Trăn trở bảo vệ và phát triển khu rừng lim xanh giữa đồng bằng

BVR&MT – Nhắc đến núi rừng Nghệ An, người ta thường nhắc đến vườn quốc gia Pù Mát nổi tiếng nơi quần tụ của nhiều loài thú quý hiếm và muôn vàn cây cối khác nhau hay rừng săng lẻ ở Tương Dương với những cây săng lẻ cao hàng chục mét trên cung đường từ TP. Vinh về các huyện miền Tây xứ Nghệ. Thế nhưng, ít ai ngờ, giữa một huyện đồng bằng như Yên Thành, lại có một rừng lim xanh nghìn tuổi, lá phổi xanh và là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Khu rừng của cha ông để lại

Nằm cách trung tâm huyện Yên Thành khoảng 7km về phía Bắc, khu rừng già nguyên sinh gần 20 hécta trên núi Tháp Lĩnh của xã Hậu Thành (Yên Thành, Nghệ An) như mọc lên giữa những cánh đồng lúa bạt ngàn chạy dài tít tắp.

Những cụ già đã gần trăm tuổi ở đây cũng biết được là khu rừng có tự bao giờ, chỉ biết rằng từ khi được sinh ra, họ đã thấy có rừng ở đó. Khu rừng lớn lên cùng bao thế hệ người dân Hậu Thành, trải qua những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ, rồi những năm đổi mới, khu rừng như một chứng nhân lịch sử, một minh chứng cho sức sống kỳ diệu, gắn kết bền chặt, tinh thần lao động hăng say của người dân cả làng, cả xã.

Trong hương ước của làng Đức Hậu còn ghi lại được: Năm 1885, bọn thực dân Pháp nhiều lần cho người lên để phá hoại núi Tháp Lĩnh, nhưng bị nhân dân đấu tranh quyết liệt, chúng phải thừa nhận hương ước của làng: “Hễ ai chặt một cây ở núi Tháp Lĩnh thì bị phạt và phải trồng lại 10 cây”. Trong những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ, không biết bao nhiêu bom đạn đã dội xuống vùng đất Hậu Thành, Yên Thành nhưng cứ một cây rừng ngã xuống, dân làng lại cùng nhau trồng mới những cây con, cây cháu. Cứ như thế, núi Tháp Lĩnh ngày một xanh tươi.

Rừng lim xanh nghìn tuổi, lá phổi xanh và là niềm tự hào của người dân Yên Thành (Nghệ An).

Đi cùng ông Lại Văn Ngân (SN 1961) người hơn 10 năm bảo vệ núi Tháp Lĩnh, chúng tôi men theo con đường mòn quanh co dẫn lên núi Tháp Lĩnh. Trong một buổi sáng mùa thu dìu dịu, khi ánh nắng xuyên qua những tán cây, khi cơ thể ấm dần lên qua mỗi bước chân đi, lắng tai nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim hót lanh lảnh vọng lại và ngước đầu nhìn ngắm những tán cây xanh ngát, cảm giác như có thể hòa mình vào thiên nhiên.

Khu rừng lim xanh dẫu qua bao năm tháng, gần như vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ. Trong rừng có hàng nghìn cây lim xanh từ to tới nhỏ. Có những cây đường kính phải 2-3 người ôm mới vừa. Những cây lim xanh cổ thụ, thân, cành bám nhiều rêu mốc, buôn tán cây rộng khắp một vùng làm cho khu rừng trở nên uy nghi, hùng vĩ. Ngoài hàng ngàn cây lim, núi Tháp lĩnh còn có hàng trăm loại cây trai, gụ, trâm, trắc, dạ hương…

Theo lời ông Ngân, người dân sống ở đây cũng không nhớ rõ những cây lim xanh cổ thụ bao nhiêu tuổi, mà vẫn thường gọi rừng lim xanh nghìn tuổi.

Khi được hỏi vì sao đã gắn bó với công việc bảo vệ rừng những hơn 10 năm, ông Ngân chia sẻ: “Không chỉ với tôi mà với cả làng, cả xã, rừng lim xanh này như khu rừng của mỗi nhà vậy. Người già không lên rừng được nữa, nhưng từ dưới nhà mình, vẫn ngước mắt nhìn lên, trong câu chuyện của họ, không lúc nào thiếu những câu chuyện về rừng lim trăm tuổi này. Bọn trẻ thì sau giờ học cũng hay lên núi chơi. Hầu như ngày nào cũng đều có người lên rừng để vun xới hay thăm non, dù họ không phải là người bảo vệ rừng. Còn tôi, hôm nào không lên rừng lim dạo một vòng là nhớ không chịu nổi, bảo vệ rừng lim là bảo vệ tài sản của cha ông để lại. Bởi thế, các bậc tiên linh luôn phù hộ, che chở cho con cháu trong dòng họ khỏe mạnh, làm ăn tiến tới”.

Đứng trên đỉnh núi Tháp Lĩnh, buông tầm mắt nhìn về phía Đông, trông thấy biển cả bao la. Biển và trời hòa quyện một màu xanh nên thơ và hùng vĩ. Về phía Tây, con đường Sen – Yên Thành nối liền với đường mòn Hồ Chí Minh trông như một dãi lụa mền ôm lấy xóm làng. Rừng nối rừng, đường nối đường.

Bảo vệ và phát triển rừng

Khu rừng lim xanh đã trải qua hàng nghìn năm tuổi, gắn bó với người dân trong vùng, nhưng công tác bảo vệ và phát triển rừng trong những năm gần đây gặp không ít khó khăn.

Cụ Mai Huy Định – Thủ từ Đền Cả, một cao niên trong làng chia sẻ: “Theo thời xa xưa tu tạo, các bậc tiên linh nhận thấy đây là vùng đất sơn thủy hữu tình, có núi Tháp Lĩnh linh thiêng, nên đã khai dân lập ấp ở đây. Nguyên sinh vùng đất đã có rất nhiều cây lim nhỏ, được sự chăm sóc, bảo vệ cẩn thận nên rừng lim phát triển tốt, tồn tại cho đến bây giờ. Chúng tôi chỉ mong khu rừng sẽ phát triển và còn mãi để các thế hệ sau này vẫn được lớn lên cùng rừng lim, hít thở bầu không khí trong lành từ khu rừng này”

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Luyến – Chủ tịch UBND xã Hậu Thành cho biết: “Hiện trong rừng có hơn một ngàn cây lim lớn nhỏ, có giá trị lớn. Công tác bảo vệ và phát triển rừng mặc dù đã được chú trọng nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả”.

Các nghị quyết của xã đều nghiêm cấm khai thác gỗ trên núi Tháp Lĩnh, công tác tuyên truyền bảo vệ rừng cũng được triển khai đến từng thôn, từng hộ dân và các cơ quan, trường học trên địa bàn xã. Hội đồng nhân dân, UBND xã Hậu Thành đã họp nêu quyết tâm biến núi Tháp Lĩnh trở thành một khu du lịch sinh thái phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, làm giàu cho quê hương. Tuy nhiên, do không có kinh phí, mỗi tháng ngân sách địa phương chỉ trích được 1,3 triệu đồng, chủ yếu để chi cho công tác bảo vệ núi Tháp Linh và Đền Cả còn lại vẫn là chờ đợi và huy động sức dân để cùng bảo vệ và phát triển  rừng. Đền Cả mặc dù đã được quy hoạch 0,3 hecsta để tu bổ, xếp hạng di tích nhưng do đền nằm trong lòng núi Tháp Lĩnh thuộc đất lâm nghiệp nên các thủ tục hiện chưa được hoàn thiện.

Có lẽ, cũng như ông Ngân, cụ Định và rất nhiều người dân ở xã Hậu Thành, dường như ông Luyến vẫn đang rất trăn trở để có thể bảo tồn và phát triển khu rừng lim xanh độc nhất mà ông cha đã để lại này.

Rời Hậu Thành, Yên Thành trên con đường sỏi đá, ngoái lại nhìn đỉnh núi Thái Lĩnh, chúng tôi hi vọng ngày nào đó khi quay trở lại đây, khu rừng sẽ thêm cao, thêm xanh và có thể trở thành một khu du lịch sinh thái như những Khe Kèm, Pù Mát, Sao Va của Nghệ An.

Đình Nguyên