Tổng thống Trump đảo ngược chính sách về nguồn nước của Obama

BVR&MT – Thứ Ba tuần trước (28/2), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh đảo ngược quy định quan trọng về bảo vệ nguồn nước của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia sắc lệnh này sẽ không tạo ra thay đổi tức thì nào về mặt pháp lý.

Về cơ bản, sắc lệnh này chỉ là một công cụ để ông Trump chỉ đạo lãnh đạo mới của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) ông Scott Pruit bắt đầu quá trình pháp lý phức tạp để điều chỉnh chính sách về nước ban hành năm 2015 của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp lý, chỉ riêng quá trình điều chỉnh chính sách thôi cũng mất nhiều thời gian hơn một nhiệm kỳ Tổng thống.

Đây là chỉ thị đầu tiên trong số trong hai chỉ thị mà Tổng thống Trump đưa ra để EPA thay đổi các chính sách môi trường quan trọng dưới thời ông Obama.

Dự kiến trong tuần tới ông Trump sẽ ký thêm một sắc lệnh tương tự yêu cầu ông Pruitt bắt đầu quá trình thu hồi và sửa đổi chính sách về biến đổi khí hậu mà ông Obama ký năm 2015 nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính từ các nhà máy điện than để ngăn chặn nóng lên toàn cầu.

Ảnh: Một đoàn tàu trên sông Mississippi ở Prairie du Chien, Wisconsin (Mỹ). Quy định về nước sạch giúp chính quyền liên bang ngăn chặn ô nhiễm ở các biển, hồ, cũng như sông suối và các vùng ngập nước, đầm lầy chảy ra (Ảnh của David Goldman/Associated Press)

Các chuyên gia pháp lý của Nhà Trắng nhận định rằng hai chính sách này đều được ban hành dưới các đạo luật hiện hành từ lâu trước khi ông Obama dời Nhà Trắng do vậy chúng không dễ dàng bị đảo ngược chỉ với một chữ ký của Tổng thống mới.

“Sắc lệnh chính thức này không tạo nên khác biệt gì lớn về mặt pháp lý. Nó chỉ đơn thuần giống như Tổng thống gọi cho Pruitt và bảo ông ấy hãy bắt đầu quá trình điều chỉnh pháp lý. Sắc lệnh chỉ có tác dụng ngang với một cuộc điện thoại hay vài dòng tweet. Điều này chỉ nói lên rằng Tổng thống muốn điều đó xảy ra mà thôi.” – Ông Richard L. Revesz, Giáo sư Luật Môi trường, Đại học New York bình luận.

Tuy vậy, ông Pruitt, người vừa được Thượng viện phê chuẩn vào trí đứng đầu EPA, vẫn đang tràn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng bắt tay hành động để thay đổi các quy định về nước sạch, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí trước đó. Ông Pruitt từng là Tổng trưởng lý của Oklahoma và từng dẫn đầu hoặc tham gia 14 vụ kiện tụng nhằm mục tiêu cản trở các quyết định lớn của EPA, bao gồm hai chính sách về nước sạch và biến đổi khí hậu mà giờ đây ông đang có nhiệm vụ gỡ bỏ.

Luật Nước sạch ban hành dưới Đạo Luật nước sạch 1972, được đội ngũ của ông Obama hoàn thành mùa Xuân 2015. Luật này có mục tiêu thể hạn chế ô nhiễm ở sông hồ, biển như Vịnh Chesapeake, sông Mississippi và eo biển Puget, cũng như các dòng suối và đất ngập nước đổ vào các vùng này.

Hai quyết định của Tòa án Tối cao về bảo vệ nước sạch năm 2001 và 2006 gây ra những thắc mắc pháp lý về việc liệu chính quyền liên bang có quyền kiểm soát các suối nhỏ và các nguồn nước khác như đầm lầy hay không. Quy định về nước dưới thời ông Obama nhằm mục đích khẳng định quyền đó khi cho phép chính quyền liên bang tham gia vào việc hạn chế ô nhiễm ở các khu vực hồ chứa nước nhỏ. Các nhà môi trường ủng hộ sắc lệnh này và coi đây là bước tiến quan trọng trong việc làm sạch nước tự nhiên và nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, quy định này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nông dân, các nhà phát triển bất động sản, các nhà sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu, các nhà sản xuất xăng dầu, các chủ sở hữu sân gold và các doanh nghiệp khác vì họ cho rằng quy định này ngăn cản tăng trưởng kinh tế và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của họ.

Sở Nông nghiệp Liên bang Hoa Kỳ, đã dẫn vụ tranh chấp pháp lý chống lại chính sách của ông Obama, cho rằng chính sách đó áp đặt một gánh nặng cho những người nông dân, những người sẽ phải đăng ký, xin giấy phép từ liên bang cho việc sử dụng phân bón trên diện tích đất gần kênh rạch, sông, suối của họ.

Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã giành được sự ủng hộ của những người dân vùng nông thôn khi ông hứa sẽ thay đổi chính sách này.

Tuy nhiên, có rất nhiều tranh cãi xoay quanh sắc lệnh mới của ông Trump. Nếu tuân thủ đúng quy trình, ông Pruitt sẽ phải thu hồi chính sách về nước của ông Obama và soạn thảo một dự thảo mới kèm theo lý giải vì sao dự thảo mới này ưu việt hơn. Dự thảo sẽ được công chúng xem xét, đánh giá trước khi được hoàn thiện và sau đó có thể phải đối mặt với các vụ kiện tụng và có thể sẽ phải đưa lên Toà án Tối cao của Hoa Kỳ.

Hồng Việt (Theo New York Times)