BVR&MT – Hai mươi ngàn con ễnh ương beo sống từ Trung Quốc sẽ được nấu thành món đùi ếch. Bốn mươi con khỉ vervet từ St. Kitts và Nevis phục vụ nghiên cứu y sinh. Ba trăm con sò tai tượng từ Việt Nam và 30 con cá đuối ó từ Amazon Brazil để nuôi trong bể cá tại gia.
Các mặt hàng đa dạng đó là cái nhìn thoáng qua về tình hình buôn bán động vật hoang dã quốc tế hợp pháp trong một ngày ở bất kỳ nơi nào trong số 41 cảng nhập cảnh do Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ kiểm soát.
Tại các sân bay, cảng biển và cửa khẩu trên đất liền, động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã hợp pháp trị giá 4,3 tỷ đô la đã được nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong năm 2019. Theo báo cáo thương mại 5 năm, khoảng 200 triệu động vật sống được nhập khẩu vào Hoa Kỳ hàng năm: 175 triệu con cá thủy sinh làm cảnh và 25 triệu động vật bao gồm động vật có vú, động vật lưỡng cư, chim, côn trùng, bò sát, nhện, và nhiều loài khác. Trên hết, hàng ngàn lô hàng động vật hoang dã được giao dịch lậu bị chặn lại mỗi năm. Chỉ riêng năm 2019, Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ đã mở hơn 10.000 cuộc điều tra buôn lậu động vật hoang dã.
Nhưng cùng với đa dạng động vật hoang dã như vậy, vô vàn mầm bệnh cũng đang xâm nhập vào Hoa Kỳ. Kinh nghiệm cho thấy mặc dù nhiều biện pháp kiểm soát đã được thực hiện để chống buôn lậu, bệnh tật vào cùng với động vật hoang dã nhập khẩu hợp pháp vẫn không mấy được chú ý.
Nhập khẩu bất kỳ động vật sống nào cũng mang theo nguy cơ mắc bệnh cho động vật hoang dã bản địa, gia súc và con người. Virus corona chủng mới bùng phát ở Trung Quốc được cho là đã nhảy từ dơi sang người và sau đó lây lan tại một khu chợ tươi sống ở Vũ Hán, có thể thông qua một vật chủ trung gian, đã làm sáng tỏ việc các bệnh từ động vật có thể dễ dàng phát sinh từ động vật hoang dã. Tổ chức Thú y Thế giới ước tính 60% các bệnh đã biết ở người có nguồn gốc từ động vật.
Trừ một vài ngoại lệ, Hoa Kỳ không có luật lệ đặc biệt nào yêu cầu giám sát dịch bệnh đối với động vật hoang dã nhập khẩu nên phần lớn không được xét nghiệm. Thanh tra Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã là những người đầu tiên làm việc với một lô hàng động vật nhập khẩu, và phải thực thi một loạt các luật lệ và hiệp ước cả quốc tế và quôc nội về ngăn chặn buôn lậu và buôn bán không bền vững. Nhưng cơ quan này không có nhiệm vụ giám sát sức khỏe của động vật hoặc con người. Trách nhiệm duy nhất liên quan đến bệnh tật là việc thực thi các quy tắc hạn chế buôn bán một số loài cá và kỳ nhông có khả năng truyền bệnh nguy hiểm cho các cá thể cùng loài.
Trên thực tế, cũng không có cơ quan liên bang nào được giao nhiệm vụ sàng lọc và giám sát toàn diện động vật hoang dã nhập khẩu để phát hiện bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) quy định việc nhập khẩu động vật hoang dã và các sản phẩm động vật hoang dã “có thể gây lo ngại cho sức khỏe cộng đồng”, chủ yếu tập trung vào dơi, động vật gặm nhấm châu Phi và các loài linh trưởng không phải người. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) chỉ can thiệp nếu có nguy cơ mắc bệnh đối với gia cầm hoặc gia súc có tầm quan trọng trong nông nghiệp.
Điều này khiến hàng triệu động vật đến Hoa Kỳ mỗi năm không được kiểm soát bệnh dịch có khả năng lây sang người hoặc động vật khác.
CDC khăng khăng rằng có giám sát. “CDC làm việc chặt chẽ với các cơ quan liên bang khác để đảm bảo động vật và các sản phẩm động vật gây lo ngại cho sức khỏe cộng đồng được quản lý. Thông qua quan hệ đối tác với các cơ quan quốc tế, CDC liên tục đánh giá những gì chúng tôi và cộng đồng y tế công cộng quốc tế cần làm để phát hiện, ngăn chặn và kiểm soát các mối đe dọa bệnh dịch từ động vật”, theo đại điện của CDC.
GS Catherine Machalaba, cố vấn chính sách của tổ chức phi lợi nhuận tập về các mối liên hệ giữa sức khỏe con người và động vật hoang dã EcoHealth Alliance cho biết: “Tôi tự tin rằng các cơ quan đã làm hết khả năng với nguồn lực trong tay. Tuy nhiên, tôi không tự tin rằng đó là chuẩn mực đủ tốt khi chúng ta nói về việc ngỏ cửa cho [những căn bệnh tiềm tàng] là mối đe dọa đối với sức khỏe và an ninh của chúng ta”.
Vấn đề không phải là duy nhất đối với Hoa Kỳ, hầu hết các quốc gia không có cơ quan chính phủ sàng lọc toàn diện mầm bệnh từ nhập khẩu động vật hoang dã. “Thiếu các cơ quan chính thức chuyên biệt ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh từ buôn bán động vật hoang dã là một lỗ hổng kinh niên trên khắp thế giới. Khi nhiều cơ quan liên quan đến một lô hàng thì vấn đề là thiếu nhân sự và sự phối hợp, các lỗ hổng nảy sinh rằng bên nào cũng nghĩ sẽ có cơ quan khác làm hộ”, GS Machaba phân tích.
Bùng phát từ thương mại hợp pháp
Lee Skerratt, chuyên gia an toàn sinh vật hoang dã thuộc Đại học Melbourne, Úc cho biết nhiều dịch bệnh từ động vật bùng phát gần đây ảnh hưởng đến người dân xuất phát từ thương mại hợp pháp vào thời điểm đó.
Chẳng hạn năm 2003, người dân 6 tiểu bang của Hoa Kỳ mắc bệnh do tiếp xúc với virus bệnh thủy đậu xâm nhập vào nước này trong một lô hàng thú cưng gồm 800 cá thể gặm nhấm nhập khẩu từ Ghana. Trong lô hàng đó, những cá thể chuột túi Gambia, sóc funisciurus, chuột sóc mang virus và lây lan sang cầy thảo nguyên nhốt cùng một cơ sở buôn bán thú cưng, sau đó được bán rộng rãi, khởi đầu cho sự bùng phát từ động vật sang người. May mắn thay, mặc dù truyền bệnh từ người sang người có thể xảy ra nhưng không ca nào được xác nhận.
Ba tháng sau khi động vật bị nhiễm bệnh được nhập khẩu, CDC cấm nhập khẩu tất cả các loài gặm nhấm châu Phi vào Hoa Kỳ. Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã có quyền dừng các lô hàng vi phạm lệnh cấm và báo cho CDC đưa ra các phương án xử lý: kiểm dịch, tái xuất, hoặc giết chết nhân đạo.
GS. Machalaba lấy làm tiếc rằng dặc dù dịch bệnh bùng phát này dẫn đến lệnh cấm nhập khẩu đối với các loài gặm nhấm châu Phi, chính phủ không thực hiện bất kỳ đánh giá rủi ro nào xem xét liệu loài gặm nhấm từ nơi khác cũng có thể mang các bệnh để đưa ra luật lệ hay không.
“Động vật hoang dã vào Hoa Kỳ có nguồn gốc từ nhiều quốc gia là “điểm nóng” về các bệnh mới xuất hiện và điều này tiềm ẩn mối lo về sức khỏe con người, đồng thời gây ra mối đe dọa cho các ngành khác thông qua hệ thống thực phẩm và hệ sinh thái của chúng ta”.
Cảnh báo về những thiếu sót
Giới chức từ lâu đã biết về những lỗ hổng trong hệ thống quy định của Hoa Kỳ. Năm 2005, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia công bố một báo cáo cho thấy “lỗ hổng đáng kể trong việc ngăn chặn và phát hiện nhanh chóng các bệnh mới phát sinh” từ động vật hoang dã nhập khẩu.
Năm năm sau, Văn phòng Kiểm định Chính phủ Hoa Kỳ – nơi kiểm toán chi tiêu và hoạt động của chính phủ công bố một báo cáo về nhập khẩu động vật sống và bệnh tật. Theo đó, Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã “nói chung không hạn chế động vật hoang dã nhập khẩu có thể gây ra rủi ro về bệnh dịch”. Hơn nữa, CDC không sử dụng hết quyền để ngăn chặn nhập khẩu động vật sống có nguy cơ mang bệnh từ động vật.
Báo cáo năm 2010 khuyến nghị CDC, Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã cũng như USDA xây dựng và thực hiện chiến lược phối hợp để ngăn chặn nhập khẩu động vật có thể mang bệnh dịch. Nhưng một đánh giá tiếp theo vào năm 2015 cho thấy các cơ quan này không hành động, lý do chỉ đơn giản là không đủ nguồn lực kinh tế hoặc nhân sự thực hiện.
Khả năng ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh động vật mới xuất hiện đòi hỏi hiểu biết đa dạng và phong phú về mầm bệnh được nhập khẩu. Nhưng thiếu theo dõi và giám sát động vật hoang dã nhập khẩu, thông tin về các bệnh có thể ảnh hưởng đến động vật hoang dã khác cũng sẽ không có.
CDC cũng thừa nhận thiếu nghiên cứu. “Chúng tôi cần nhiều dữ liệu hơn thông qua các đánh giá rủi ro và nghiên cứu cơ bản trước khi đưa ra thêm bất kỳ quy định mới nào”.
Nhưng có một nghịch lý ở đây: Để thu thập một cách có hệ thống dữ liệu mầm bệnh từ nhập khẩu động vật hoang dã, một cơ quan sẽ cần tới ủy thác hợp pháp từ chính phủ. Nhưng chính phủ chỉ làm điều đó một khi có dữ liệu mầm bệnh để ra quyết định.
Thảm họa lưỡng cư
Các mầm bệnh truyền từ động vật sang người không phải là nguyên nhân gây lo ngại. Nấm chytrid là bệnh đầu tiên lây nhiễm đồng thời cho hàng trăm loài lưỡng cư và khiến nhiều loài tuyệt chủng. Bệnh dịch này rất nguy hiểm vì có thể nhảy sang gần như bất kỳ loài nào trong số hơn 8.000 loài lưỡng cư. Bệnh lan đến cả các khu bảo tồn xa xôi hẻo lánh trên khắp thế giới. Việc nhập khẩu mỗi năm 2,5 triệu cá thể ễnh ương beo được nuôi trong đại trà – nhiều hơn bất kỳ loài lưỡng cư sống nào khác – đã đưa số lượng động vật bị nhiễm nấm chytrid đáng sợ vào Hoa Kỳ.
Các nhà khoa học lưu ý vai trò của thương mại hợp pháp xuyên lục địa trong đại dịch chytrid, tuy nhiên thương mại vẫn tiếp tục, bất chấp chi phí sinh học và kinh tế. Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã chi hàng triệu đô la để ngăn chặn các loài bản địa tuyệt chủng do nấm chytrid, chẳng hạn như loài cóc Baxter nguy cấp thông qua các nỗ lực nhân giống và tái thả trong khi tiếp tục cho phép nhập khẩu hợp pháp các loài lưỡng cư lây lan mầm bệnh đe dọa những loài bản địa.
Con người chưa bao giờ là một phần của đại dịch trên quy mô hiện đang ảnh hưởng đến động vật lưỡng cư. Ngay cả những thảm kịch như cái chết đen vào giữa những năm 1300 và đại dịch cúm năm 1918 cũng chỉ tàn phá một loài động vật có vú: con người. Ngược lại, các bệnh mới xuất hiện từ động vật hoang dã, đặc biệt là chytrid không còn kén cá chọn canh vật chủ để lây nhiễm và tiêu diệt nữa. Hãy tưởng tượng mọi thứ sẽ như thế nào nếu đại dịch tiếp theo có thể lây nhiễm hàng trăm trong số 5.000 loài động vật có vú trên thế giới, bao gồm cả loài người, khiến nhiều loài bị tuyệt chủng.
Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro
Một loạt các loài thực vật và động vật có liên quan đến buôn bán động vật hoang dã quốc tế, nhiều loài là một phần thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi: Hải sản nhập khẩu để ăn tối; gỗ để xây nhà và làm nhạc cụ; chim, ếch và cá làm cảnh; những cái cúc xà cừ trên áo sơ mi; cây thuốc như nhân sâm; tinh dầu mỹ phẩm như argan và nhũ hương; và thậm chí nhiều hoa lan và xương rồng để trang trí nhà cửa. Skerratt cho biết đây là lý do tại sao dường như không thể chấm dứt buôn bán hợp pháp động vật hoang dã, và kiểm soát dịch bệnh tại nguồn là cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng.
Chìa khóa để giảm lây lan mầm bệnh là một chương trình “thương mại sạch”, trong đó giới chức chính phủ và khối tư nhân hợp tác để thực hiện các chiến lược an toàn hơn, theo Matthew Gray, phó giám đốc Trung tâm bảo vệ sức khỏe động vật hoang dã thuộc Đại học Tennessee, Knoxville.
Gray giải thích rằng thương mại sạch liên quan đến xét nghiệm trước khi vận chuyển hoặc tại biên giới, cấp giấy chứng nhận sức khỏe động vật đi kèm với động vật hoang dã – tương tự yêu cầu đối với súc vật. “Nếu thương mại sạch không bền vững về mặt kinh tế, chính phủ nên trợ cấp như thường thực hiện với nông nghiệp”.
Peter Jenkins, cố vấn cao cấp cho tổ chức phi lợi nhuận môi trường Public Employees for Environmental Responsibility cho biết phát triển một chương trình giám sát động vật hoang dã nhập khẩu để phát hiện mầm bệnh và đánh giá rủi ro ở Hoa Kỳ không quá khó. “Chúng ta có một mô hình rất tốt về điều này, chính là thương mại súc vật ở Hoa Kỳ”.
Cục kiểm dịch Động thực vật áp dụng một hệ thống toàn diện về dịch vụ thú y và kiểm soát thương mại để giảm nguy cơ nhập khẩu mầm bệnh có thể gây hại cho động vật, bao gồm cả gia súc, cừu, gia cầm. Jenkins ước tính một chương trình như vậy có thể được thực hiện với chi phí hợp lý, chỉ với 2 triệu đô la và 6 nhân viên toàn thời gian.
Vậy mà điều đó không diễn ra.
“Có vẻ như thiếu sự khuyến khích kinh tế để tạo ra một luật về sức khỏe động vật hoang dã ở Hoa Kỳ nhằm điều tiết con đường lây lan của mầm bệnh từ động vật hoang dã, nhưng COVID-19 đã nêu bật những hậu quả của việc chúng ta thiếu hiểu biết về các mầm bệnh này”, Nanjappa, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận cung cấp nghiên cứu và phân tích cho các dự án bảo tồn Conservation Science Partners, Inc. chỉ ra nguyên nhân.
Najappa cho rằng thực trạng thiếu khuyến khích xuất phát từ niềm tin sai lầm rằng nếu một bệnh nhập khẩu không lập tức đe dọa sức khỏe cộng đồng hoặc động vật nông nghiệp thì nó không phải là mối đe dọa lớn đối với lợi ích kinh tế. Nhưng khi xảy ra hội chứng mũi trắng, một loại nấm đã tàn phá hàng triệu cá thể thuộc nhiều loài dơi, các quần thể dơi này suy giảm đến mức phải áp dụng các biện pháp bảo vệ theo Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng, các hoạt động kinh tế như khai thác gỗ trong sinh cảnh của loài cũng buộc phải hạn chế hơn.
CDC, Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã, USDA không bình luận về loại tài nguyên nào các cơ quan này cần để đánh giá rủi ro bổ sung, thực hiện giám sát các bệnh dịch trong buôn bán động vật hoang dã, hoặc liệu đại dịch có thúc đẩy họ tăng cường giám sát dịch bệnh hay không .
COVID-19 khiến thiếu sót từ lâu này được chú ý, giờ là lúc để những bộ óc tốt nhất trong Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã, CDC, USDA, ngành công nghiệp nhập khẩu và giới học thuật cùng xem xét những bước cần thực hiện để khắc phục lỗ hổng này trước khi đại dịch có nguồn gốc động vật tiếp theo tràn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Nhật Anh (Theo National Geographic)