BVR&MT – Nhiều năm trở lại đây, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được người dân sử dụng rất phổ biến. Việc sử dụng thuốc BVTV và vứt vỏ thuốc bừa bãi ngay tại các cánh đồng ruộng, nương rẫy không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người sử dụng.
Đi dọc một số các xã, huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ… sau đó vỏ thuốc được vứt bừa bãi trên các cách đồng, nương rẫy. Nguyên nhân là do sự chưa thật sự hiểu biết của người dân về những nguy cơ và tác hại của thuốc BVTV có thể gây ra cho con người và môi trường.
Để hiểu rõ về cách sử dụng thuốc BVTV của người dân, phóng viên đã quyết định đi đến một bản làng nơi người dân canh tác cây ngô, đó là bản 4, xã Điện Quan, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Đi bộ theo con đường mòn người dân tự mở lên nương rẫy đến những nương ngô xanh ngát nằm dưới chân những vách đá dựng đứng, phóng viên gặp anh Vàng Seo Liền và chị Lý Thị Hoa (vợ anh Liền) cùng một số người dân trong Bản đang phun thuốc trừ cỏ, bón phân đạm cho cây ngô.
Giữa cánh đồng ngô, một bầu không khí nóng bức hòa với mùi thuốc trừ cỏ lan tỏa nồng nặc gây khó thở, choáng váng đến nhức đầu, chóng mặt. Ngạc nhiên hơn là khi tới gần anh Liền đang phun thuốc trừ cỏ, ngoài bộ quần áo lao động bình thường thì anh không mặc đồ bảo hộ khi phun thuốc. Nhìn mặt anh đỏ bừng, áo thẫm ướt mồ hôi, phóng viên liền lại hỏi: “Sao khi phun thuốc trừ cỏ anh không đội mũ, đeo khẩu trang, mặc áo quần chống thấm và đi ủng?”. Anh Liền cười rồi trả lời: “Tôi đi làm thế này quen rồi, tí về tắm sạch là được.”.
Không chỉ anh Liền mà cả chị Hoa cùng một số người khác đang phun thuốc khác cũng không ai mặc quần áo bảo hộ, có chăng cũng chỉ là đội chiếc mũ hoặc nón. Điều đó cho thấy, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc BVTV còn kém, không lường được hậu quả khi tiếp xúc trực tiếp với loại hóa chất này.
Qua trò chuyện với anh Liền phóng viên được biết, đây là đợt phun thứ hai và cũng là lần cuối cùng, canh tác ngô dùng chủ yếu hai loại thuốc đó là cỏ cháy và trừ cỏ gốc.
“Làm ngô thì phun hai đợt, đợt đầu tiên là phun sau khi cấy, đợi đến khi cây ngô sinh trưởng cao tầm 30 – 40 cm thì phun lần hai. Liều lượng thuốc mua về mình tự pha, không theo trình tự, làm quen rồi thì mình cứ làm như vậy thôi, canh tác kiểu này nhanh không mất nhiều công như ngày xưa phải xới đất, mà sản lượng đạt được lại cao hơn”- anh Liền chia sẻ.
Cũng theo anh Liền, hàng năm nhà anh thu được cả chục tấn ngô, với sản lượng này thì diện tích gieo cấy rộng, anh cũng không nhớ rõ là mình sử dụng bao nhiêu lượng thuốc BVTV trong một năm.
Dạo quanh một vòng bản 4, xã Điện Quan, rất nhiều những vỏ chai, bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi khắp nơi, thậm chí là ngay nguồn nước người dân đưa về sử dụng. Như vậy ý thức người dân trong việc thu gom loại rác thải này còn thấp.
Đã đến lúc cần giáo dục người dân cần hiểu biết sâu sắc hơn về tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV, hoặc sử dụng thuốc chưa đúng cách, đúng quy trình sẽ nguy hại khôn lường đến sức khỏe của chính họ, những người xung quanh và môi trường như thế nào?
Chiến Hữu – Huy Thịnh