhất đồn biên phòng 747 và 749 đã bị đình chỉ công tác điều về làm trợ lý chỉ huy biên phòng tỉnh “Vì thiếu tinh thần trong công tác chỉ huy”. 

04 lãnh đạo đình chỉ bao gồm thượng tá Cao Hữu Tùng – Đồn trưởng, trung tá Bùi Khắc Hiệp – Chính trị viên (đồn biên phòng 747), Đại úy Lê Tiến Vinh đồn phó quân sự, trung tá Phạm Công Khanh chính trị viên (đồn 749). Các quyết định đình chỉ của hai đồn biên phòng 747 và 749 do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đưa ra. Vào sáng ngày 02/5 và 03/5 04 sỹ quan này phải ra bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Đăk Lăk nhận quyết định và bàn giao lại công tác cho cấp phó ở đồn.

Lê Vân