Trên 500 lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa tại vườn quốc gia Yosemite

BVR&MT – Hàng trăm lính cứu hỏa đang nỗ lực ngăn chặn đám cháy rừng lớn tại Công viên quốc gia Yosemite ở bang California (Mỹ) lan sang khu vực cây cự sam cổ thụ khổng lồ.

Máy bay dập lửa cháy rừng gần Công viên quốc gia Yosemite, California, Mỹ, ngày 21/7/2018. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo báo cáo của công viên, đám cháy Washburn đã thiêu trụi 946 ha vào cuối tuần qua, tăng gấp 2 lần kể từ khi được báo cáo vào ngày 7/7 vừa qua. Hiện 545 nhân viên cứu hỏa đang chiến đấu với “giặc lửa”, bao gồm cả việc “chủ động bảo vệ” khu vực Mariposa Grove, nơi tập trung tới 500 cây cự sam trưởng thành khổng lồ.

Hiện các gốc cự sam, trong đó một số cây hơn 3.000 năm tuổi, vẫn an toàn. Các nhân viên cứu hỏa đã thực hiện nhiều biện pháp đặc biệt nhằm bảo vệ các rừng cự sam như dọn sạch các bụi cây giảm nguy cơ cháy, đồng thời triển khai hệ thống phun nước trên mặt đất.

Hiện lực lượng cứu hỏa đã kiểm soát được 25% đám cháy. Tuy nhiên, thời tiết được dự báo vẫn còn nóng và khô trong vài ngày tới, gây khó khăn cho công tác dập lửa. Các máy bay chở dầu và trực thăng cùng các nhân viên mặt đất cũng đã được huy động để tham gia dập lửa. Trong khi đó, tại bang Utah, tính đến ngày 11/7, bốn trận cháy rừng lớn đã bùng phát tại bang này, buộc người dân phải sơ tán.

Theo InciWeb, một hệ thống thông tin sự cố rủi ro liên ngành ở Mỹ, trận cháy Halfway Hill, được báo cáo lần đầu tiên tại Rừng quốc gia Fishlake vào ngày 8/7 đã thiêu rụi 42,2 km2 tính đến đêm 10/7. Cư dân của tiểu khu Virginia Hills đã được sơ tán. Tờ Salt Lake Tribune ngày 11/7 đưa tin 4 người đã bị bắt giữ và bị buộc tội gây ra đám cháy trên.

Trong khi đó, đám cháy rừng ở thành phố Jacob, bùng phát vào chiều 9/7, đã thiêu rụi 15,6 km2. Các bức ảnh và video do người dân thành phố Salt Lake gần đó đăng tải cho thấy những cột khói lớn và biến bầu trời thành màu đỏ và cam.

Trong ngày 11/7, đám cháy Dry Creek và Sardine Canyon vẫn đang bùng cháy nhưng đã được kiểm soát lần lượt là 40 và 80%.

Các nhà khoa học cho biết hiện tượng ấm lên toàn cầu, nguyên nhân chủ yếu là do loài người đốt nhiên liệu hóa thạch, đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan dễ xảy ra hơn. Năm ngoái, California và các khu vực khác của miền Tây nước Mỹ đã bị tàn phá vì những trận cháy rừng lớn. Hai trong số những đám cháy đó ở California đã thiêu rụi 3.600 cây cự sam khổng lồ.