Trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ phá rừng quy mô lớn tại Bình Định

BVR&MT – Liên quan đến vụ 64,18 ha rừng tự nhiên ở huyện miền núi An Lão (tỉnh Bình Định) bị “lâm tặc” xóa sổ, ngày 24/7, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Liên quan đến vụ 64,18 ha rừng tự nhiên ở huyện miền núi An Lão (tỉnh Bình Định) bị “lâm tặc” xóa sổ, ngày 24/7, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với 9 bị cáo gồm: Lê Văn Thiệt (56 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo – trụ sở đóng tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định); Nguyễn Văn Ri (43 tuổi, Đội trưởng đội xe máy Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo) và các bị cáo Lê Hồng Đức (41 tuổi), Lê Xuân Hậu (32 tuổi), Võ Dần (69 tuổi), Văn Ngọc Triển (49 tuổi), Nguyễn Cứ (54 tuổi), Nguyễn Nguyên Thực (34 tuổi), Phan Dễ (58 tuổi), tất cả đều thường trú ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định về tội “Hủy hoại rừng”, quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999. Trong đó ông Lê Văn Thiệt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo với vai trò chủ mưu, thuê người phá 37,5 ha rừng.

Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi hủy hoại rừng, tuy nhiên các bị cáo đều khiếu nại về kết luận giám định cũng như diện tích rừng bị phá. Các bị cáo cho rằng không được cơ quan điều tra cho xác định thực tế nơi xảy ra vụ phá rừng để xác định đúng diện tích rừng của mình tàn phá mà chỉ xem và khai nhận diện tích rừng bị phá qua bản đồ. Đồng thời các bị cáo khiếu nại mức giá thiệt hại của cơ quan định giá, bởi diện tích rừng bị hủy hoại trong thời gian từ năm 2015, 2016 và 2017, tuy nhiên cơ quan định giá lại áp khung định giá năm 2018.

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử cho rằng yêu cầu của các bị cáo là chính đáng nên quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định để yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định tiến hành điều tra bổ sung, giám định lại giá trị thiệt hại và xác định lại diện tích rừng của từng bị cáo đã hủy hoại.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định, tháng 7/2017, ông Lê Văn Thiệt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo chỉ đạo Nguyễn Văn Ri – Đội trưởng Đội xe máy của Công ty Thương Thảo triển khai phá rừng tại khoảnh 8 tiểu khu 1 xã An Hưng, huyện An Lão, để trồng keo cho Công ty. Tiếp đó, Nguyễn Văn Ri đã thuê nhân công phá 2 khu vực rừng với tổng diện tích 37,5 ha, trữ lượng thiệt hại 2.868m3 gỗ; giá trị rừng bị thiệt hại hơn 1,94 tỷ đồng. Để thực hiện việc hủy hoại rừng, ông Thiệt ngang nhiên cho mở đường, lập lán trại, nhân công dùng cưa máy, đốt phá rừng; những khối lượng gỗ lớn thì dùng xe ô tô tải vận chuyển về tập kết vào kho của Công ty.

Ngoài ra, các bị cáo Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu, Võ Dần, Văn Ngọc Triển, Nguyễn Cứ, Nguyễn Nguyên Thực và Phan Dễ đã trực tiếp phá rừng và góp tiền để thuê người phát thực bì, phá hoại rừng tại khoảnh 7 và khoảnh 8 tiểu khu 1 xã An Hưng, với tổng diện tích 27 ha, trữ lượng thiệt hại hơn 2.650 m3 gỗ, giá trị rừng bị thiệt hại là hơn 2,85 tỷ đồng.

Đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Bình Định được dư luận rất quan tâm. Sau khi vụ việc được phóng viên TTXVN phát hiện và phản ánh, ngày 9/9/2017 Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ phá rừng tự nhiên đặc biệt nghiêm trọng này.

Đây là lần thứ 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ phá rừng có quy mô lớn nhất tại Bình Định bị gián đoạn, bởi trước đó ngày 28/6, Hội đồng xét xử phải quyết định hoãn phiên tòa vì tại phiên xét xử sơ thẩm hàng loạt nhân chứng, luật sư bào chữa bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều đồng loạt vắng mặt.