BVR&MT – Vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã chủ trì Hội nghị Tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (giai đoạn 2008-2018).
Báo cáo đánh giá tổng kết 10 năm tổ chức vận hành Quỹ theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP, ngày 14/01/2008 của Chính phủ về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng về cơ bản đã phản ánh sự đúng đắn và thể hiện tính nhân văn sâu sắc của một chính sách, tạo được nguồn an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc sống gần bó với rừng tại khu vực vùng sâu, vùng xa.
Xem thêm:
Chủ động triển khai phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô
Hà Giang: Thu giữ 27 khúc gỗ nghiến dạng thớt
Bộ NN&PTNT đánh giá cao kết quả đạt được sau 10 năm hình thành và phát triển hệ thống Quỹ, đây là một trong những thành công quan trọng của Chương trình tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.
Hoạt động của Quỹ đã cơ bản đạt được 03 mục tiêu Chính phủ đề ra gồm: Huy động nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng; Nâng cao nhận thức của người sử dụng dịch vụ môi trường rừng đối với tài nguyên phi lâm sản; Nâng cao năng lực hiệu quả quản lý sử dụng tài nguyên rừng, thực hiện tốt chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của nhà nước. Quỹ đã tạo nguồn thu chính đáng để các chủ rừng tự quản lý bảo vệ lâm phần được giao.
Bộ NN&PTNT cũng đánh giá cao hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thời gian qua từ khi đề xuất thí điểm đến hoàn thiện chính sách. Đặc biệt là Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Winrock International đã hỗ trợ và triển khai các chương trình dự án về thí điểm chính sách trước khi Quỹ được thành lập và nhân rộng.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đồng ý chủ trương làm thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ lưu giữ và hấp thụ Các bon (REDD+). Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý, Ban điều hành Quỹ Trung ương khẩn trương tham mưu cho Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ REDD+ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; Việc bổ sung hoạt động về REDD+ phải dựa trên nguyên tắc không làm phát sinh tổ chức, bộ máy mới, không thành lập nhiều quỹ để tập trung nguồn lực.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh, chủ động phòng ngừa các tình huống phát sinh thực tiễn, đảm bảo quá trình thu – chi đúng quy định, minh bạch, công khai và hiệu quả; Tham mưu cho cấp có thẩm quyền: chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm tổ chức kiểm tra, giám sát chủ rừng và các bên liên quan trong quản lý sử dụng tiền từ Quỹ; tổ chức kiểm tra giám sát sử dụng tiền đúng mục đích, đối tượng theo quy định của nhà nước.
Đối với các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vùng có hoạt động Quỹ. Chỉ đạo công tác trồng rừng thay thế đảm bảo chất lượng rừng trồng, đủ diện tích, ưu tiên tập trung trồng rừng phòng hộ đặc dụng và chi đúng định mức quy định của nhà nước; thẩm định, thiết kế dự toán trồng rừng và nghiệm thu rừng trồng thay thế; Chủ động tham mưu đề xuất thực hiện và xây dựng chính sách; thực hiện quản lý Quỹ theo quy định; tổ chức kiểm tra giám sát các bên thụ hưởng tiền từ Quỹ trong sử dụng tiền, đúng đối tượng, mục đích; Nghiêm túc chỉ đạo việc tổ chức triển khai việc trả tiền DVMTR cho chủ rừng qua các hình thức không dùng tiền mặt trong năm 2018 tại khu vực thuận lợi để từ năm 2019 áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh.
Văn Trì