Trấn Yên – Bắc Sơn: Tuyên truyền nâng cao nhận thức đồng bào DTTS về bảo vệ rừng và môi trường

BVR&MT – Những năm qua, công tác tuyên truyền tới đồng bào dân tộc thiểu số về lợi ích tham gia giữ rừng và phục vụ công tác bảo vệ môi trường rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần cải thiện sinh kế đã và đang phát huy hiệu quả tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. 

Rừng tại thôn Lân Cà Lân Hoèn xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn.

Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường về tình hình thực hiện các chính sách đã tuyên truyền tới đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, ông Phạm Bá Phương – Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho biết: Xã Trấn Yên là một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, nhiều thôn đặc biệt khó khăn đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian gần đây, nhà nước có chủ trương chính sách cấp tiền bảo vệ rừng cho người dân thực hiện công tác bảo vệ rừng, nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác bảo vệ rừng, hình thành nhóm, tổ công tác bảo vệ rừng tại thôn, bản, đặc biệt là thôn Lân Cà – Lân Hoèn được chi trả tiền công bảo vệ rừng.

Điểm trường Lân Cà, xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn).

Xã Trấn Yên là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn theo quyết định số: 582/QĐ-TTg​ ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về danh sách thôn dặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020.

Thời gian qua, thực hiện quyết định Số: 06/2017/QĐ-UBND tỉnh Lạng Sơn về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người ở xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Huyện Bắc Sơn đã thực hiện dự án hỗ trợ truyền thông giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin, tổ chức xây dựng và thực hiện các sản phẩm truyền thông về giảm nghèo. Trong đó, Lồng ghép nhiều chương trình để thực hiện công tác giảm nghèo, như Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

Từ khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân được nâng lên đáng kể, rừng được bảo vệ tốt hơn.

Ông Bàn Phúc Trìu – Trưởng thôn Lân Cà – Lân Hoèn, Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn.

Chia sẻ với phóng viên, ông Bàn Phúc Trìu – Trưởng thôn Lân Cà – Lân Hoèn là người dân tộc Dao phấn khởi: “Thôn Lân Cà  – Lân Hoèn chủ yếu là người dân tộc Dao, đa số là hộ nghèo toàn là người dân tộc thiểu số. Tổ bảo vệ rừng ở thôn, năm 2019, được nhà nước hỗ trợ 219 triệu để thực hiện tuần tra bảo vệ rừng”.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND xã Trấn Yên hoàn thành được 7/19 tiêu chí. Địa bàn xã Trấn Yên  rộng, trình độ của người dân còn hạn chế và thu nhập ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn lớn, mục tiêu là giải quyết việc làm cho người dân. Có thể nhận thấy, Việc tuyên truyền chính sách bảo vệ rừng và phát triển rừng mang lại thu nhập ổn định cho người dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng. Trong đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thu hút lực lượng lao động lớn là người dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng.

Văn Trì