Trên 32 tỷ đồng thi công kè bảo vệ đê biển Gò Công

BVR&MT – Tiền Giang đầu tư trên 32 tỷ đồng thi công công trình kè bảo vệ 831 m đê xung yếu thuộc hệ thống đê biển Gò Công.

Đoạn đê xung yếu sẽ được thi công kè bảo vệ.

Trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp gây nhiều thiệt hại, làm mất rừng phòng hộ, sạt lở đe dọa đê biển Gò Công, trong năm 2017, Tiền Giang đầu tư trên 32 tỷ đồng thi công công trình kè bảo vệ 831 m đê xung yếu thuộc hệ thống đê biển Gò Công, góp phần đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân vùng ven biển nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, hiện nay, các đơn vị thi công đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm hoàn thành toàn bộ công trình đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Công nhân đổ các khối bê tông bảo vệ mái đê.

Được biết, trong những năm gần đây, tuyến đê biển Gò Công luôn đối mặt với tình trạng sạt lở làm mất rừng phòng hộ bảo vệ đê, đe dọa nghiêm trọng an toàn đê biển. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, khu vực ven biển Gò Công đã bị xâm thực mất trên 500 ha khiến tuyến đê biển phải di dời nhiều lần vào sâu trong nội địa. Khu vực xã Tân Điền, Tân Thành (huyện Gò Công Đông) bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trước tình hình trên, tỉnh đã thực thi nhiều giải pháp tích cực và quyết liệt nhằm bảo vệ an toàn đê biển; trong đó, có việc tăng cường công tác bảo vệ đê, trồng cây tái tạo rừng phòng hộ, kè và kiên cố hóa đê ở các đoạn xung yếu…. Tính từ năm 1999 đến nay, Tiền Giang đã đầu tư trên 240 tỷ đồng thi công kè và kiên cố hóa được trên 6.000 m đê điều (tính cả đoạn đê đang thi công trong năm 2017).

Ông Nguyễn Thiện Pháp cho biết thêm, theo số liệu quan trắc, giai đoạn 2018 – 2020, Tiền Giang cần phải kè kiên cố hóa thêm 3.340 m đê xung yếu trong đó năm 2018 phải kè bảo vệ 1.460 m đê xung yếu. Đây là việc làm khẩn cấp nhằm bảo vệ đê biển Gò Công trước tình hình biến đổi khí hậu đang để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho những địa bàn khó khăn, xung yếu.