BVR&MT – TRAFFIC vừa công bố Hệ thống thông tin trực tuyến về buôn bán voi với tên gọi ETIS Online.
ETIS Online được thực hiện theo yêu cầu tại cuộc họp lần thứ 69 của Ủy ban Thường trực CITES tổ chức năm 2017. Trang web này có mục tiêu thúc đẩy thu thập dữ liệu về các vụ bắt giữ liên quan đến mẫu vật voi và có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu đó. Các chức năng mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm giàu dữ liệu có sẵn để phân tích nhằm cung cấp thông tin về chính sách quốc tế liên quan đến việc ngăn chặn và giải quyết nạn buôn lậu ngà voi.
Nền tảng mới này cho phép đại diện các nước ký kết đệ trình (phải được chính phủ ủy quyền) có thể truy cập và dễ dàng đệ trình hồ sơ về thu giữ mẫu vật voi ở quốc gia tương ứng. Ví dụ: các nước có thể xem và tải xuống dữ liệu được sử dụng trong phân tích ETIS, trong đó nêu chi tiết số lượng và trọng lượng các vụ bắt giữ được thực hiện trong nước cũng như các vụ bắt giữ ở nước khác nhưng liên quan đến quốc gia đó.
Giám đốc điều hành TRAFFIC Steven Broad cho biết: “ETIS Online tăng hiệu quả thu thập và phân tích dữ liệu bắt giữ voi, chúng tôi hy vọng qua đó sẽ củng cố cơ sở bằng chứng cho hành động trong tương lai của Công ước CITES đối với các thách thức về buôn bán ngà voi”.
ETIS là cơ sở dữ liệu lưu giữ gần 30.000 hồ sơ về các vụ bắt giữ hoặc tịch thu ngà voi và mẫu vật voi khác được báo cáo từ năm 1989 (tương đương hơn 750 tấn ngà voi thô cho đến nay).
ETIS được thành lập vào năm 1998 và do TRAFFIC quản lý thay mặt cho Ban Thư ký CITES. Hệ thống giám sát được thiết kế để đo lường và ghi lại mức độ cũng như xu hướng buôn lậu các mẫu vật voi. TRAFFIC thực hiện các phân tích toàn diện dựa trên các hồ sơ này, được sử dụng để thông tin cho các bên tham gia và Cơ quan quản lý Công ước CITES ra quyết định.
Cùng với Chương trình Giám sát giết voi bất hợp pháp (MIKE), ETIS là một trong những hệ thống giám sát và báo cáo quan trọng liên quan đến voi được công nhận theo Công ước CITES.
Kể từ năm 1998, kết quả phân tích của ETIS hướng tập trung sự chú ý vào các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ hoạt động buôn lậu ngà voi, và hiện có vai trò nền tảng để xác định các bên tham gia vào quy trình Kế hoạch hành động quốc gia về ngà voi (NIAP) của Công ước CITES.
NIAP là công cụ thiết thực đang được Công ước sử dụng để tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán ngà, thị trường ngà cũng như góp phần chống buôn lậu ngà voi.
Các cải tiến hơn nữa và các chức năng mở rộng cho ETIS Online được chính phủ Bỉ, Đức và Hà Lan, Liên minh châu Âu và Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ hỗ trợ.
Nhật Anh (Theo TRAFFIC)