Tp.HCM đề xuất mức lương 120 triệu đồng/tháng cho người đứng đầu tổ chức khoa học công nghệ

BVR&MT – Tp.HCM đang nghiên cứu trả lương cao cùng các chế độ phúc lợi vượt trội để thu hút, giữ chân người tài, ngăn chảy máu chất xám.

Để có nghiên cứu xứng tầm

Dự kiến trong tháng 9, Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM trình HĐND Tp.HCM đề án “Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học – công nghệ (KH&CN) công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ”.

Tại đề án này, Sở KH&CN Tp.HCM đề xuất cụ thể về tiền lương của các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH&CN công lập. Theo đó, tiền lương của người đứng đầu các tổ chức KH&CN công lập do UBND Tp.HCM thành lập nhận lương từ 60 – 120 triệu đồng/tháng; cấp phó của người đứng đầu từ 50 – 100 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học Công nghệ Tp.HCM cho biết, đề án xây dựng cơ chế để hình thành, phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế có 2 tiêu chí quan trọng nhất là chính sách nổi trội và cơ chế thông thoáng.

Bà Sương cũng cho hay, hiện Tp.HCM có số lượng lớn đơn vị nghiên cứu nhưng chưa có trung tâm tầm cỡ, chuẩn quốc tế. Do vậy, Sở đề xuất phát triển các trung tâm này làm đầu tàu thúc đẩy kinh tế bằng các kết quả nghiên cứu.

Đại diện Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cũng thông tin, sau 5 năm thực hiện Chương trình 562 về nhóm nghiên cứu mạnh quốc gia, các chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế rất lớn khiến chương trình chưa đạt được kết quả như mong đợi, đó là chưa có chính sách vượt trội, mức lương chi trả chưa phù hợp nên các chuyên gia không gắn bó lâu, dẫn đến các nghiên cứu không đạt chương trình.

Nói về cơ sở đề xuất mức lương gấp 5-6 lần hiện tại, bà Sương cho hay nếu trả thu nhập như một công chức bình thường sẽ khó thu hút những người này.

Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM đã khảo sát về chế độ tiền lương khoảng vài chục tổ chức khoa học công nghệ khối nhà nước, tư nhân và của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong các ngành công nghệ.

Trong nhóm này có đơn vị nước ngoài trả thu nhập cao nhất 360 triệu cho vị trí giám đốc phụ trách phát triển trí tuệ nhân tạo (chưa tính thưởng).

“Với khối nhà nước, tổng thu nhập trung bình khoảng 30-40 triệu mỗi tháng. Sau khảo sát, chúng tôi tính toán trong điều kiện nhà nước và mức trung bình từ kết quả trên để đề xuất trả thù lao 60-120 triệu đồng mỗi tháng cho chức danh lãnh đạo cao nhất”, bà Sương cho hay.

Theo bà Sương, mức thu nhập này có thể với nhiều người là lớn, nhưng đối với các chuyên gia nước ngoài, đầu ngành thì chỉ ở mức vừa phải.

Kỳ vọng thu hút nhiều nhà khoa học trẻ

Đánh giá về vấn đề này, GS. Trần Ngọc Anh, giảng viên Trường Đại học Indiana (Mỹ) cho rằng, con người chính là yếu tố quan trọng nhất chính cho sự phát triển. Tuy nhiên ông Ngọc Anh nhấn mạnh vấn đề động lực ở khu vực công hiện nay đang rất hạn chế. Theo GS. Trần Ngọc Anh, muốn phát triển động lực khu vực công thì cần có 2 thứ, trong đó đầu tiên là thu nhập đảm bảo.

“Tp.HCM đã từng là nơi đầu tiên có cơ chế liên quan nhưng hiện vẫn còn quá thấp để thu hút người tài. Nếu chỉ tăng lương không thì không đủ mà còn phải có hệ thống đánh giá cán bộ. Khi đánh giá cán bộ một cách thực chất sẽ tạo được động lực làm việc”, ông Ngọc Anh nói.

Còn TS. Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt nhận xét, thông thường, một chuyên đề nghiên cứu khoa học thực hiện trong thời gian 3 tháng có mức thù lao dao động 20-30 triệu đồng.

Để có một chuyên đề hoàn chỉnh báo cáo ra hội đồng khoa học và nghiệm thu, nhóm nghiên cứu phải làm việc cật lực, nhiều chuyên đề phải mua thêm tài liệu của nước ngoài để nghiên cứu. Sau khi nghiệm thu công trình thành công, chia mức thù lao nghiên cứu ra cho từng thành viên, một nhà khoa học chỉ nhận khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Mức thù lao này rất thấp so với mức sống hiện nay ở Tp.HCM.

Bà Dung chỉ ra, Tp.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có rất nhiều nhân tài trẻ nhưng do chế độ đãi ngộ thấp nên chưa phát huy hiệu quả thu hút, sử dụng.

“Đa số những người đang làm nghiên cứu khoa học ở các cơ quan, tổ chức KH&CN công lập chỉ ở lại vì đam mê và trách nhiệm với nghề. Tôi kỳ vọng đề án triển khai hiệu quả, từ đó tạo ra môi trường làm việc tốt nhất để thu hút nhiều nhà khoa học trẻ vào các lĩnh vực mà thành phố ưu tiên đầu tư phát triển”, TS. Nguyễn Kim Dung ý kiến.

Trong khi đó, TS. Lê Mạnh Hải, Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Gia Định bình luận, mức lương đề xuất của Sở KH&CN Tp.HCM không quá cao, cũng không quá thấp. Lương tăng thì đòi hỏi việc lựa chọn người cũng phải khắt khe hơn.

“Vấn đề đặt ra là làm sao để chọn được người vừa có tài vừa phù hợp vào vị trí “đầu tàu” để hướng dẫn và có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, có ích cho thành phố”, ông Hải băn khoăn.

Các chuyên gia cũng nhận định, mới chỉ là đề xuất nhưng có thể xem đây cũng là mức lương khá hấp dẫn, nhất là giới nghiên cứu khoa học trẻ nên Sở KH&CN Tp.HCM nên cân nhắc “chọn mặt gửi vàng” để người tài phát huy hiệu quả làm việc, tận tâm cống hiến.

Khi có chính sách khuyến khích và mức thù lao hợp lý, nhà khoa học cũng sẽ tập trung dồn sức vào những công trình ứng dụng vào xã hội nhiều hơn những nghiên cứu mang tính lý thuyết, hàn lâm.

Mức lương cao, trách nhiệm lớn

Nói về điều kiện để lãnh đạo trung tâm nghiên cứu khoa học nhận được mức thù lao đề xuất, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN Tp.HCM cho biết, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo nhà nước, như bằng cấp, học hàm, học vị… đương nhiên họ phải đáp ứng.

“Quan trọng hơn, nhân sự được tuyển chọn phải thỏa mãn yêu cầu công việc được giao. Người hưởng mức thu nhập này phải có một kế hoạch cụ thể về chiến lược nghiên cứu phát triển trong giai đoạn 5 năm”, ông Dũng khẳng định.

Hội đồng khoa học sẽ đánh giá nghiên cứu này có xứng tầm với những gì mà Tp.HCM đầu tư, mang lại hiệu quả thực sự, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Trong đề án này, nhà khoa học phải đưa ra được KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) rõ ràng về lĩnh vực nghiên cứu, ra được những sản phẩm gì, cách làm ra sao…

Việc thẩm định đề án rất quan trọng vì hội đồng sẽ đánh giá năng lực lãnh đạo dựa trên lý lịch khoa học, các vị trí việc làm, bằng sáng chế, các kỹ năng khác…

Khi được phê duyệt đề án, lãnh đạo đơn vị nghiên cứu được tuyển chọn mới được hưởng các cơ chế về tiền lương, cơ sở vật chất. Ngoài ra, họ còn được quyền tuyển chọn các các cấp phó, trưởng và các phó phòng đóng vai trò giúp việc trong đề án.