Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X

BVR&MT – Sáng 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hội nghị trực tuyến về 10 năm thực hiện nghị quyết trung ương 7 khóa X.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã cắt băng khai mạc Triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tam nông, nghe tham luận về thành tựu, thực trạng từ các tỉnh có nền nông nghiệp tiêu biểu và thảo luận những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ  đã có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 26 về tam nông vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Đến năm 2020, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.

Nhận thức vai trò to lớn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân. Ban Bí thư T.Ư khóa X đã thành lập Ban Chỉ đạo đề án “Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa” giai đoạn 2018 – 2020; ban hành chỉ thị về thực hiện một số nhiệm vụ cấp thiết trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các bộ ngành, địa phương cũng đã ban hành chương trình hành động, xây dựng và triển khai nhiều đề án thực hiện Nghị quyết.

Những thành tựu 10 năm của nông nghiệp Việt Nam

Đoàn đại biểu có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi tham quan gian hàng triển lãm TH True Milk.

Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X, tổng ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 1,17 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay ngành nông nghiệp, nông thôn cũng đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nền nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất; tái cơ cấu ngành đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, phục vụ xuất khẩu ngày càng tăng.

Đoàn đại biểu có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi tham quan gian hàng triển lãm Hội Nông dân Việt Nam.

Trong đó trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp là 7.600 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm. Thu nhập bình quân đầu người nông dân đã tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng (năm 2008) lên 32 triệu đồng (cuối năm 2017). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn 1,8 lần năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5%/năm.

Gian hàng triển lãm của Hội Nông dân Việt Nam.

Một số kết quả nổi bật thực hiện nghị quyết 26 của Hội nông dân Việt Nam: Nông dân sản xuất giỏi 3,55 triệu hộ; nông dân thu nhập 1 – 2 tỷ là 27.000 hộ. Hội viên nông dân được học nghề là 1.753.000 hội viên, dạy nghề nông nghiệp hơn 85,5%, 14,5%, người có việc làm là 14.920.583 người…

Phóng viên Báo chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường trao đổi với anh Vi Xuân Hải, thôn Trại Máng, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Trao đổi với Phóng viên báo chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, anh Vi Xuân Hải, thôn Trại Máng, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết: “Đến với gian hàng triển lãm Hội nông dân Việt Nam, tôi rất vinh dự khi được chọn mang sản phẩm của gia đình được chọn sản phẩm để trưng bày trong triển lãm hôm nay là có cà chua, Hiện tại gia đình đang sử dụng phân bón Silic của công ty Tân Phát Bắc Giang cho mẫu mã sản phẩm rất đẹp, quả rất là ngọt. Đối với sâu bệnh sẽ ít hơn khi dùng những loại phân khác. Từ đó hiệu quả kinh tế được nâng cao”.

Nhiều sản phẩm trong gian trưng bày Hội Nông dân Việt Nam sử dụng phân Silic của công ty Tân Phát Bắc Giang.

Nhấn mạnh thế giới đang chuyển mình, châu Á đang cạnh tranh gay gắt nhất là ở hệ thống bán lẻ, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phải sớm khắc phục những tồn tại yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhận diện những cơ hội đan xen thách thức. Khắc phục hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất nông nghiệp, chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, gắn với an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, hướng tới phục vụ xuất khẩu. Thủ tướng cũng lưu ý sản xuất hữu cơ, sạch là rất quan trọng và cần được quán triệt sâu rộng.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới tư duy, tạo đột phá hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn. Cùng nông dân, sống cùng nông dân để thực hiện cuộc cách mạng mới. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội. Kinh nghiệm rút ra sau 30 năm đổi mới là ở đâu các cấp ủy Đảng chính quyền quan tâm thì ở đó nông nghiệp phát triển tiến bộ, nông thôn đổi mới, đời sống nông dân được nâng cao. Đồng thời, phải chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và chủ động hội nhập.

Trong bối cảnh mới, Thủ tướng lưu ý cần gắn giải pháp thúc đẩy phát triển với ứng phó thiên tai, bảo vệ môi trường. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực. Đặc biệt, cần rà soát, tính toán, triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ, phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đồ gỗ, nội thất của thế giới.

Văn Trì