TP Hồ Chí Minh “mở cửa” từng bước sau ngày 30/9

BVR&MT – Sáng 30/9, UBND TP Hồ Chí Minh công bố cho phép hoạt động trở lại nhiều hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao… từ sau ngày 30/9. Việc “mở cửa” được triển khai chắc chắn theo phương châm “An toàn là trên hết”.

Quang cảnh buổi làm việc.

Thông tin trên được đưa ra trong buổi họp báo công bố Chỉ thị của UBND TP Hồ Chí Minh về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố cho phép các hoạt động trở lại gồm: Các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị Nhà nước của Trung ương đóng tại TP Hồ Chí Minh; các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và văn phòng kinh tế – văn hóa nước ngoài có trụ sở trú đóng trên địa bàn thành phố; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; các cơ sở dịch vụ y tế; các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ; văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; giáo dục, đào tạo; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; tập trung ngoài trời, trong nhà có giới hạn số người.

Riêng các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được cho phép hoạt động gồm: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, người hành nghề thú y; công trình giao thông, xây dựng.

Thành phố cũng cho phép các hoạt động: Cung cấp lương thực, thực phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, chợ đầu mối, chợ truyền thống; xăng, dầu, gas, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, vật liệu; dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; dịch vụ quản lý, vận hàng, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

Ngoài ra còn có các dịch vụ công ích; dịch vụ bảo vệ; trạm thu phí sử dụng đường bộ; dịch vụ tư vấn xây dựng; dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ quan trắc và xử lý môi trường; dịch vụ giới thiệu việc làm; dịch vụ cưới hỏi…

Cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ được bán hàng mang đi; đối với nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet; các hoạt động xúc tiến thương mại bao gồm hội chợ, triển lãm, hội nghị, sự kiện kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm cũng được hoạt động trở lại; cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, các dịch vụ khác phục vụ cho khách tham quan được hoạt động tối đa 50% công suất; cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu cũng được hoạt động tối đa 50% công suất.

Để thực hiện Chỉ thị này, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng, triển khai kế hoạch chi tiết thực hiện Chỉ thị trên địa bàn quản lý phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Thành lập các đoàn/tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.