Top 10 câu chuyện môi trường năm 2017

BVR&MT- Năm 2017 là một năm thăng trầm và có nhiều điều đáng nhớ với ngành môi trường. Xin gửi tới độc giả những câu chuyện môi trường nổi bật trong năm qua dưới đây.

1. Quần thể động vật hoang dã mới

Năm 2017, các nhà bảo tồn phát hiện nhiều quần thể động vật hoang dã mới. Điển hình là quần thể đông đúc đáng ngạc nhiên của loài chim hồng hoàng mỏ cát (Rhinoplax vigil thuộc họ chim hoàng) tại Miền Tây Borneo. Phát hiện này trao thêm hy vọng cho tương lai của những loài đang gần tuyệt chủng vì hoạt động săn bắn.

Bên cạnh đó, tin tốt cho loài khỉ đột núi (Gorilla beringei graueri) là các nghiên cứu tại Vườn quốc gia Maiko, Cộng hòa Dân chủ Công Gô phát hiện nhiều cá thể khỉ đột núi chưa được thống kê trong khu vực 1% diện tích vườn. Chưa hết, các nhà nghiên cứu còn cho rằng còn nhiều cá thể khỉ đột núi khác chưa được khám phá trong diện tích 10.885 km2.

Ngoài ra, các khảo sát đầu tiên được thực hiện tại rừng Bang Karen miền nam Myanmar cũng ghi nhận ít nhất 31 loài động vật có vú  bao gồm cả hổ, voi Châu Á, voọc xám và chó hoang Dhole. Khu vực này trước đây nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của các nhà khoa học do các nguyên nhân chính trị và an ninh. Tương tự, các nghiên cứu tại Khu phức hợp Rừng phía đông Thái Lan hé lộ một quần thể Hổ Đông Dương đang sinh sản, đưa Thái Lan trở thành quê hương của hai quần thể có khả năng sinh sản thuộc phân loài này.

Khỉ đột núi. Ảnh: Joe Mac Kenna qua Wikimedia Commons (CC BY 2.0).

2. Một số loài được phát hiện sau nhiều thập kỷ

2017 còn là năm của những tái phát hiện. Ví dụ điển hình là tại khu bảo tồn các loài lưỡng cư mới thành lập tại dãy Cuchumatannes, Guatemala một con kỳ giông Bolitoglossa Jacksoni đã bất ngờ được tái phát hiện sau hơn 40 năm kể từ khi loài này được tìm thấy lần đầu. Một nhà tự nhiên học ở Ấn Độ cũng tìm thấy cây rắn hổ mang (cobra lily) – một loài cây ăn thịt đã mất tích hơn 80 năm trước.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng tái phát hiện chim Grallaria chthonia có màu mận nâu vốn được phát hiện lần đầu trong một chuyến thám hiểm giữa những năm 1950 tại một vùng xa xôi thuộc dãy Andes ở Venezuela. Cũng trong một cuộc thám hiểm khác tại miền tây Amazon, một Hướng dẫn hiện trường đã phát hiện cá thể khỉ Vanzolini (Pithecia vanzolinii), một loại khỉ lớn màu đen với đuôi rậm dài và lông màu vàng. Theo các nhà nghiên cứu, đây là bằng chứng còn sống duy nhất của loài khỉ này trong 80 năm qua.

Khỉ Vanzolini tại rừng ngập nước dọc sông Eiru. Ảnh: Christina Selby.

3. Papua New Guinea có khu bảo tồn rộng nhất từ trước tới nay

Tháng 11/2017 Papua New Guinea chính thức tuyên bố mở cửa Khu Bảo tồn Mangalas, rộng 3600 km2 trải dài từ miền biển tới vùng núi tại miền đông nam nước này. Khu bảo tồn Mangalas có sứ mệnh bảo vệ thung lũng Mangalas khỏi các hoạt động khai thác gỗ và khoáng sản quy mô lớn.

Khu bảo tồn Mangalas bao phủ 3600 km vuông của Paua New Guinea. Nguồn dữ liệu: Hansen/UMD/Google/USGS/NASA, thông qua Global Forest Watch.

4. Các nhà nghiên cứu địa phương đi đầu trong công tác bảo tồn

Các nhà nghiên cứu Phương Tây chiếm ưu thế trong nghiên cứu bảo tồn ở Madagascar hàng thập kỷ qua. Họ giúp thiết lập, quản lý nhiều khu vực bảo tồn và góp phần quan trọng trong việc định hình các ưu tiên bảo tồn quốc gia. Tuy nhiên, hàng loạt các chương trình trong 10 năm gần đây đã hướng tới phát triển các nhà nghiên cứu trẻ Madagasca và đang hỗ trợ các nhà nghiên cứu địa phương nắm giữ vai trò lãnh đạo trong công tác bảo tồn.

Fanomezna Ratsoavina, ở giữa, trong phòng thí nghiệm tại trường đại học với 2 sinh viên đang bảo vệ luận văn thạc sĩ. Ảnh bởi Rowan Moore Gerety for Mongabay

5. Các địa phương đi ngược lại chính sách của Tổng thống Mỹ Trump với Hiệp định Paris

Tháng 6 năm 2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đi ngược lại với tuyên bố của Tổng thống Trump, các nhà lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và tôn giáo đã thành lập một liên minh đối lập với tên gọi “Cam kết của Hoa Kỳ: Chúng ta vẫn trong cuộc.” Đoàn đại biểu này đại diện các nhà hoạt động tại 15 bang của Mỹ, 455 thành phố, 1747 doanh nghiệp và 325 trường đại học, cùng cam kết với Hiệp định Paris thay mặt người dân Hoa Kỳ. Thống đốc Jerry Brown của Bang California và Cựu Thị trưởng New York Michael Blomberg dẫn đầu đoàn đại biểu.

Chính quyền các bang Hoa Kỳ tại COP23. Cựu Thị trưởng thành phố New York Mike Bloomberg (trái) đang chào Thị trưởng Pittsburgh Bill Peduto tại Bonn, Đức, tháng 11 năm 2017. Ảnh: Bloomberg Philanthropies.

6. Các nhà từ thiện và công ty cam kết vì môi trường

Bên cạnh sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo địa phương, các nhà từ thiện và các công ty cùng đứng lên giải quyết vấn đề khi Tổng thống Trump quay lưng với các vấn đề biến đổi khí hậu.

Qũy Gates tuyên bố chi 300 triệu đô la hỗ trợ nghiên cứu nông nghiệp giúp nông dân Châu Phi và Châu Á thích ứng với biến đổi khí hậu. Qũy William và Flora Hewlett cũng tuyên bố đóng góp 600 triệu đô la Mỹ trong 5 năm, từ 2018 đến 2023, cho các tổ chức phi lợi nhuận đang hoạt động để giải quyết các vấn đề môi trường.

Các quỹ khác cũng hứa hẹn ủng hộ nỗ lực bảo tồn. Đơn cử, Qũy Leonardo DiCaprio đã cam kết 20 triệu đô la Mỹ cho các tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, quyền con người và môi trường. Qũy Gordon and Betty Moore Foundation tuyên bố chi 50 triệu đô trong 5 năm để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực dãy Andes-Amazon qua các dự án cơ sở hạ tầng như đường xá và đê đập. Cùng thời gian đó, Qũy Oak của Thụy Sĩ cũng cam kết 100 triệu đô la Mỹ để hỗ  trợ các hoạt động bảo vệ biển, bao gồm ngăn chặn hoạt động đánh cá trái phép, giúp quản lý các hoạt động đánh bắt quy mô nhỏ, bảo vệ hệ sinh thái, giảm ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và sinh kế gắn với biển.

San hô và các sinh vật biển tại Komodo, Indonesia. Ảnh: Rhett A.Buttler

7. Quyền đất đai của người bản địa được trao cho cộng đồng

Các cộng đồng người bản địa và nông thôn ở Indonesia đang dần hưởng lại quyền đất đai của tổ tiên họ. Tháng 12 năm 2016, chính phủ Indonesia lần đầu tiên công nhận quyền của 9 cộng đồng bản địa trên cánh rừng nơi từng là ngôi nhà truyền thống của họ. Năm 2017, chính phủ cũng trao lại quyền đất đai cho một số cộng đồng bản địa khác. Đến nay, các nhà chức trách đã trả lại 164 km2 cho các cộng đồng bản địa. Hiện Hiệp hội người bản địa Indonesia AMAN đang tiếp tục nỗ lực đòi lại quyền cho hơn 6.600 km2 đất truyền thống.

Một ví dụ thành công hy hữu khác, Chính quyền Temer của Brazil, trước kia đã gây xung đột với người bản địa, nay thiết lập Lãnh thổ bản địa Turubaxi-Tea rộng 12000 km2 dọc trung lưu sông Negro tại bang Amazonas.

8. Nhiều khu bảo tồn sinh vật biển lớn được hình thành

Một khu bảo tồn sinh vật biển mới được thành lập bao phủ 40% vùng đặc quyền kinh tế của hòn đảo tại Niue, phía nam Thái Bình Dương với dân số chỉ 1600 người. Trên 127.000 km vuông này, chính phủ Niue hy vọng có thể bảo vệ trữ lượng cá và giảm lượng đánh bắt các loài cá đang bị đe dọa.

Trong tháng 9 năm 2017, Chile tuyên bố mở cửa khu bảo tồn sinh vật biển rộng 740 000 km2 xung quanh khu vực Đảo Easter. Khu Bảo tồn sinh vật biển Rapa Nui Rahui là nơi sinh sống của hơn 140 loài không thể tìm thấy tại nơi nào khác trên thế giới và không cho phép các hoạt động đánh bắt, khai thác và chiết xuất công nghiệp.

Tháng 10, Chile tuyên bố thành lập 2 khu bảo tồn biển khác. Với 11.7000 km vuông, khu bảo tồn thứ nhất bao phủ các vùng nước đảo Diego Ramirez, Mũi Sừng Nam Mỹ, trong khi khu bảo tồn thứ hai rộng 484.000 km vuông nằm giữa Đảo Juan Fernandez ở miền nam Thái Bình Dương.

Mexico cũng tuyên bố mở rộng Công viên biển Revillagigedo để thành lâp khu bảo tồn biển lớn nhất Bắc Mỹ giúp bảo vệ các loài cá mập, cá đuối, cá voi, rùa biển và các loài sinh vật biển quan trọng khác. Công viên rộng 150.000 km2 bao quanh 4 hòn đảo ở Revillagigedo.

Vùng nước quanh đảo Revillagigedo là nơi sinh sống của các loài cá đuối manta khổng lồ. Ảnh: Bowie Elisa Levy từ Flickr (CC BY 2.0).

9. Công nghệ mới thúc đẩy nỗ lực bảo tồn

Năm nay, công nghệ giúp cải thiện hoạt động giám sát và các nỗ lực bảo tồn phát triển mạnh mẽ. Điển hình là sáng kiến Barcode of Life Quốc tế phát triển bộ mã vạch DNA Lab-In-A-Box thăm dò sự sống di động mà cảnh sát và hải quan đều có thể sử dụng để xác định nhanh chóng các mẫu động thực vật từ các đối tượng tình nghi buôn lậu. Một đội nghiên cứu khác cũng phát triển thiết bị giải trình tự DNA cầm tay, cho phép xác định các loại thực vật nhanh hơn ngay trên hiện trường, trong đó có Công nghệ video ảnh nhiệt phát hiện ảnh hưởng của hội chứng mũi trắng ở dơi ngủ đông.

Sự hiện đại trong công nghệ đã hỗ trợ các thành viên bảo tồn không chuyên trong nhiều hoạt động- từ xác định các cá thể gấu Bắc cực cho tới đếm số lượng cây và giám sát vòng thay lá, ra hoa, kết quả của chúng. Các nhà khoa học cũng phát triển các loại robot giúp giám sát động vật hoang dã.

Máy dò sự sống Lab-In-A-Box, máy giải trình tự DNA cầm tay là thiết bị giúp hải quan, cảnh sát và các nhà chức trách xác định các mẫu thu được có nguồn gốc động vật hoang dã đang bị đe dọa, bị xâm phạm hoặc buôn bán trái phép hay không. Ảnh: Rob O’Flangan, Đại học Guelph

10. Top 20 loài mới năm 2017

2017 là một năm có nhiều tin vui khi nhiều loài động vật mới được tìm ra. Các nhà khoa học ghi nhận một loài đười ươi mới. Đây là loài linh trưởng đầu tiên được mô tả kể từ khi loài vượn Bonobo từ Cộng hòa Dân chủ Congo mô tả vào những năm 1929. Loài đười ươi Pongo tapanuliensis mới được phát hiện sống ở Sumatra, Indonesia và có thể là loài khỉ lớn đang trong tình trạng nguy cấp nhất thế giới.

Các cuộc thám hiểm trên khắp thế giới còn hé lộ rất nhiều loài vật trước đây vẫn còn là ẩn số với khoa học. Một nhóm các nhà khoa học phát hiện 19 loài tắc kè mới trong các hang động đá vôi ở Myanmar. Nhóm khác phát hiện 50 loài nhện mới ở Úccác loài ếch mới ở Ấn Độ và 2 loài linh trưởng – một trong số đó thuộc loài vượn cáo lùn ở Madagascar và một loài khỉ Galogo mới trong các cánh rừng Angola.

Một con đười ươi Pongo tapanuliensis mới được mô tả tại Indonesia. Ảnh: Maxime Aliaga.

Phạm Huyền (Theo Mongabay)

CHIA SẺ