TP.Cần Thơ tăng cường giúp nông dân sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

BVR&MT – Theo Ủy ban nhân dân TP.Cần Thơ, để nâng cao năng lực chuyển đổi nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân, thời gian qua, ngành chức năng của Thành phố này đã tập huấn cho nông dân và đưa vào nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả.

Nhiều hộ nông dân ở TP.Cần Thơ đã chuyển sang trồng cây có múi và sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trương Viết Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.Cần Thơ cho biết, ngay từ rất sớm, Thành phố đã xác định cần có những động thái để thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trang bị cho nông dân những kiến thức căn bản, cần thiết. Trong đó, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi nền nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu cho mỗi người dân, qua đây nhằm cung cấp cho cán bộ hội nông dân, cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân, những kiến thức cơ bản, có hệ thống về khí thải nhà kính, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu và những tác động của nó.

Những dự án, mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất ở TP.Cần Thơ đã phát huy hiệu quả trong những năm qua như mô hình cánh đồng mẫu lớn; dự án sản xuất thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh; dự án áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa; mô hình giảm lượng hạt gieo sạ trong sản xuất lúa…

Các mô hình chuyển đổi từ vùng 3 vụ lúa đông xuân – hè thu – thu đông sang cơ cấu lúa đông xuân sớm – vụ màu xuân hè – lúa thu đông cho vùng phù sa ngọt; hoặc lúa đông xuân – vụ màu hè thu – lúa thu đông cho vùng ngập lũ;…Một số loại cây trồng có khả năng chống chịu mặn, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao…đây là những yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu trong những năm qua ở Cần Thơ.

Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, các cấp hội nông dân ở TP.Cần Thơ đã vận động hội viên, nông dân bón phân, phun thuốc đúng liều lượng, đúng thời điểm, tiết kiệm giống, nước tưới… Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, hướng đến sản xuất theo hình thức hợp tác nhằm tăng giá trị sản xuất, như thành lập các tổ hợp tác trồng vú sữa, trồng chanh không hạt, trồng quýt, xoài…

Qua đây, người nông dân đã hiểu được những tác hại của ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu. Đa số nông dân đã biết sử dụng màng phủ trong trồng màu, giảm lượng nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Một số nông dân có điều kiện đầu tư nhà lưới, hệ thống phun tưới tự động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khắc phục hiện tượng xâm nhập mặn, khô hạn.

Trung tâm Khuyến nông TP.Cần Thơ cho biết, Thành phố đã triển khai nhiều mô hình sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Khuyến nông TP.Cần Thơ đã hỗ trợ giống rau, màu, cây ăn trái… cho nông dân trị giá trên 3,5 tỷ đồng, đồng thời các địa phương đã vận động nông dân cải tạo vườn cây ăn trái, chuyển đổi trên 895 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái, có khoảng 35ha vườn cây ăn trái áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị đang được hình thành và mở rộng, trong đó các mô hình sản xuất thủy canh, nhà lưới đang được hình thành ở các địa phương như Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh…

Nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chi cục thủy sản TP.Cần Thơ cũng đã triển khai kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, ngoài ra, Chi cục còn tham mưu cho cho cấp trên phê duyệt Dự án “Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi cá Tra xuất khẩu ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt với quy mô 100 ha” nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tra tập trung, đồng bộ hóa công trình ao nuôi để đảm bảo phát triển nghề nuôi theo hướng bền vững, chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của môi trường.

Cùng với đó, ngành thủy sản Cần Thơ đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản cho bà con nông dân như nuôi tuần hoàn nhằm tiết kiệm nước đồng thời hạn chế dịch bệnh từ bên ngoài. Các vùng nuôi tập trung, các trại sản xuất giống đều phải bố trí hệ thống công trình ao nuôi, bể lắng lọc trước khi đưa vào sản xuất và hệ thống xử lý nước thải trước khi xả nước ra môi trường ngoài. Khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản theo quy phạm thực hành nuôi tốt và các tiêu chuẩn quốc tế khác nhằm đảm bảo an toàn về môi trường, an toàn động vật nuôi và sản xuất sản phẩm an toàn. Dự báo, xây dựng kế hoạch nuôi trồng thủy sản của thành phố Cần Thơ ứng với các kịch bản biến đổi khí hậu – nước biển dâng; dự báo các công trình phục vụ thủy sản bị đe dọa do nước biển dâng như: Các công trình thủy lợi, giao thông, hệ thống công trình nuôi,… Từ đó có khuyến cáo, tổ chức thiết kế, thẩm định xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ ngành thuỷ sản phù hợp.v.v…

Liên quan tới ứng phó biến đổi khí hậu, hiện nay, các trạm quan trắc độ mặn thuộc Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của TP.Cần Thơ để ứng phó với xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra” đã cung cấp kịp thời thông tin về tình hình nhiễm mặn trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận. Nhờ đó địa phương có biện pháp ứng phó kịp thời khi nước mặn xâm nhập trên địa bàn. Thành phố cũng đang hoàn thành thủ tục để tham gia mạng lưới 100 thành phố trên thế giới hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Việc tham gia này sẽ giúp TP.Cần Thơ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu với 100 thành phố trên, đồng thời tiếp cận các nguồn tài trợ từ tổ chức quốc tế trong việc thực hiện biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu thời gian tới.