Top 15 loài mới được khoa học đặt tên

BVR&MT – Các nhà khoa học ước tính chỉ 10% tổng số loài trên hành tinh được mô tả. Ngay cả trong nhóm động phổ biến nhất – động vật có vú, các nhà khoa học cho rằng chúng ta mới chỉ tìm thấy 80% số loài. Các loài giỏi ẩn náu là dơi, loài gặm nhấm, chuột chù, chuột chũi và nhím.

Năm 2022, các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học California đã đặt tên cho 146 loài mới, bao gồm 44 loài thằn lằn, 30 loài kiến, 14 loài sên biển, 14 loài thực vật có hoa, 13 loài sao biển, 7 loài cá, 4 loài bọ cánh cứng, 4 loài cá mập, 3 loài bướm đêm, 3 loài giun, 2 loài bọ cạp, 2 loài nhện, 2 loài địa y, 1 loài cóc, 1 loài ngao, 1 loài rệp và 1 loài nhím biển.

Theo Vườn thực vật Hoàng gia Anh (RBG Kew), có khoảng 2.000 loài thực vật và nấm mới được tìm thấy mỗi năm. Đây là nguồn thực phẩm, thuốc men và các giải pháp tiềm năng khác. Tuy nhiên, thật không may, nhiều loài thực vật, nấm và động vật mới bị xếp vào danh mục Sẽ nguy cấp hoặc Cực kỳ nguy cấp dẫn đến tuyệt chủng.

“Nhiều loài tuy mới đối với khoa học nhưng đã được người dân bản địa biết đến và đặt tên”, Alexandre Antonelli, Giám đốc khoa học RBG Kew cho hay.

Cùng điểm qua những loài mới nổi bật được phát hiện trong năm 2022:

Ếch sô cô la

Một loài ếch đào hang mới từ Amazon thuộc Peru. (Nguồn: Germán Chávez)

Ở Amazon thuộc Peru, các nhà nghiên cứu bò sát đã lần theo tiếng kêu đặc biệt của loài ếch đến một trong những môi trường sống hiếm hoi nhất trong rừng – vùng đất than bùn Amazon. Ở đó, các nhà nghiên cứu đã tìm được một loài ếch đào hang mới, danh pháp khoa học là Synapturanus data. Loài ếch này được đặt biệt danh là ếch heo vòi vì chiếc miệng đặc biệt của chúng. Loài này đã được người dân địa phương biết đến nhưng vẫn chưa được khoa học mô tả.

Một nghiên cứu trước đây cho thấy các vùng đất than bùn ở Amazon của Peru lưu trữ lượng carbon gấp 10 lần so với khu rừng nhiệt đới không bị xáo trộn gần đó. Khu vực này được đề xuất để trở thành khu bảo tồn và các nhà nghiên cứu cho biết sự tồn tại của ếch heo vòi là một trong những lý do thúc đẩy mục tiêu này.

Loài chim hút mật ở quần đảo Wakatobi, Indonesia

Chim hút mật Wakatobi (Cinnyris infrenatus). (Nguồn: David J. Kelly)

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở quần đảo nhiệt đới Wakatobi thuộc miền trung Indonesia đã tìm thấy một số loài chim hút mật mới. Quần đảo nhỏ bé này cũng là một phần của vùng Wallacea mà nhiều nhà khoa học coi là “phòng thí nghiệm sống” để nghiên cứu quá trình tiến hóa, với các loài đặc hữu mới được khoa học xác định trong những năm gần đây. Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ củng cố các khuyến nghị để bảo vệ Wakatobi như một khu vực đặc hữu của loài chim hút mật quý hiếm này.

8 loài tắc kè mới ở thiên đường đa dạng sinh học Madagascar

8 loài tắc kè mới được giới khoa học tìm thấy ở Madagascar. (Nguồn: Vences)

Cả 8 loài đều có chiều dài bằng ngón tay cái. Chúng được nâng lên cấp độ loài qua các nghiên cứu ADN trong nhiều thập kỷ, được cho là một nhóm loài tắc kè lùn (Lygodactylus madagascariensis), loài có thể có tới 18 dòng di truyền riêng biệt.

Các nhà khoa học đã tìm thấy và đặt tên cho ít nhất 150 loài mới ở Madagascar trong 30 năm qua và vẫn đang tìm thấy nhiều loài hơn mỗi năm. Hơn 90% các loài ở đây là loài đặc hữu. Trước các mối đe dọa đang diễn ra với các khu rừng và hệ sinh thái của Madagascar, các nhà khoa học cho biết chúng ta có thể không kịp tìm thấy và đặt tên cho các loài đủ nhanh trước khi chúng biến mất.

Loài hải quỳ mới sống nhờ trên lưng cua

Loài hải quỳ mới phát hiện Stylobates calcifer. (Nguồn:  Akihiro Yoshikaw)

Một loài hải quỳ mới đã được tìm thấy ngoài khơi Nhật Bản và dường như chỉ sống trên vỏ của một loài cua ẩn sĩ. Các nhà nghiên cứu tin rằng cua ẩn sĩ và hải quỳ có mối quan hệ cộng sinh bắt buộc hoặc chúng cần nhau để tồn tại. Hải quỳ ăn các mảnh vụn rơi xuống và bảo vệ cua ẩn sĩ khỏi ký sinh trùng cùng động vật ăn thịt.

Loài ếch cây tí hon ở khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Costa Rica

Ếch cây thung lũng Tapir (Tlalocohyla celeste) chỉ dài khoảng 2 cm, tương đương kích thước nắp chai. (Nguồn: Khu bảo tồn thiên nhiên thung lũng Tapir).

Loài này được đặt tên là ếch cây Thung lũng Tapir (Tlalocohyla celeste) với môi trường sống duy nhất được biết đến của chúng là vùng đất ngập nước rộng 8 ha trong Khu bảo tồn Thiên nhiên Thung lũng Tapir. Các nhà khoa học đánh giá tình trạng bảo tồn của loài ếch này là cực kỳ nguy cấp.

Khu bảo tồn từng là đồng cỏ chăn nuôi gia súc nhưng sau đó trở thành “phòng thí nghiệm” cho các kỹ thuật phục hồi rừng, đồng thời cung cấp kết nối môi trường sống cho các loài động vật hoang dã khác, bao gồm loài heo vòi Baird bản địa (Tapirus bairdii).

Nhện Tarantula mới ở Thái Lan

Nhện Tarantula “bambootula” ở miền bắc Thái Lan. (Nguồn: JoCho Sippawat)

Ở Thái Lan, YouTuber nổi tiếng về động vật hoang dã JoCho Sippawat đã tìm thấy một chi mới của nhện Tarantula và hợp tác với các nhà khoa học để mô tả loài này. Taksinus bambus được đặt biệt danh là “bambootula” với ý nghĩa tôn vinh vua Thái Lan Taksin Đại đế (1734-1782). Tarantula sống bên trong thân cây tre, nó chui qua các lỗ do các động vật và côn trùng khác tạo ra hoặc qua các vết nứt tự nhiên trên tre.

Loài cá mới rực rỡ sắc màu ở Maldives

Một chú cá cầu vồng đực (Cirrhilabrus finifenmaa) từ Maldives. Tên loài “finifenmaa” có nghĩa là “hoa hồng” trong ngôn ngữ Dhivehi địa phương, ám chỉ màu hồng của nó và cũng chính là quốc hoa của Maldives. (Nguồn: Yi-Kai Tea)

Cirrhilabrus finifenmaa là loài cá rạn san hô đầy màu sắc và là loài mới đầu tiên được mô tả bởi một nhà khoa học Maldives. Theo tiếng địa phương, “finifenmaa” có nghĩa là “hoa hồng”. Những khác biệt nhỏ về hình dạng và phân tích ADN cho thấy chúng là một loài riêng biệt, khác với Cirrhilabrus rubrisquamis đã được biết đến. Chúng từng bị bán để làm cá cảnh – đây là điều đáng lo ngại khi một loài động vật bị thương mại hóa trước khi được đặt tên khoa học.

Ếch mưa nhỏ ở Panama

Ếch mưa Greta Thunberg bám vào một số khu vực sinh sống ở độ cao lớn. Khi biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ, loài ếch này có thể mất đi môi trường sống. (Nguồn: Macario González)

Một chú ếch cây nhỏ xinh đã được đặt theo tên của nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg. Các nhà khoa học tìm thấy ếch mưa Greta Thunberg (Pristimantis gretathunbergae) trong một chuyến thám hiểm trên Núi Chucantí của Panama. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài độc đáo và đặc hữu nhưng đã mất hơn 30% diện tích rừng trong thập kỷ qua do bị chuyển đổi sang các trang trại gia súc quy mô vừa và nhỏ. Các loài sinh sống ở độ cao như ếch mưa Greta Thunberg dễ bị tổn thương trước những thay đổi quy mô nhỏ của môi trường và biến đổi khí hậu và thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng liên tục.

Lười 3 ngón

Lười 3 ngón phương nam (Bradypus crinitus) (Nguồn: Suelen Sanche)

Các nhà khoa học đã phân loại loài lười 3 ngón thành hai loài khác nhau sau khi xem xét ADN, bằng chứng hình thái và hành vi. Loài mới là lười 3 ngón phương nam (Bradypus crinitus). Chúng có hộp sọ phẳng hơn và cái đầu giống quả dừa. Tảo, bọ, ve, bọ cánh cứng và bướm đêm thường trú ngụ trên lông của lười 3 ngón miền nam. Loài lười này là loài đặc hữu của Rừng Đại Tây Dương, Brazil, dẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đây là khu vực đa dạng sinh học cao.

Cây rừng nhiệt đới được đặt tên nhà hoạt động bản địa Honduras

Hoa Carpotroche caceresiae mọc ra từ thân chính, ở dưới là quả có cánh màu xanh chanh. (Nguồn: Indiana Colorado).

Một loài cây mới được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới ở Nicaragua và Honduras, được đặt tên là Carpotroche caceresiae sau khi Berta Isabel Cáceres Flores – một nhà hoạt động bản địa đến từ Honduras bị sát hại vào năm 2016 vì phản đối một dự án đập lớn.

Cây cao tới 15 mét và có hoa màu trắng giống như ngôi sao. Carpotroche caceresiae được đánh giá là gần bị đe dọa tuyệt chủng trong Sách đỏ IUCN.

Loài cú nhỏ ở Vịnh Guinea, châu Phi

Otus bikegila – một loài cú mèo mới từ hòn đảo Príncipe ở vịnh Guinea của châu Phi. (Nguồn: Barbara Freitas)

Với sự giúp đỡ của người dân địa phương trên đảo Príncipe ở vnh Guinea, các nhà khoa học đã tìm thấy Otus bikegila – một loài cú mèo mới. Chú cú mèo này được tìm thấy trong một khu vực rộng khoảng 16 km2. Otus bikegila phát ra âm thanh đặc biệt, một tiếng “tuu” ngắn lặp đi lặp lại nghe như tiếng côn trùng. Tiếng kêu này đã dẫn lối cho các nhà nghiên cứu tìm đến. Hiện có khoảng 1.000 – 1.500 cá thể sống trên đảo và các nhà nghiên cứu đã đề xuất chúng cần được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ IUCN.

Loài mai địa thảo được đặt tên theo người bản địa Banen

Những bông hoa mai địa thảo (Impatiens banen) trong rừng Ebo (Nguồn: Xander van der Burgt)

Impatiens banen – loài mai địa thảo mới đã được đặt theo tên của người Banen bản địa, những người bảo vệ Khu bảo tồn động vật hoang dã và Rừng Ebo ở Cameroon. Hoa có hoa màu trắng và hồng sáng, chỉ có ở trong những vòm đá granit bên trong Rừng Ebo. Khu rừng này là một trong những khu rừng nhiệt đới còn nguyên vẹn lớn nhất ở Cameroon và giàu đa dạng sinh học nhưng vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Chúng đang bị đe dọa bởi nạn khai thác gỗ dù chiến dịch khai thác gỗ đã bị đình chỉ vào năm 2020 sau các cuộc biểu tình do người Banen lãnh đạo.

“Hoa súng khổng lồ” lớn nhất thế giới

Victoria boliviana – bông hoa súng lớn nhất thế giới. (Nguồn: RBG Kew)

Với đường kính lên tới 3,3 m, hoa súng khổng lồ Bolivia (Victoria boliviana) là loài hoa súng lớn nhất trên thế giới. Chúng được tìm thấy ở vùng đất ngập nước Amazon thuộc Bolivia và đã được đánh giá là dễ bị tuyệt chủng trong Sách đỏ IUCN. Một mẫu hoa súng khô đã được đặt ngay tại phòng tiêu bản của RBG Kew trong hơn 170 năm trước khi được xác định là một loài mới trong năm nay.

Loài cây mới ở Rừng Đại Tây Dương

Quả của Eugenia paranapanemensis. (Nguồn: Paulo Camargo)

Quả cây này có màu vàng tươi, vị chua như anh đào với một hơi giống bạch đàn, chúng được tìm thấy ở Rừng Đại Tây Dương của Brazil. Hiện chỉ có ba mẫu vật được tìm thấy, thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp. Ngày nay chỉ rừng Đại Tây Dương chỉ còn lại khoảng 7% do bị san bằng bởi hoạt động nông nghiệp như chăn nuôi gia súc và trồng ngô, đậu tương, bông.

Loài ếch độc mới từ Ecuador

Một loài ếch mới đã được tìm thấy ở Ecuador và được đặt tên là Seth MacFarlane để vinh danh nhà sáng tạo loạt phim hoạt hình nổi tiếng “Family Guy”. Các hoa văn rực rỡ trên cơ thể chú ếch này có thể đóng vai trò là dấu hiệu cảnh báo về độc tính của nó. Các nhà nghiên cứu đã bị bỏng da và ngứa ran sau khi thu thập mẫu vật đầu tiên. Các nhà nghiên cứu mới chỉ tìm thấy bốn mẫu vật của loài ếch này, tất cả đều nằm trong phạm vi vài mét vuông tính từ đỉnh núi Cerro Mayordomo – một ngọn núi ở rìa lưu vực sông Amazon. Các khu rừng của Ecuador là nơi sinh sống của hơn 600 loài ếch được biết đến và nhiều loài khác đang được mô tả hàng năm. 6 loài ếch mới cho khoa học khác đã được tìm thấy chỉ riêng trên đỉnh Cerro Mayordomo.

Thùy Dung (Theo Mongabay)

Tags:
CHIA SẺ